Cựu Thủ tướng New Zealand Jenny Shipley đã phủ nhận việc nêu ý kiến ủng hộ Trung Quốc mà bà bị gán ghép. Theo cách bà mô tả thì Nhân dân Nhật báo - tờ báo chính thức của đảng Cộng sản Trung Quốc đã đăng một bài phỏng vấn mà bà không hay biết.
Câu chuyện bắt đầu từ bài viết có tiêu đề "Chúng ta cần lắng nghe Trung Quốc", đã được Nhân dân Nhật báo - tờ báo chính thức của đảng Cộng sản Trung Quốc xuất bản vào đầu tuần này. Một ghi chú ở dưới cùng của bài báo nói rõ ràng rằng, tác giả là cựu thủ tướng Shipley.
Bản thân bài báo đã ca ngợi những nỗ lực của Trung Quốc về giảm nghèo và bình đẳng giới, hoan nghênh Sáng kiến Vành đai và Con đường - chiến dịch được Trung Quốc giới thiệu như một cách để tạo ra một mạng lưới cơ sở hạ tầng toàn cầu gắn bó chặt chẽ với nước này.
Bài viết của bà Shipley được đọc nhiều nhất trên website của Nhân dân nhật báo, theo The Guardian. Tuy nhiên, theo CNN, cựu thủ tướng Shipley cho biết, bài viết được xây dựng một cách giả mạo từ một cuộc phỏng vấn mà bà đã thực hiện với một tờ báo khác của Trung Quốc vào năm ngoái.
"Điều quan trọng là Bộ trưởng Ngoại giao và Thủ tướng cũng như những người khác phải hiểu rằng, tôi sẽ không bao giờ nghĩ đến việc để mình rơi vào tình huống như thế này trong thời điểm đối ngoại nhạy cảm của New Zealand", bà Shipley nói trên New Zealand Herald.
Cuộc tranh cãi này diễn ra đúng thời điểm căng thẳng gia tăng giữa New Zealand và Trung Quốc. Mối quan hệ giữa 2 nước trở nên căng thẳng sau khi Huawei, công ty công nghệ khổng lổ của Trung Quốc tạm thời bị New Zealand cấm tham gia triển khai mạng 5G.
Chỉ vì bài viết trên Nhân dân nhật báo mà bà Shipley bị hứng chịu rất nhiều chỉ trích, bao gồm từ cả Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand Winston Peters, người đã mô tả cựu thủ tướng như người "bán hết lợi ích quốc gia của New Zealand", theo Herald.
The Guardian cho biết bà Shipley đã từ chối yêu cầu phỏng vấn và từ chối bình luận thêm khi được liên hệ. Trang CNBC của Mỹ đã gửi email đến Nhân dân nhật báo để tìm hiểu vấn đề nhưng chưa được phản hồi.
Nguyên văn bài trên Nhân dân nhật báo
Năm 1995, tôi tham dự Hội nghị Phụ nữ Thế giới được tổ chức tại Bắc Kinh, đó là lần đầu tiên tôi đến Trung Quốc. Đấy cũng là thời điểm quan trọng mà các nhà lãnh đạo nữ thế giới đã tập trung tại Trung Quốc để thực hiện các cuộc đối thoại về chủ đề liên quan đến sự phát triển và quyền của phụ nữ. Vào thời điểm đó, Trung Quốc mới bắt đầu thể hiện sự tự tin trong các cuộc trao đổi và đối thoại quốc tế.
Tôi vẫn còn nhớ khẩu hiệu phổ biến rộng rãi của người Trung Quốc do Chủ tịch Mao Trạch Đông đưa ra: "Phụ nữ chiếm một nửa bầu trời". Trong bốn thập kỷ qua kể từ khi cải cách và mở cửa, đã có rất nhiều tiến bộ trong giáo dục, tạo việc làm và phát triển cho phụ nữ ở Trung Quốc.
Tôi hy vọng rằng cả chính phủ và doanh nghiệp, dù là ở Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào khác, phụ nữ ở mọi cấp độ đều được phép chia sẻ ý tưởng của mình và cùng với nam giới đưa ra quyết định. Đây cũng là một trong những lý do tại sao tôi gắn bó với Diễn đàn BFA và làm giám đốc cho diễn đàn kể từ năm 2015.
Tôi muốn nhiều phụ nữ, giống như tôi, ngồi cùng bàn với nam giới trong khi chia sẻ trách nhiệm và kiến tạo tương lai.
Trung Quốc đã chứng kiến những thay đổi to lớn về mọi khía cạnh trong bốn mươi năm qua, bao gồm việc giúp bảy trăm triệu người thoát khỏi đói nghèo và khiến thu nhập bình quân đầu người của họ tăng lên. Bên cạnh đó, Trung Quốc đã có những đóng góp to lớn cho sự tăng trưởng kinh tế của thế giới.
Đất nước này không chỉ nỗ lực rất nhiều để thúc đẩy cải cách trong nước, mà còn nỗ lực mở cửa thị trường với phần còn lại của thế giới. Sự gia nhập của Trung Quốc vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là một ví dụ điển hình cho những nỗ lực thúc đẩy mở cửa.
Kể từ khi gia nhập WTO, Trung Quốc đã tích cực ký các hiệp định thương mại tự do với các nước láng giềng và các quốc gia khác trong và ngoài khu vực, nhằm tìm ra cách để làm việc cùng nhau.
Một trong những lý do để Trung Quốc thành công lớn trong bốn mươi năm kể từ khi cải cách và mở cửa là việc kết nối mọi người với các thị trường, điều này đã tạo ra làn sóng tiến bộ lớn trong quá trình công nghiệp hóa.
Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) do Trung Quốc đề xuất là một trong những ý tưởng vĩ đại nhất mà chúng tôi đã từng nghe trên toàn cầu. Đó là một ý tưởng hướng tới tương lai, và theo tôi, nó có tiềm năng tạo ra làn sóng tăng trưởng kinh tế sắp tới.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã công bố một loạt các biện pháp lớn nhằm thúc đẩy hơn nữa việc mở cửa tại hội nghị thường niên BFA năm 2018, thể hiện quyết tâm của Trung Quốc để tiếp tục tuân thủ cải cách và mở cửa.
Bài phát biểu quan trọng của Tập Cận Bình tại BFA đã khẳng định rõ ràng cam kết của Trung Quốc về bảo vệ chủ nghĩa đa phương và tiếp tục mở cửa với phần còn lại của thế giới, điều này gây ấn tượng sâu sắc với khán giả quốc tế tham dự.
Trong khi Trung Quốc tiếp tục suy nghĩ về cách có thể rộng mở với thế giới, chúng ta nên học cách lắng nghe Trung Quốc. Chúng ta cần hợp tác với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, trên toàn cầu để tìm cách khám phá tương lai và cùng nhau tiến lên.
Chúng tôi đặt hy vọng lớn cho giai đoạn cởi mở tiếp theo của Trung Quốc trong bốn mươi năm tới.
Bà Jenny Shipley là cựu thủ tướng của New Zealand. Bài viết dựa trên cuộc phỏng vấn của tác giả với Nhân dân Nhật báo vào tháng 12 năm 2018.