Sáng 11/5, TAND tỉnh Hoà Bình (địa chỉ tại đường Thịnh Lang, TP Hoà Bình) xét xử sơ thẩm 15 bị cáo vụ gian lận thi cử trong kỳ thi THPT quốc gia các năm 2017 và 2018.
Ghi nhận của PV, trong buổi sáng nay, hàng chục cảnh sát làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh tại trước cổng toà và bên trong phòng xét xử.
Những người đến dự phiên tòa đều được yêu cầu kiểm tra thân nhiệt và nhắc nhở đeo khẩu trang.
Trong vụ án gian lận thi cử này có 15 bị can, bị truy tố về hành vi "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Ngoài ra, 2 trong số 15 bị cáo bị truy tố thêm về hành vi "Đưa hối lộ" hoặc tội "Nhận hối lộ".
Đúng 8h phiên xét xử bắt đầu. Sau đó, là phần kiểm tra thủ tục đối với các bị cáo và những người có liên quan.
Những người đến toà đều được kiểm tra thân nhiệt.
Cáo trạng truy tố nêu rõ, trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 và 2018 tại tỉnh Hòa Bình, bị can Nguyễn Quang Vinh (SN 1966, cựu Trưởng phòng Khảo thí, Sở GD&ĐT Hoà Bình) đã cùng các bị can khác lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao, lợi dụng quan hệ cá nhân để câu kết, can thiệp bài làm theo hướng nâng điểm cho 65 thí sinh, trong đó 64 thí sinh dự thi năm 2018 và 1 thí sinh dự thi năm 2017.
Các thí sinh này đã sử dụng kết quả sai nói trên để xét tốt nghiệp THPT quốc gia và dự tuyển vào các trường đại học.
Trong đó có 45 thí sinh trúng tuyển đã bị buộc thôi học còn 10 thí sinh đang theo học vì kết quả chấm thẩm định vẫn đủ điểm xét tuyển, 6 thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học, 1 thí sinh xét nhưng không trúng tuyển, 3 thí sinh không xét tuyển.
An ninh tại phiên toà được bảo vệ nghiêm ngặt.
Nguyễn Quang Vinh được xác định giữ vai trò chủ mưu đã bàn bạc, chỉ đạo Đỗ Mạnh Tuấn (SN 1979, cựu Phó Hiệu trưởng Trường PTDT nội trú, THCS và THPT huyện Lạc Thủy) đưa chìa khóa phòng chấm thi, tạo điều kiện thuận lợi để các bị can khác nâng điểm 145 bài thi trắc nghiệm cho 58 thí sinh.
Vinh cũng đã chỉ đạo Tuấn đánh dấu bài thi tự luận môn Ngữ văn trái quy chế thi để lấy thông tin cung cấp "mã phách" thông tin thí sinh tham gia thi môn Ngữ văn cho bị can Diệp Thị Hồng Liên (SN 1974, cựu Phó trưởng Phòng Khảo thí) để chấm nâng điểm 20 bài thi.
Bên cạnh đó, Nguyễn Khắc Tuấn (SN 1981, cựu chuyên viên Phòng Khảo thí) đã xin chỉ đạo từ bị can Vinh để nâng 13,35 điểm bài thi trắc nghiệm cho một thí sinh (là cháu gái Tuấn) trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017.
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018, Hồ Chúc (SN 1975, cựu giáo viên Trường THPT Thanh Hà) biết Đỗ Mạnh Tuấn là thành viên ban chấm chi trắc nghiệm kỳ thi nên hẹn gặp.
Sau đó, Tuấn và Chúc hẹn nhau đến quán cà phê cạnh Sân vận động huyện Lạc Thủy để nhờ nâng điểm thi cho 2 thí sinh. Từ phi vụ này, Đỗ Mạnh Tuấn đã can thiệp bài thi để nâng điểm cho 2 thí sinh. Khi có kết quả, Chúc đã đưa cho Tuấn 300 triệu đồng như thoả thuận.
Quá trình điều tra, Đỗ Mạnh Tuấn khai, được một số người đưa 750 triệu đồng để nâng điểm cho 6 thí sinh. Tuy nhiên quá trình điều tra, Cơ quan điều tra không đủ căn cứ kết luận về hành vi phạm tội này nên không đề nghị xử lý.
Ngày 27/11/2019, UBND tỉnh Hòa Bình có quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh do những sai phạm trong vụ nâng điểm các kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 và 2018. Ngoài ra, trong số 17 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo có 5 người vắng mặt có lý do.
Trong 3 vụ gian lận thi THPT quốc gia 2018, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an trực tiếp thụ lý vụ án xảy ra tại tỉnh Hòa Bình. Đây cũng là địa phương đầu tiên có bị can bị khởi tố các tội Đưa hối lộ và Nhận hối lộ.