Cựu TT Argentina và chuyện chẩn đoán nhầm ung thư tuyến giáp

Hoàng Hương |

Cũng như ung thư vú, hàng chục nghìn người bị chẩn đoán quá mức là "ung thư tuyến giáp" khiến họ vừa tổn hại tinh thần, vừa phải trải qua quá trình điều trị độc hại không cần thiết.

LTS: Một bác sĩ chữa ung thư nổi tiếng ở Mỹ khi trao đổi với Báo điện tử Trí Thức Trẻ đã đề cập đến tình trạng chẩn đoán quá mức, chẩn đoán nhầm là ung thư, gây ra rất nhiều thiệt hại về sức khỏe, tâm lý và tiền bạc của người bệnh. Trên thế giới, tình trạng này đã được cảnh báo nhiều lần.

Sau bài viết về 1,3 triệu người bị chuẩn đoán nhầm là ung thư vú, dưới đây chúng tôi tiếp tục nêu ra những dẫn chứng điển hình về chẩn đoán nhầm là ung thư tuyến giáp. Nếu thấy thông tin này hữu ích, hãy chia sẻ cho người cần đến nó!

Cựu tổng thống Argentina "sống chung với thuốc"suốt đời vì bị chuẩn đoán ung thư sai

Ngày 28.12.2011, phát ngôn viên Chính phủ Argentina, Alfredo Scoccimarro, thông báo nữ Tổng thống đương nhiệm khi đó, bà Cristina Fernandez de Kirchner bị ung thư tuyến giáp và sẽ phải trải qua một đợt phẫu thuật vào ngày 4.1.2012.

Theo thông báo, khối u thùy trái tuyến giáp của tổng thống được phát hiện bất ngờ trong lần khám sức khỏe định kỳ diễn ra 6 ngày trước.

Bác sĩ Hermes Binner nói đây là một căn bệnh ung thư phổ biến, khối u đã được chặn lại và không di căn sang các bộ phận khác của cơ thể.

Cựu TT Argentina và chuyện chẩn đoán nhầm ung thư tuyến giáp - Ảnh 1.

Cựu tổng thống Argentina Cristina Fernandez phải "sống chung với thuốc" suốt đời.

Vào ngày bà Cristina Fernandez de Kirchner tiến hành phẫu thuật, hàng trăm người ủng hộ đã cắm trại gần bệnh viện nơi tổng thống nằm, để động viên nhà lãnh đạo rất được yêu quý.

Cuộc phẫu thuật được đánh giá là thành công, và bà đã phục hồi sức khỏe nhanh chóng.

Tuy nhiên, 3 ngày sau, ông Alfredo Scoccimaro cho biết một thông tin gây sốc: Kết quả phân tích cho thấy khối u được cho là bị ung thư lấy ra từ tuyến giáp của bà Cristina không chứa tế bào ung thư!

Đây là một tin vui với bản thân nữ tổng thống nói riêng và toàn bộ quốc gia Argentina nói chung.

Thế là bà Kircher sẽ không phải tiến hành xạ trị, điều mà các bệnh nhân ung thư tuyến giáp thường phải trải qua sau khi phẫu thuật nhằm đảm bảo các tế bào ung thư còn lại bị tiêu diệt.

Tuy nhiên, một tin không vui là do đã cắt bỏ tuyến giáp nên Tổng thống Kircher sẽ phải sử dụng liệu pháp thay thế hormone trong suốt phần đời còn lại.

Tới thời điểm này, không có bất kỳ sự cáo buộc nào về sự bất cẩn trong chẩn đoán sai căn bệnh ung thư cho Tổng thống của đội ngũ bác sĩ.

Nhưng từ đó, một làn sóng ghi ngờ về việc chẩn đoán bệnh ung thư tuyến giáp đang trỗi dậy không chỉ ở Argentina, mà lan rộng ra cả thế giới. 

Hơn 10.000 bệnh nhân ung thư tuyến giáp ở Mỹ nhận "tin vui sét đánh"

Tháng 4/2016, một ủy ban quốc tế với sự tham gia của các bác sĩ đến từ nhiều quốc gia trên thế giới đã quyết định loại bỏ 1 trường hợp ra khỏi danh sách chẩn đoán là ung thư. 

Đây tất nhiên là một tin vui với hơn 10.000 bệnh nhân ở Mỹ, trong tổng số 65.000 ca đã được kết luận mắc ung thư tuyến giáp. Nhưng tin "sét đánh" này hẳn nhiên cũng gây đau đớn cho họ, tương tự như với bà cựu tổng thống Argentina, bởi trước khi "thoát khỏi ung thư" họ đã phải trải qua quá trình dài điều trị không cần thiết, tổn hại cả tinh thần lẫn sức khỏe, tiền bạc.

Cựu TT Argentina và chuyện chẩn đoán nhầm ung thư tuyến giáp - Ảnh 2.

Tổ chức nhỏ trong tuyến giáp này giờ không còn là một căn bệnh ung thư.

Theo công bố, trong tuyến giáp có 1 tổ chức nhỏ có lõi là các tế bào giống như ung thư, nhưng chúng lại bị bao bọc hoàn toàn bởi các mô xơ. Vì thế, tế bào ung thư không thể thoát khỏi vỏ bọc mô xơ và di căn sang các bộ phận khác của cơ thể.

Trong trường hợp này, chỉ định "điều trị ung thư" bằng cách cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp, đốt bằng phóng xạ... là không cần thiết và có thể gây hại cho bệnh nhân.

Đó là lí do các bác sĩ đồng ý loại khối u này ra khỏi danh sách bệnh ung thư và gọi đó là một khối u không xâm lấn.

Nhờ thế, hàng ngàn người bệnh sẽ không phải phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp, không phải chiếu tia phóng xạ và không phải kiểm tra sức khỏe định kỳ sát sao.

"Nếu đó không phải ung thư, đừng gọi nó là ung thư", tiến sĩ John C. Morris, chủ tịch Hiệp hội tuyến giáp Mỹ khẳng định.

Nhận định về tuyên bố này, nhiều chuyên gia ung thư cho biết nó có lẽ nên được thực hiện sớm hơn.

Trong những năm qua, cũng đã có nhiều nghiên cứu kêu gọi loại bỏ một số tổn thương ở vú, tuyến tiền liệt ra khỏi danh sách ung thư.

"Có một mối quan tâm ngày càng tăng về những thuật ngữ chúng ta đang sử dụng. Sự hiểu biết của chúng ta về sinh học ung thư đã khiến chúng không còn phù hợp", đó là tuyên bố của tiến sĩ Barnett S. Kramer, giám đốc Ban phòng chống Ung thư tại Viện Ung thư quốc gia Mỹ.

Theo tiến sĩ Bryan R. Haugen, một chuyên gia ung thư tuyến giáp đến từ Đại học Colorado, Mỹ, nếu tiếp tục giữ thuật ngữ "ung thư" cho khối u này, nhiều người sẽ phải lao vào điều trị phẫu thuật và phóng xạ trong khi không cần thiết. 

Cựu TT Argentina và chuyện chẩn đoán nhầm ung thư tuyến giáp - Ảnh 3.

Hàng ngàn người phụ nữ đang "mắc bệnh ung thư vú" chỉ vì một thuật ngữ.

Còn nhớ năm 2013, một nhóm chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Ung thư hàng đầu của Mỹ đề xuất thay đổi một loạt định nghĩa về ung thư, loại bỏ một số định nghĩa về ung thư và loại bỏ từ này khỏi một số chẩn đoán để thay đổi cách chữa trị với căn bệnh này.

Tiến sĩ Laura Esserman, một chuyên gia phẫu thuật ung thư vú hàng đầu thế giới đến từ Trường Đại học California còn phải thốt lên: "Ung thư ống dẫn sữa có giới hạn không phải là ung thư mà tại sao chúng ta gọi là ung thư?

Việc thay đổi thuật ngữ trong y học cũng có thể mang lại sự tự tin cho bệnh nhân. Vì mỗi lần nghe đến từ ung thư, bệnh nhân sẽ nghĩ đến cái chết ngay cả trước khi được điều trị".

Nhưng đến nay, đề xuất này vẫn chưa được chấp thuận. 

Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, khoảng hơn 20% trường hợp chẩn đoán ung thư vú ở Mỹ là dạng ung thư ống dẫn sữa có giới hạn (DCIS). 

Chỉ vì một thuật ngữ mà hiện nay vẫn có hàng trăm ngàn bệnh nhân phải phẫu thuật, xạ trị, liệu pháp điều trị bằng hormone và hóa trị, vốn không mang lại lợi ích gì mà còn có thể gây ra tác dụng phụ.

Các nguồn tham khảo

1. http://www.telegraph.co.uk/news/worldnews/southamerica/argentina/8999729/Argentine-President-Cristina-Kirchner-wrongly-diagnosed-with-cancer.html

2. http://edition.cnn.com/2014/07/18/health/prostate-cancer-overtreament/

3. http://www.nytimes.com/2016/04/15/health/thyroid-tumor-cancer-reclassification.html

4. http://well.blogs.nytimes.com/2013/07/29/report-suggests-sweeping-changes-to-cancer-detection-and-treatment/ 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại