Cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga Vladimir Putin
Bà Merkel "không hối hận" về di sản chính sách với Nga
Theo hãng tin DW (Đức) và báo The Guardian (Anh), mới đây, cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel vừa tham gia cuộc phỏng vấn lớn đầu tiên kể từ sau khi bà rời nhiệm sở, trong đó bà đã khẳng định "không hối hận" về di sản chính sách với Nga.
Cụ thể, trả lời cuộc phỏng vấn được phát sóng trên kênh tin tức Phoenix (Đức), bà Merkel khẳng định mình không hề ngây thơ trong mối quan hệ với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Bà Merkel nhấn mạnh: "Chỉ vì ngoại giao không hiệu quả không có nghĩa là nó sai". Tuy nhiên, cựu lãnh đạo Đức cũng nói thêm rằng bà chưa từng tin rằng những lời hứa thương mại có thể thuyết phục được Tổng thống Putin: "Sự răn đe quân đội là thứ duy nhất ông ấy hiểu được", bà Merkel nói.
Cựu Thủ tướng Đức nói thêm rằng giữa bà và nhà lãnh đạo Nga "rõ ràng có sụ khác biệt rất lớn" trong quan điểm.
Nói về quyết định phản đối việc để Ukraine và Gruzia gia nhập NATO năm 2008, cựu Thủ tướng Đức khẳng định bà "không hối hận", bởi nếu Đức đồng ý với kế hoạch này, thì Tổng thống Putin sẽ coi đó là "lời tuyên chiến", và chính quyền Đức dưới thời cựu Thủ tướng Merkel "không muốn kích động thêm" dù không chia sẻ quan điểm với Nga.
Ngoài ra, cựu Thủ tướng Đức cũng đã đề cập ngắn gọn về dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 (Dòng chảy Phương Bắc 2), hiện đã bị tạm dừng vô thời hạn do cuộc xung đột Nga-Ukraine. Trong thời gian đường ống này được xây dựng, Đức cũng đã "chịu trận" vì tham gia vào dự án.
"Về cơ bản, [Mỹ] đã trừng phạt chúng tôi - là những đồng minh - vì hai bên có quan điểm chính trị khác nhau", bà Merkel nói.
Cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga Vladimir Putin
Cái giá Đức phải trả vì lệnh trừng phạt khí đốt của Nga?
Báo Welt am Sonntag (Đức) dẫn lời các nguồn tin trong ngành đưa tin, các lệnh trừng phạt của Nga đối với công ty Gazprom Germania và các công ty con của nó có thể khiến người nộp thuế và người sử dụng khí đốt của Đức phải trả thêm 5 tỷ USD (5,4 tỷ USD) mỗi năm để trả cho nguồn khí đốt thay thế.
Hồi tháng 5, Nga quyết định dừng cung cấp khí đốt cho công ty Gazprom Germania - chi nhánh của tập đoàn khí đốt quốc doanh Nga Gazprom tại Đức - sau khi Berlin ủy thác quyền quản lý công ty này cho cơ quan nhà nước.
Kể từ đó, cơ quan quản lý năng lượng của Cơ quan mạng lưới liên bang Đức (BNetzA), đóng vai trò là bên được ủy thác, đã phải mua khí đốt thay thế trên thị trường để thực hiện các hợp đồng cung cấp với các nhà cung cấp trong khu vực.
Người phát ngôn của Bộ Kinh tế Đức ước tính nước này cần thêm 10 triệu mét khối mỗi ngày để bù vào phần khí đốt mà phía Nga ngừng cung cấp, và "số khí đốt này được mua trên thị trường, với giá thị trường".
Welt am Sonntag cho biết mức tổn thất hiện nay sẽ vào khoảng 3,5 tỷ euro/năm và các chi phí khác có thể phát sinh do việc lấp đầy cơ sở lưu trữ khí đốt tự nhiên Rehden mà Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck đã yêu cầu vào tuần trước.
Tờ báo của Đức cũng nói thêm rằng phần chi phí gia tăng sẽ do các nhà cung cấp và người tiêu dùng đầu cuối gánh chịu - thông qua thuế khí đốt mà Đức dự kiến áp dụng từ tháng 10 năm nay. Tuy nhiên, người phát ngôn của Bộ Kinh tế Đức khẳng định nguồn cung khí đốt của nước này không gặp rủi ro.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck
Đức không mong kế hoạch thay thế khí đốt Nga quá thành công
Business Insider dẫn lời Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết nước này đang theo dõi các kế hoạch về cơ sở hạ tầng mới để xử lý khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu khi nước này loại bỏ khí đốt của Nga, tuy nhiên Đức "không muốn kế hoạch này quá thành công".
Ông Habeck giải thích: "Trong ngắn hạn, chúng tôi đã khá thành công trong việc thay thế khí đốt của Nga, nhưng chúng tôi phải đảm bảo rằng việc này không quá thành công".
"Chúng tôi không muốn dành 30 đến 40 năm tới để xây dựng một ngành công nghiệp khí đốt tự nhiên toàn cầu mà chúng tôi không còn thực sự muốn nữa", ông Habeck nói thêm.
Đức phụ thuộc nhiều vào khí đốt tự nhiên từ Nga, nhưng nước này đang cố gắng cắt giảm nhập khẩu kể từ cuộc xung đột Nga-Ukraine. Năm 2021, nguồn khí đốt Nga chiếm khoảng 55% nguồn cung cấp khí đốt của Đức; và đến giữa tháng 4/2022, nó đã giảm xuống còn khoảng 35%, Bộ trưởng Habeck trích dẫn số liệu của S&P Global.
Ông Habeck cho biết Đức đang đặt mục tiêu cắt giảm nguồn nhiên liệu nhập khẩu từ Nga xuống còn 10% vào mùa hè năm 2024.
Hiện tại, Đức không có bất kỳ bến nhập khẩu LNG (khí đốt tự nhiên hóa lỏng có thể vận chuyển bàng tàu) nào, nhưng dự kiến các bến nhập khẩu đầu tiên sẽ đi vào hoạt động vào năm tới nhờ việc nước này rút ngắn các quy trình, thủ tục xét duyệt.
Đức cũng đang trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, chẳng hạn như năng lượng mặt trời và năng lượng gió - vào năm 2035. Theo ông Habeck, đây là chiến lược phát triển lâu dài của Đức trong tương lai./.