Ngày 29/4/1975, Sài Gòn hỗn loạn. Ông Nguyễn Thế Phượng, cựu thiếu úy tình báo Việt Nam Cộng hòa, khi ấy mới 23 tuổi, lo sợ trước tin đồn về một cuộc tắm máu, vội vã chạy ra bến tàu hải quân của Việt Nam Cộng hòa và kịp lên chuyến tàu rời Việt Nam vào đúng 12 giờ đêm.
Thời điểm đó, Sài Gòn tràn ngập trong những tin đồn về cuộc tắm máu, sự trả thù của phía quân đội giải phóng đang tiến vào thành phố. “Bộ máy rệu rã, tin tức lúc đó không còn nhiều nữa, chỉ sống bằng tin đồn”, ông Phượng nhớ lại.
Có những tin đồn rất kinh khủng như phụ nữ Sài Gòn đẹp sẽ phải lấy thương binh, con gái Sài Gòn để móng tay dài mà sơn móng tay thì sẽ bị rút hết móng. “Nhà có bà chị với cô em gái thành thử tôi bị ám ảnh bởi những tin đồn đó, càng làm cho mình sợ hãi hơn”, ông Phượng nói.
Chuyến tàu đưa ông Phượng đến căn cứ hải quân Subic của Mỹ ở Philippines sau 4 ngày lênh đênh trên biển. Tại đây, ông tiếp tục lên máy bay đến đảo Guam, sau đó đến đảo Wake. Ở đó khoảng chừng 2 tháng, ông được đến căn cứ thủy quân lục chiến ở California. Đến tháng 10/1975, ông Phượng vào đến lục địa Mỹ.
Những ngày đầu ở Mỹ, ông Phượng tìm đủ mọi cách để nghe ngóng tin tức về Việt Nam, từ báo chí, thư viện của trường đại học hay thư viện thành phố. Nhưng tin tức rất ít, không đủ để thỏa mãn sự nóng ruột mong biết tin tức ở nhà của ông.
Năm 1976, ông Phượng dành được một số tiền để mua chiếc radio tần sóng ngắn trị giá 250 đô, một khoản không nhỏ với mức lương vừa đi làm vừa đi học của ông thời bấy giờ, để nghe đài phát thanh của Việt Nam, phát sóng từ Hà Nội. Người bán hàng chỉ cho ông cách dựng anten để bắt sóng phát thanh từ Việt Nam.
Ông Phượng dựng anten trên nóc tòa nhà 3 tầng nơi ông ở. Thành phố Boulder, bang Colorado, nơi ông sinh sống nằm trên cao nguyên nên có thể bắt được làn sóng ngắn phát đi từ thủ đô Hà Nội.
“Thời đó còn trẻ, nóng ruột biết tin tức ở nhà nên cái gì cũng làm được. Dựng được anten, nghe được đài Việt Nam, tôi sướng quá, tôi nghĩ chắc mình là người Việt Nam đầu tiên trên đất Mỹ nghe được đài phát thanh của Việt Nam”, ông Phượng kể.

Ban ngày đi làm, đi học, ông Phượng chỉ có thể dành một chút thời gian buổi sáng để nghe tin tức từ đài Việt Nam. Giá đường, giá gạo, những lời tìm kiếm, nhắn tin… là những tin tức đầu tiên từ Việt Nam mà ông nghe được.
“Tín hiệu rò rè, có lúc nghe được, lúc không nhưng tôi rất xúc động. 50 năm rồi, kỷ niệm cũng phai nhòa nhưng có những điều mình nhớ mãi”, ông Phượng nói.
Qua tin tức, ông biết được thông tin về việc Việt Nam bị cấm vận liên quan đến vấn đề Campuchia và cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc. Ông Phượng tiếp tục theo dõi các tin tức từ Việt Nam qua chiếc radio cho đến năm 1981, khi ông rời thành phố Boulder đến California.
Tại California, ông tiếp tục theo dõi trên báo chí ở các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu về Việt Nam, bất cứ thông tin nào có liên quan đến Việt Nam, đến Đông Nam Á là ông tìm mua.
Ông biết được rằng không hề có cuộc tắm máu hay sự trả thù nào. “Bạn bè tôi vẫn còn sống, chị em gái của tôi không ai bị rút móng tay. Những tuyên truyền ngày xưa khiến mình sợ hãi đều không có thật. Tất cả mọi người đều sống yên bình, dù có khó khăn về vật chất do cấm vận”, ông kể.
Năm 1981 ông Phượng bắt đầu liên lạc trở lại được với gia đình. Thư từ ngày đó phải gửi qua Canada, rồi mới đến Việt Nam do hai nước chưa bình thường hóa quan hệ.
Học xong ở Mỹ, ông Phượng vẫn nuôi ý định sẽ về Việt Nam. Liên lạc được về nhà, cha ông nói nhà chật, về không có chỗ ở. Ông hiểu, lúc này chưa phù hợp.
Sau năm 1995, khi Việt Nam và Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao, các giới hạn được nới lỏng, đồng nghĩa với việc giao thương, qua lại giữa 2 bên trở nên dễ dàng hơn. Năm 1998, sau đúng 23 năm, lần đầu tiên ông Phượng trở về Việt Nam.
Hôm đó, thành phố vừa qua một cơn mưa. Bước xuống máy bay, ông Phượng nghe mùi hơi nước xộc lên mũi: “Đúng 23 năm tôi mới nghe lại mùi đó”.
Từ sân bay, ông Phượng đến nhà người chị ruột cách đó vài cây số. Ông thay quần áo rồi đi ra một quán nước nhỏ bên cạnh đường gần ngã tư. Ông ngồi suốt 2 tiếng đồng hồ, nhìn sinh hoạt, nghe tiếng người qua lại rộn rịp.
“Tôi cứ ngồi đó, nghe tiếng rao hàng, nghe người này người kia nói chuyện, như là để những tiếng động đó đi vào tai mình, những hình ảnh đó đi vào mắt mình, không khí đó thấm vào da thịt mình. Đó là những âm thanh tôi mất hẳn từ lúc qua Mỹ”, ông Phượng nói.
Trên đường đi Buôn Mê Thuột thăm người chị ruột, ông không còn thấy vết đạn trên bức tường của những căn nhà ở trong thành phố hay ngoại ô. Dấu vết của chiến tranh không còn nữa.

Tháng 4/2013, ông Phượng may mắn được Tổng Lãnh sự Việt Nam ở San Francisco chọn để mời đi thăm Trường Sa. “Tôi ra thăm mộ những chiến sĩ hải quân đã hy sinh. Tôi nhớ hoài, thiêng liêng lắm cô”, ông Phượng nói.
Từ đó, ông tự nguyện trao cho mình trách nhiệm nếu mà có được nghe điều gì không đúng về chính sách biển, đảo của Việt Nam thì ông sẽ là một trong những người giải thích cho họ.

Năm 2013, trong hành lý về Mỹ của ông Phượng có thêm một túi cát và một ít nước biển mang về từ chuyến đi Trường Sa. Ông Phượng nhờ cô em gái kiếm cho một cái lọ đẹp đẹp, đổ nước vào trong đó, rồi đặt lên bàn thờ ở nhà bên Mỹ. Thi thoảng, ông lại lên bàn thờ thắp hương cầu mong cho yên bình ở Biển Đông.
