Tình hình chính trị Bolivia vẫn hết sức rối ren sau khi cựu Tổng thống Evo Morales tuyên bố từ chức do phải chịu sức ép mạnh mẽ từ phe đối lập cực hữu. Trong khi đó các cuộc biểu tình rầm rộ kêu gọi phục chức cho vị cựu lãnh đạo đang sống lưu vong tại Mexico này vẫn diễn ra rầm rộ trên khắp cả nước.
Tổng thống lâm thời Bolivia - Jeanine Anez hôm 15/11 cho rằng cựu Tổng thống Evo Morales đã tự ý rời đất nước để tới Mexico sau khi từ chức hôm 10/11 vừa qua. Vì thế, nếu quay lại, ông ấy sẽ phải ra trình diện trước tòa, phải trả lời về những bất thường trong cuộc bầu cử Tổng thống hôm 20/10 vừa qua, cũng như về những cáo buộc tham nhũng.
Về mặt đối ngoại, chính quyền lâm thời hôm 15/11 cũng có bước đi khá quyết liệt khi đình chỉ tư cách đối với hầu hết các đại sứ Bolivia được bổ nhiệm dưới thời cựu Tổng thống Morales. Quyết định ảnh hưởng tới khoảng 80% số đại sứ của Bolivia. Bên cạnh đó, chính phủ lâm thời còn yêu cầu tất cả các đại sứ của Venezuela và chuyên gia y tế Cuba rời khỏi Bolivia, đồng thời tuyên bố rút khỏi Liên minh Bolivar cho châu Mỹ (ALBA).
Ba ngày sau khi tự xưng là Tổng thống lâm thời của Bolivia, bà Anez, một luật sư 52 tuổi đã cam kết tổ chức các cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội minh bạch.
Tuy nhiên, tới nay, dù được một số nước công nhận, song bà Anez vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, mà trước tiên là sự công nhận ở ngay trong chính đất nước của mình. Bà nói: "Tôi cam kết sẽ đưa đất nước đi đến các cuộc bầu cử minh bạch, sẽ thành lập một tòa án bầu cử giúp mang lại sự tín nhiệm mà Bolivia đang cần hiện nay. Người dân Bolivia yêu cầu điều đó và chúng ta sẽ cố gắng thực hiện tốt nhất, song sẽ không có chuyện tìm cách kéo dài thời gian".
Các cuộc biểu tình kêu gọi phục chức cho cựu Tổng thống Morales vẫn diễn ra rầm rộ tại nhiều nơi, đặc biệt là thủ đô hành chính La Paz. Hôm 15/11 đụng độ đã nổ ra giữa lực lượng an ninh và những người ủng hộ ông Evo Morales, trong khi quân đội phải sử dụng súng hơi cay để giải tán người biểu tình. Tổng thống lâm thời Anez cáo buộc các nhóm vũ trang gồm cả người Bolivia và nước ngoài tìm cách phá hoại nguồn cung khí đốt của đất nước khi sử dụng thuốc nổ để tấn công các nhà máy sản xuất khí đốt.
Bolivia đang lâm vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng dẫn tới việc ông Morales ngày 10/11 tuyên bố từ chức tổng thống sau 14 năm cầm quyền và phải sang Mexico tị nạn chính trị.
Ông Morales hôm 15/11 một lần nữa khẳng định mình là nạn nhân của một cuộc đảo chính và buộc phải từ chức để tránh một cuộc đổ máu không cần thiết và vì sự bình yên của đất nước: "Vì lợi ích của nền dân chủ, nếu họ không muốn tôi tham gia các cuộc bầu cử mới, thì tôi cũng cảm thấy không có vấn đề gì và chỉ tự hỏi tại sao họ lại sợ hãi. Tuy nhiên, tôi sẵn sàng đặt ưu tiên và sẵn sàng mang lại hòa bình cho Bolivia".
Trong nỗ lực khôi phục hòa bình và trật tự tại Bolivia, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres quyết định cử nhà ngoại giao Jean Arnauls tới tham gia cuộc đàm phán giữa chính phủ lâm thời Bolivia và các đại diện của Tổng thống Morales. Ông Jean Arnauls là một người giàu kinh nghiệm, từng là đặc phái viên của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc về Colombia, Gruziaa, Afghanistan, Burundi và Guatemala./.