Từ 22h đêm đến 5h sáng, khi nhiều người đã yên giấc, các chợ đầu mối như chợ hoa Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội), chợ trái cây Long Biên (Ba Đình, Hà Nội) vẫn sáng đèn, tấp nập người xe. Tại đây, các xe chở hàng từ khắp nơi đổ về, hoạt động mua bán diễn ra nhộn nhịp. Đó cũng là khoảng thời gian hàng trăm cửu vạn bắt đầu công việc mưu sinh.
Nhiệm vụ của cửu vạn là khuân vác, chuyển hàng từ container xuống phân phối cho tiểu thương. Vì tính chất công việc nặng nhọc, cửu vạn chủ yếu là nam giới.
Anh Công Tôn Quang đã theo công việc này 6 tháng, mỗi ngày khuân vác khoảng 300 kiện hàng, mỗi kiện nặng 35-45 kg. Những ngày cao điểm, số lượng kiện hàng tăng nhiều. "Khi mới bén duyên với nghề cửu vạn, thường xuyên vác nặng, mình cũng cảm thấy đau cơ, đau vai, nhưng giống như việc tập thể dục, sau một thời gian, cơ thể quen với nhịp độ công việc, mình không thấy đau nữa. Làm lâu, mình cũng thấy quen rồi", anh Quang chia sẻ.
Càng cận Tết, nhu cầu đối với hoa và trái cây càng tăng lên, xe chở hàng về các chợ đầu mối càng đông, nối đuôi nhau thành một hàng dài. Không khí làm việc tại các chợ khẩn trương, tất bật. Cửu vạn làm không nghỉ tay.
Một cửu vạn ở chợ Long Biên cho hay, thù lao trung bình của một cửu vạn là 1.000 đồng cho mỗi kiện hàng, một đêm thường kiếm được khoảng 300.000 đồng.
Hoạt động liên tục từ 22h đêm đến 5h sáng, các cửu vạn chỉ có những khoảng thời gian nghỉ ngơi ít ỏi khi chờ xe hàng tới hay chờ thương lái tới lấy hàng. Trong những khoảng giải lao, anh em tranh thủ ăn khuya để tiếp năng lượng lấy sức làm việc và chống chọi với giá rét.
Nghề cửu vạn đòi hỏi sức khỏe tốt và sự bền bỉ. Thường xuyên bốc vác nặng, cửu vạn cũng đối mặt nhiều rủi ro như đau cơ, chấn thương. Khi nhiệt độ hạ xuống mức 12 độ C, các tiểu thương, cửu vạn tại các chợ đầu mối Quảng An, Long Biên vẫn phải hoạt động ngoài trời trong gió rét. Ai nấy co ro trong áo rét, nhiều người phải đốt lửa sưởi ấm.
Tưởng chừng công việc nặng nhọc này chỉ dành cho nam giới, tại chợ Long Biên, trong đêm tối thấp thoáng nhiều bóng dáng nhiều chị em phụ nữ kéo những xe trái cây nặng cả tạ.
Tại chợ hoa Quảng An, không khí cũng tấp nập không kém. Anh Lê Văn Cường, quản lý một nhóm cửu vạn khoảng 7 người cho hay những ngày cao điểm như rằm, lễ Tết, nhóm của anh khuân vác khoảng 1.500 kiện hàng. Anh em đều ở tỉnh xa lên Hà Nội mưu sinh, anh Cường cũng thuê nhà cho các anh em ở để hỗ trợ mọi người làm tốt công việc.
Anh Hoàng, một tiểu thương tại chợ Quảng An, nói: "Mình thường lấy hàng và tiếp xúc với anh em cửu vạn. Bản thân là người đi lấy hàng, phải thức khuya thường xuyên, mình đã thấy vất vả. Anh em cửu vạn càng gian nan hơn vì phải khuân vác nặng, làm từ khuya tới sáng. Những hôm xe hàng bị tắc đường đến không đúng giờ như hôm nay, mọi người lại phải chờ ngoài trời trong giá rét".