Mới đây, TAND huyện Đắk Glong , Đắk Nông mở phiên xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo đầu vụ Phạm Xuân Sáng (cựu thiếu tá, cán bộ công an tỉnh này) bảy năm tù về tội hủy hoại rừng .
Đây là mức án thấp nhất của khung hình phạt mà bị cáo Sáng bị truy tố, theo khoản 3 Điều 243 BLHS 2015.
Cựu thiếu tá nói mình vô tội
Theo hồ sơ, bị cáo Sáng bị quy kết hành vi phạm tội như sau: Từ mối quan hệ quen biết, Sáng rủ Hoàng Văn Đào đến Đắk Nông trông coi, quản lý đất rừng mà Sáng dự định nhận giao khoán.
Sáng giao Đào thuê người chặt phá rừng. Đào thuê Vũ Việt Hưng và một số người chặt phá 12,637 ha rừng...
Tại tòa, bị cáo Sáng vẫn kêu oan trong khi hai bị cáo còn lại là Đào, Hưng khai nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố. Bị cáo Sáng cho rằng mình không thực hiện các hành vi như bị cáo Đào và Hưng đã khai.
Sáng nói mình không chỉ đạo hủy hoại rừng, bị cáo bị trù dập; người liên quan và người làm chứng trong vụ án bị sức ép nên khai không đúng sự thật... Sáng đề nghị tuyên bị cáo không phạm tội.
Các luật sư bào chữa cho bị cáo Sáng cho rằng chứng cứ thiếu khách quan, có dấu hiệu trù dập người tố giác, chứng cứ thu thập trong hồ sơ vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng...
Tại tòa, VKS giữ nguyên quan điểm truy tố và đề nghị xử phạt Sáng từ bảy năm đến bảy năm sáu tháng tù, bị cáo Đào từ năm năm đến năm năm sáu tháng tù, Hưng từ bốn năm đến bốn năm sáu tháng tù.
Không trả hồ sơ vì không thể khắc phục
HĐXX TAND huyện Đắk Glong nhận định đúng là quá trình điều tra vụ án, cơ quan tố tụng vẫn có những vi phạm, sai sót.
Đó là quyết định khởi tố căn cứ báo cáo của UBND xã Đắk Ha nhưng hồ sơ vụ án không có báo cáo này; lời khai của những người chặt phá rừng, người làm chứng có sự mâu thuẫn về một số tình tiết nhưng chưa được làm rõ.
Biên bản khám nghiệm hiện trường lập cách hiện trường 10 km nhưng không nêu rõ lý do; quyết định nhập vụ án không gửi cho bị cáo, luật sư bào chữa và một số vi phạm khác.
Vì vậy, tòa cho rằng quan điểm của luật sư bào chữa và bị cáo Sáng về những vi phạm thủ tục tố tụng là có căn cứ.
Tuy nhiên, theo HĐXX thì tại tòa, những người tham gia khám nghiệm và xác minh hiện trường khai nhận họ đều có mặt tại hiện trường với đầy đủ các thành phần theo biên bản.
Số liệu thể hiện trong biên bản được đo bằng máy định vị, được ghi lại, sau đó đem về trạm kiểm lâm để in sơ đồ và lập biên bản.
Các vi phạm này không vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, không làm thay đổi cơ bản nội dung vụ án và nếu trả hồ sơ thì cũng không thể khắc phục được. Vì vậy, tòa không cần trả hồ sơ nhưng cần nêu ra để rút kinh nghiệm.
“Không thành khẩn khai báo nhằm chối tội”
Về nội dung, HĐXX cho rằng tuy bị cáo Sáng kêu oan nhưng căn cứ vào lời khai của các bị cáo khác, lời khai của người liên quan, người làm chứng và các chứng cứ, tài liệu khác có đủ cơ sở kết luận bị cáo Sáng là người chủ mưu.
Bị cáo Sáng đã chỉ đạo Đào thuê Hưng và một số người khác chặt phá rừng. Sáng cũng chính là người thỏa thuận với Trần Văn Tuân và chỉ đạo một số người chặt phá rừng. Bị cáo Sáng tham gia với vai trò chủ mưu, phạm tội hai lần...
Việc bị cáo Sáng không thừa nhận các hành vi của mình thể hiện thái độ không thành khẩn khai báo nhằm chối tội, không ăn năn hối cải về hành vi của mình.
Tại thời điểm các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội hủy hoại rừng theo quy định tại Điều 189 BLHS 1999, hiện nay là tội hủy hoại rừng quy định tại Điều 243 BLHS 2015.
Do Điều 243 BLHS 2015 có lợi hơn cho các bị cáo nên tòa xét xử các bị cáo theo Điều 243 BLHS 2015 là phù hợp.
HĐXX cũng xem xét trong thời gian công tác bị cáo Sáng được tặng nhiều giấy khen, huân chương chiến sĩ nên xử bị cáo đầu khung hình phạt để thể hiện sự khoan hồng của Nhà nước.
Đối với hai bị cáo Đào và Hưng, do thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, bồi thường một phần thiệt hại... nên tòa xử phạt các bị cáo dưới mức thấp nhất của khung hình phạt và thấp hơn mức VKS đề nghị.
Riêng hành vi của Tuân đã được xét xử và bản án đã có hiệu lực nên tòa không xem xét.
Từ đó HĐXX tuyên phạt bị cáo Sáng bảy năm tù, Đào bốn năm sáu tháng tù, Hưng ba năm sáu tháng tù và buộc các bị cáo liên đới bồi thường thiệt hại cho UBND huyện Đắk Glong hơn 400 triệu đồng.
Ngay sau đó bị cáo Sáng đã kháng cáo kêu oan.
Từ tố cáo, cựu thiếu tá bị buộc tội chủ mưu Theo hồ sơ, năm 2015, cựu thiếu tá công an Phạm Xuân Sáng rủ Trần Văn Tuân chung tiền mua đất thuộc xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong, Đắk Nông. Do trên đất còn có cây rừng rậm rạp nên Sáng và Tuân đã thuê người chặt phá hơn 8.404 m2 rừng. Sau đó Sáng và Tuân bị khởi tố về tội hủy hoại rừng (hành vi của những người được thuê chặt phá rừng chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm). Tháng 4-2018, TAND huyện Đắk Glong xử phạt Sáng chín tháng tù về tội hủy hoại rừng; Tuân bảy tháng tù về tội hủy hoại rừng, sáu tháng tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổng hợp hình phạt chung là 13 tháng tù. Sáng kháng cáo, Tuân không kháng cáo. Tháng 8-2018, TAND tỉnh Đắk Nông xử phúc thẩm đã tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm về phần thiệt hại, về trách nhiệm dân sự, giao về cho cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại (vụ án thứ nhất). Trước đó, vào tháng 1-2016, TAND tỉnh Đắk Nông đã tuyên phạt Đào bảy năm tù và Hưng năm năm tù về tội hủy hoại rừng. Đào kháng cáo xin giảm nhẹ nhưng TAND Cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm. Đang chấp hành hình phạt thì Đào và Hưng gửi đơn tố cáo Sáng là người chủ mưu trong vụ án mà Đào và Hưng đã bị xét xử. Sau đó, viện trưởng VKSND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm hủy cả hai bản án. Tháng 12-2017, TAND Tối cao ra quyết định giám đốc thẩm hủy cả hai bản án vì có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm là bị cáo Sáng với vai trò chủ mưu, cầm đầu... (vụ án thứ hai). Sau khi hủy án, cơ quan tố tụng đã nhập hai vụ án trên. Ở vụ thứ hai, bị cáo Sáng bị quy kết hành vi phạm tội như sau: Từ mối quan hệ quen biết, Sáng rủ Đào đến Đắk Nông trông coi, quản lý đất rừng Sáng dự định nhận giao khoán. Sáng giao Đào thuê người chặt phá rừng. Đào thuê Hưng và một số người chặt phá 12,637 ha rừng... |