Tờ Telegraph đưa tin, phát biểu tại Hội nghị Mạng lưới Tự do và Mạnh mẽ Canada ở thủ đô Ottawa (Canada) vào ngày 10/4 cùng với cựu Thủ tướng Australia Tony Abbott, cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson nói: "Giải pháp cho vấn đề này là an ninh và ổn định đi kèm với sự chắc chắn về việc Ukraine ở đâu và Ukraine là gì…"
"Ukraine đã chọn trở thành một quốc gia châu Âu tự do, độc lập, hướng về phương Tây, hướng tới EU, hướng tới NATO… Và Ukraine phải gia nhập NATO. Đó là cách hợp lý duy nhất để vượt qua chuyện này", ông Johnson nói.
Ông Johnson cũng cho biết, động thái như vậy sẽ khiêu khích Tổng thống Nga Putin.
"Chúng tôi đã thử điều đó… và hãy nhìn xem điều đó đã dẫn chúng tôi đến đâu", ông Johnson nói. "Với cuộc chiến tồi tệ nhất ở châu Âu trong 80 năm qua."
"NATO là tổ chức mang lại sự chắc chắn, ổn định và sẽ mang lại hòa bình. Nhưng trong lúc đó, hãy cung cấp cho người Ukraine những gì họ cần", ông Johnson nói.
Theo Telegraph, cựu Thủ tướng Anh Johnson từng tán thành việc ông Trump tranh cử tổng thống Mỹ khi bắt đầu giai đoạn bầu cử sơ bộ vào tháng 1. Ông Johnson cũng nói rằng bản thân không tin Đảng Cộng hòa sẽ "bỏ rơi" Ukraine. Tuy nhiên, bình luận của ông Johnson hôm 10/4 cho thấy niềm tin đó đã bị lung lay.
Động thái này tiếp diễn sau khi có thông tin cho rằng ông Trump đã vạch ra kế hoạch để Nga chiếm giữ các khu vực ở miền đông Ukraine và duy trì sự kiểm soát đối với Crimea.
Ông Johnson nói: "Nếu bạn là đảng của Ronald Reagan [Tổng thống Mỹ từ năm 1981 đến 1989], nếu bạn muốn làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại, thì bạn không thể bắt đầu một nhiệm kỳ tổng thống mới của Đảng Cộng hòa - điều này rất có thể xảy ra… bằng cách nhường chiến thắng cho ông Vladimir Putin."
"Đó sẽ là một thảm họa đối với phương Tây và sẽ là một thảm họa đối với nước Mỹ", ông Johnson nói.
Theo Telegraph, sau cuộc gặp với cựu tổng thống Mỹ Trump vào tháng trước, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã cho biết, ông Trump sẽ không "bỏ một xu" cho Ukraine.
Đồng thời, những nỗ lực của đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm duy trì nguồn viện trợ quân sự cho Kyiv đã bị các đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện chặn lại.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson cho đến nay vẫn từ chối đưa ra bỏ phiếu về gói viện trợ này – nhưng cho biết ông sẽ làm như vậy trong tuần này. Động thái này có thể dẫn tới nỗ lực của những người ủng hộ ông Trump nhằm lật đổ Chủ tịch Hạ viện Mỹ.
Tại hội nghị ở Canada vào ngày 10/4, cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng cho biết, ông tin Chủ tịch Hạ viện Mỹ là người ủng hộ Ukraine và lập luận rằng việc gửi viện trợ quân sự là vì lợi ích quốc gia của chính nước Mỹ.
"Nếu bạn lo lắng về khả năng lâu dài của Mỹ để duy trì vị trí siêu cường, nếu bạn lo lắng về nền dân chủ trên toàn thế giới, nếu bạn lo lắng về an ninh, thì đầu tư vào an ninh của Ukraine là thứ tiết kiệm chi phí nhất mà bạn có thể làm", ông Johnson nói.