ĐT Việt Nam đang "rối tung" dưới thời HLV Kim Sang-sik?
ĐT Việt Nam đang trong giai đoạn chuẩn bị cuối cùng cho AFF Cup 2024. Tuy nhiên, những trận giao hữu gần đây của thầy trò HLV Kim Sang-sik không được tốt. Chúng ta thua "đại gia" Nga 0-3, thua Thái Lan 1-2, chỉ hòa được Ấn Độ 1-1.
Về mặt nhân sự cũng như cách chơi, ĐT Việt Nam đều chưa cho thấy khởi sắc nào đáng chú ý hậu thời HLV Troussier.
Mới đây, cựu danh thủ Nguyễn Mạnh Dũng đã có những nhận xét về ĐT Việt Nam. Anh chia sẻ trên Người Lao Động về AFF Cup 2024 sắp tới.
"Tôi chẳng có gì phải lo lắng cả vì sân chơi Đông Nam Á này. Khi nào chúng ta không vào bán kết thì mới là chuyện lạ. Nếu vào bán kết và chung kết, vô địch thì mới đáng nói. Điều quan trọng là chúng ta đá với ai, lối chơi như thế nào mới là điều cần quan tâm.
HLV Kim đang trong quá trình chắp nối giữ thế hệ cầu thủ. Ông sử dụng những con người cũ của ông Park nhưng lại hết động lực, thiếu khát khao. Chắp nối những cầu thủ trẻ của thời ông Troussier nhưng thiếu kinh nghiệm và sự khôn ngoan, khiến tuyển Việt Nam rối tung cả lên.
Trừ Indonesia thay đổi quá mạnh dưới chính sách nhập tịch thì tôi không đề cập. Nhìn đến tuyển Thái Lan, họ luôn thay đổi, không còn nhiều cầu thủ cũ nữa mà đội hình rất mới mẻ và minh chứng là thắng Việt Nam ở giải giao hữu vừa rồi.
Tóm lại, chúng ta thiếu cầu thủ trẻ để tiếp nối trong giai đoạn chuyển giao. Chúng ta không suy yếu mà chúng ta giậm chân tại chỗ. Ngược lại, đối thủ thay đổi và luôn hướng đến sự phát triển. Vì thế, có lo lắng cũng không giải quyết được gì".
Thực vậy, giống với giai đoạn ĐT Việt Nam dưới tay HLV Troussier, nhân sự của ĐTQG chưa có gì biến đổi. Các trụ cột cũ thời HLV Park Hang-seo vẫn sở hữu phong độ thiếu ổn định, nhiều người vướng chấn thương. Trong khi đó, lớp cầu thủ trẻ chưa có gì đột biến, thậm chí một tài năng sáng giá như Đình Bắc còn đang biểu hiện sa sút.
Hướng đi nào cho ĐTVN?
Để nói có phải ĐT Việt Nam yếu đi hay không thì câu nhận xét "giậm chân tại chỗ" của cựu danh thủ Nguyễn Mạnh Dũng hợp lý hơn. Nhưng vấn đề ở chỗ, chúng ta giậm chân tại chỗ trong khi các đối thủ vẫn không ngừng tiến lên.
Tuyển Thái Lan cũng thay đổi lớp cầu thủ cũ nhưng vẫn rất mạnh với các nhân tố mới. Indonesia thì đặc biệt "thay da đổi thịt" với dàn cầu thủ nhập tịch chất lượng và trẻ trung.
ĐT Việt Nam nếu không có thay đổi đột phá về cách làm thì khó lòng mạnh lên trong thời gian ngắn. Bởi cách làm của chúng ta với giải quốc nội, với công tác đào tạo trẻ vẫn chưa có gì đột phá.
Có chăng, phương hướng xem ra nhiều kỳ vọng nhất để thay đổi ĐTVN là sử dụng các cầu thủ nhập tịch. Những năm qua, V.League thực tế vẫn liên tục có những cầu thủ nhập tịch hay nhưng không được gọi lên ĐT Việt Nam. Bây giờ có thể sẽ là thời điểm bóng đá Việt Nam thay đổi, thử nghiệm lực lượng này. Hiện cũng có nhiều thông tin cho rằng, VFF đang thúc đẩy để sớm đưa Nguyễn Xuân Son lên ĐT Việt Nam.
Tất nhiên, phương án nhập tịch cầu thủ chất lượng là khá dễ với ĐT Việt Nam nhưng cũng có nhiều bất cập. Đầu tiên là tranh cãi về việc, liệu cầu thủ nhập tịch có khao khát cống hiến, có yêu ĐTVN như các cầu thủ nội?
Thứ hai, vì những điều kiện cho cầu thủ nhập tịch ít nhất phải ở Việt Nam 5 năm... dẫn tới đa phần các cầu thủ nhập tịch vào Việt Nam đều tương đối lớn tuổi, thời gian cống hiến cho bóng đá đỉnh cao không còn nhiều.
Điều này dẫn tới việc, ngay cả khi ĐTVN sử dụng nhiều cầu thủ nhập tịch và thành công, quá trình có thể sẽ không kéo dài giống như Indonesia đang thành công với các cầu thủ con lai còn rất trẻ, còn có thể duy trì sự ổn định nhiều năm tới.
Nhưng nói gì thì nói, khi các phương pháp hiện tại của bóng đá Việt Nam chưa thể giúp ĐTQG mạnh lên, thử nghiệm cầu thủ nhập tịch vẫn là một hướng đi đáng mong đợi. Hy vọng rằng ngay tại AFF Cup 2024, chúng ta có thể thử nghiệm Nguyễn Xuân Son và xa hơn nữa là nhiều cái tên nhập tịch khác.