Cựu trọng tài FIFA Việt Nam: "Hàng trăm nỗi lo làm sao toàn tâm cho nghiệp được?"

Hải Bình |

Cựu trọng tài FIFA của Việt Nam, Đinh Văn Dũng cho rằng nghề trọng tài còn nhiều bấp bênh, khiến anh em vẫn phải làm nghề khác, từ đó khó chuyên tâm cho chuyên môn bóng đá.

Công tác trọng tài ở Việt Nam đang gây rất nhiều tranh cãi. Có ý kiến cho rằng vì yếu chuyên môn nên các ông Vua áo đen thường mắc lỗi. Cũng có người cho rằng vì tư tưởng "có vấn đề" nên mới sai lầm liên tục như vậy.

Dưới đây là tâm sự của cựu trọng tài FIFA Đinh Văn Dũng, nói về một khía cạnh khó khăn của các trọng tài Việt. Từ đó, ông Dũng cho rằng các Vua áo đen còn thiếu chuyên tâm với chuyên môn bóng đá cũng dễ hiểu:

"Nếu chỉ trông cậy vào nghiệp trọng tài, tôi khẳng định không thể nào đủ sống. So với năm 2016, mùa giải 2017 mức thu nhập được tăng lên đôi chút, trọng tài chính được 8 triệu/ trận, trợ lý và giám sát được 5 triệu/ trận.

Với cá nhân tôi và điều kiện sống của gia đình nếu không mắc sai sót vẫn đủ lo cho mọi người. Một tháng làm tốt, không vi phạm được xếp bắt chính 2 trận, 2 trận làm trọng tài thứ 4 sẽ nhận được 26 triệu/tháng.

Nhưng chỉ cần một lần mắc sai lầm, chúng tôi có thể sẽ bị treo còi hết lượt đi, nhẹ thì không được làm nhiệm vụ từ 2 đến 5 trận. Mùa giải chỉ kéo dài trong vòng khoảng 8 tháng, nếu chia đều cho 12 tháng thì đúng là bấp bênh. Việc trọng tài ở Việt Nam chưa toàn tâm cho chuyên môn hoàn là toàn đúng.

Mỗi anh em đều phải lo cho gia đình, hằng ngày đi làm thêm, chiều ra sân tập thể lực, cuối tuần cầm còi... hàng trăm nỗi lo làm sao toàn tâm cho nghiệp trọng tài được?".

Cựu trọng tài FIFA Việt Nam: Hàng trăm nỗi lo làm sao toàn tâm cho nghiệp được? - Ảnh 1.

Dù đã treo còi nhưng cựu trọng tài FIFA vẫn theo dõi rất sát các diễn biến của làng bóng Việt. Ảnh: Internet.

Tại V-League 2016 mức thu nhập của một trọng tài chính là 6 triệu/ trận, trợ lý và giám sát là 4 triệu/ trận. Nếu mọi việc suôn sẻ mỗi tháng một trọng tài nhận được tổng cộng 20 triệu đồng.

"VFF là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, trọng tài chỉ làm nghề cho đến lúc nghỉ và không có lương hưu bởi VFF chỉ sử dụng chúng tôi như những lao động thời vụ. Khi có giải thì có thu nhập, không có thì xem như ngồi chơi xơi nước.

Thế nên, tôi đề xuất VFF nên chọn những trọng tài có tiềm năng, đầu tư tạo điều kiện tối đa cho họ làm việc. Kèm theo đó là những đãi ngộ như lương cứng, làm nhiệm vụ có thêm tiền bồi dưỡng, như vậy anh em mới toàn tâm toàn ý để cống hiến.

Cuộc sống ai cũng có đam mê, nhưng đam mê mà không nuôi nổi gia đình thì ai còn dám theo nghề. Hầu hết anh em trọng tài đều có nghề khác, giáo viên, kỹ sư, nhân viên bưu điện, điện lực... họ không quá phụ thuộc vào bóng đá.

Ở Việt Nam, trọng tài chưa thể gọi là nghề vì thu nhập chưa thể nuôi được bản thân và gia đình. Hầu hết anh em đến với nghiệp cầm còi là vì đam mê, cuối tuần được tivi, gia đình, hàng xóm, bạn bè thấy mình trên đó cũng tự hào, lại có thêm thu nhập.

Nhưng nói thật, nếu chỉ xác định là đam mê, không nghiêm tức với nghề thì một ngày sẽ phải trả cái giá rất đắt. Chưa kể đến việc bị người hâm mộ, cầu thủ và đội bóng lăng mạ khi mắc sai lầm", ông Dũng chia sẻ tiếp khá nhiều trăn trở dù giờ này đã chia tay với nghề.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại