Theo ông Harald Kuyat, bước đi này của Hoa Kỳ cho thấy Washington đã từ bỏ nghĩa vụ của mình đối với các đồng minh ở châu Âu. Ông nói: "Đây là sự phản bội đối với an ninh của các quốc gia đồng minh châu Âu".
Đồng thời ông Harald Kuyat cũng cảnh báo rằng hậu quả của việc chấm dứt hiệp ước này sẽ rất nặng nề đối với tất cả các bên.
"Tất cả những gì diễn ra sau khi chấm dứt Hiệp ước về loại bỏ tên lửa tầm trung và tầm ngắn INF đều sẽ tồi tệ hơn những gì chúng ta có vào lúc này", ông Harald Kuyat nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Kuyat bày tỏ hy vọng rằng Nga và Hoa Kỳ sẽ có thể duy trì được hiệp ước INF, theo ông, để làm được việc này hai bên phải khôi phục việc tiến hành các cuộc thanh tra lẫn nhau, đã bị chấm dứt vào năm 2001.
Hiệp ước INF
Hiệp ước INF được lãnh đạo Mỹ và Liên Xô trước đây ký ngày 8/12/1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/1988. Theo INF, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500-5.500 km). Tuy nhiên, ngày 21/10/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước khi chế tạo tên lửa “Novator 9M729” và bóng gió về khả năng Mỹ rút khỏi INF.
Đến ngày 4/12/2018, Mỹ đã đặt thời hạn cho Nga trong vòng 60 ngày phải hủy bỏ các loại tên lửa mà nước này cho là vi phạm INF hoặc Washington sẽ bắt đầu tiến trình chính thức rút khỏi INF trong vòng 6 tháng. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 1/2 tuyên bố Washington sẽ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).
Ông Pompeo nêu rõ, Mỹ sẽ gửi thông báo chính thức cho Nga rằng Mỹ sẽ rút khỏi hiệp ước INF trong vòng 6 tháng. Theo Ngoại trưởng Pompeo, Mỹ sẽ ngừng các nghĩa vụ trong khuôn khổ hiệp ước INF với Nga kể từ ngày 2/2.