Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn do tờ báo Berliner Zeitung của Đức đăng hôm thứ 20/10, cựu Thủ tướng Schroeder cho biết ông được mời giúp hòa giải cho các bên trong cuộc đàm phán hòa bình vào tháng 3/2022 ở Istanbul.
Ông nói rằng mặc dù đại diện của Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky sẵn sàng nhượng bộ trong các vấn đề quan trọng như từ bỏ nỗ lực gia nhập NATO, nhưng “người Ukraine không đồng ý hòa bình vì họ không được phép làm vậy. Đầu tiên họ phải hỏi người Mỹ về mọi điều họ đã thảo luận.”
Cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder (Ảnh: Reuters)
Các quan chức Nga nhiều lần tuyên bố rằng Mỹ và các nước phương Tây ủng hộ Ukraine đã ngăn cản chính phủ của ông Zelensky đồng ý giải pháp hòa bình.
Ông Schroeder được cho là có tình bạn lâu năm với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Cựu thủ tướng Đức mô tả chiến lược của Washington là “chết người”, nói rằng nó dẫn đến mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa Nga và Trung Quốc.
Ông Schroeder cho biết, các đồng minh của Washington ở Tây Âu “đã thất bại” trong việc nắm bắt cơ hội thúc đẩy hòa bình vào tháng 3/2022. Ông nói thêm, vào thời điểm đó, Tổng thống Ukraine Zelensky sẵn sàng thỏa hiệp về Crimea và các vùng lãnh thổ ly khai ở khu vực Donbass. Kể từ thời điểm đó, hàng trăm nghìn binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng khi viện trợ quân sự của phương Tây kéo dài cuộc xung đột. Ông Putin hồi đầu tháng ước tính rằng Kiev đã mất hơn 90.000 binh sĩ trong cuộc phản công thất bại bắt đầu vào tháng 6.
Ông Schroeder cho rằng chỉ có Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz mới có thể nối lại các cuộc đàm phán hòa bình ở Đông Âu.
Cựu lãnh đạo Đức cho biết, các nhà lãnh đạo Nga đang bị đe dọa bởi việc Mỹ thúc đẩy đưa NATO đến biên giới phía Tây của Moscow bằng cách thêm Ukraine vào liên minh. Ông cũng cho rằng một trong những lý do biện minh cho việc trang bị vũ khí cho Ukraine, được cho là chủ nghĩa bành trướng của Nga - không có cơ sở trên thực tế.
Mặt khác, ông Schroeder nhấn mạnh, các nhà lãnh đạo phương Tây phải hiểu rằng dù ai nắm quyền ở Moscow, Nga sẽ không cho phép Ukraine hay Georgia gia nhập NATO sáp nhập. Ông nói: “Phân tích mối đe dọa này có thể mang tính cảm xúc, nhưng nó có thật ở Nga . “Phương Tây phải hiểu điều này và chấp nhận những thỏa hiệp phù hợp. Nếu không, hòa bình sẽ khó đạt được”.