Mở đầu câu chuyện, vị Đại tá có nhiều năm cùng đồng đội hàng đêm lái chiếc 67 đôn nòng đi bắt cướp, nêu ý kiến ngay rằng "đồng ý việc TP.HCM nên tái lập đội SBC (săn bắt cướp) để lấy lại niềm tin nhân dân".
Ông cho biết, theo dõi rất kỹ thông tin vụ 5 "hiệp sĩ" bị trộm cướp đâm, trong đó 2 người tử vong. Từ đáy lòng rất đau buồn, trân trọng trước việc làm của các "hiệp sĩ" khi đã không quản ngại nguy hiểm, ngày đêm, dầm mưa dãi nắng đi bắt trộm cướp, bảo vệ bình yên cho người dân.
Theo quan điểm Đại tá, nếu chúng ta đưa vào quản lý những nhóm "hiệp sĩ" đang đã và đang bắt trộm cướp thì không có sự việc đáng tiếc xảy ra. Thứ nhất là tránh việc lạm dụng chức danh "hiệp sĩ" để đi làm việc xấu. Thứ 2 là nhà chức trách có thể tận dụng những người có tố chất, tài năng, nhiệt huyết để trấn áp tội phạm.
"Do đó, việc khôi phục đội SBC là đúng, tôi rất đồng tình, nó sẽ lấy lại niềm tin cho nhân dân. Người đi đường nếu biết xung quanh họ có những chiến sĩ SBC, sẽ xuất hiện khi có tội phạm thì ai cũng cảm thấy yên tâm hơn", Đại tá Liêm nói.
Ông cho biết ngày xưa đội SBC TP.HCM ra đời như thế nào và nhân sự được tuyển chọn ra sao?
Đại tá Liêm: Sau ngày giải phóng, tình trạng cướp của, giết người, tống tiền bằng vũ khí tại TP.HCM diễn biến phức tạp, khiến người dân lo lắng, hoang mang. Ví dụ như ngày xưa ở quận Tân Phú ban đêm không ai dám ra đường vì trộm cướp rất nhiều.
Từ lí do đó, đội SBC được thành lập. Đây là đội SBC duy nhất trong cả nước, nhiệm vụ là trấn áp những loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm.
Về thành viên, chúng tôi lựa ra một số trực ban của các phường trọng điểm về tội phạm. Những người này đã từng xử lý nhiều vụ án nên họ có khả năng đánh giá, phân tích rất nhanh, đi ra đường có thể phát hiện những đối tượng tội phạm. Đặc biệt họ rất am hiểu địa bàn nên dễ dàng cho việc nắm bắt tính hình, các đối tượng cộm cán.
Bàn tay có ngón dài ngón ngắn, có những anh viết chữ rất xấu nhưng rất bản lĩnh, máu lửa. Chúng tôi còn lựa những cá nhân trẻ có tố chất, kỹ năng lái xe, bắn súng điêu luyện... Họ được tuyển chọn gắt gao, họ mang trong mình phong cách, khí tiết vững vàng trong mọi tình huống. Chúng tôi thường tâm niệm "súng bắn chưa chắc nổ, nổ chưa chắc trúng, trúng chưa chắc chết".
Khi đó, luật pháp quy định cho đội SBC hoạt động như thế nào?
Đại tá Liêm: Ngày trước luật pháp chưa có quy định cụ thể. Điều lệnh ngành công an rất nghiêm ngặt, nhưng riêng lực lượng SBC của chúng tôi được nới lỏng hơn.
Để đảm bảo công việc, SBC được trang bị thẻ ngành riêng. Phía sau thẻ thể hiện nhiều đặc quyền để khi cần thiết áp dụng, như: được đi lại các ngày giới nghiêm trong TP.HCM, được sử dụng vũ khí đặc biệt, được sử dụng tốc độ xe ngoài quy định, được vượt đèn đỏ, đi đường cấm, ngược chiều khi cần thiết.
Chúng tôi còn có thể để tóc dài để dễ bề trà trộn hoạt động điều tra, bắt tội phạm. Các chiến sĩ được cấp nón riêng, dòng chữ SBC và mũi tên in phía trên là dấu hiệu nhận biết SBC khi truy đuổi tội phạm trên đường.
Đội SBC được trang bị vũ khí gì để trấn áp tội phạm?
Đại tá Liêm: Ngày nay khoa học công nghệ phát triển thì lực hình sự được trang bị rất nhiều vụ khí hữu ích phục vụ cho công tác điều tra phá án. Còn ngày trước chúng tôi chỉ được Nhà nước cấp súng, còng. Riêng các loại xe như 67 thì đa số anh em tự trang bị, tự cung tự cấp. Thậm chí xe hư anh xem còn bỏ tiền ra sửa, đổ xăng.
Ngày xưa anh em chạy xe bắt cướp giật bị thương rất nhiều. Chính tôi cũng bị té chấn thương khắp thân thể. Những khi gặp nạn đa số anh em tự chữa. Có trường hợp truy đuổi tội phạm bị gãy chân chúng tôi cũng tự lo, không đi giám định thương tích này nọ.
Người dân có cái nhìn như thế nào về đội SBC khi đó, thưa đại tá?
Đại tá Liêm: Ngày xưa chúng tôi rất ít khi dùng thẻ, ngay cả khi vào cơ quan. Chỉ có khi đi bắt tội phạm mới dùng thẻ. Khi truy bắt cướp thì chúng tôi chỉ cần rút thẻ, người dân chỉ cần thấy thẻ SBC là họ rất hồ hởi, sẵn sàng hỗ trợ. Tôi rất tự hào vì là thành viên của đội SBC lừng lẫy một thời.
Tham gia đội SBC thì phải đối diện với nhiều thành phần nguy hiểm nên chuyện bị thương, hoặc có thể trả giá tính mạng của mình. Khi đó gia đình có ngăn cản không?
Đại tá Liêm: Chúng tôi đã tham gia thì luôn nghĩ "không có gia đình". Nói như vậy không có nghĩa là các thành viên không có vợ con, ba mẹ, anh em. Nó có nghĩa là chúng tôi tham gia lực lượng này là xác định nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
Tuy nhiên chúng tôi luôn đặt nhiệm vụ, công việc lên trên hết. Không thể lấy lý do vợ ốm, con đau mà bỏ mặc anh em, đồng chí.
Người ta thường nói phía sau thành công của người đàn ông là bóng dáng của người phụ nữ, câu nói này rất đúng với tôi. Vì vợ đã hiểu, thông cảm rất nhiều. Mọi công việc con cái, chăm lo cho ba mẹ đều được cô ấy chu toàn.
Có một câu chuyện gia đình làm tôi rất suy nghĩ cho đến giờ. Đó là lần vợ tôi dẫn con trai đi công viên Đầm Sen chơi. Con tôi thấy một đứa nhỏ được ba mẹ dẫn đi nên quay sang nói với mẹ "sao ba không đi". Vợ về kể lại mà tôi buồn.
Khi tham gia SBC, kỷ niệm nào làm ông nhớ nhất?
Đại tá Liêm: Tôi nhớ nhất là lúc vợ mới sinh con được 3 tháng thì nhận được thông tin có nhóm tượng ma mãnh, biến chất do Hùng Ba Ta cầm đầu chuyên dùng súng đi cướp, bảo kê…
Ngay lập tức chúng tôi họp, phối hợp nhịp nhàng với lực lượng Công an TP truy bắt. Ngày bắt được Hùng Ba Ta, đang đưa lên xe về cơ quan công an thì đối tượng này vùng lên đạp xe ngã, giật súng định bắn tôi, may anh em hỗ trợ kịp thời.
Hôm đó tôi bị chấn thương nhưng về không nói với gia đìn.
Ngày trước đội SBC có phối hợp với người dân có tinh thần, gan dạ để chống trộm cướp?
Đại tá Liêm: Ngày xưa chúng tôi đã sử dụng một số người - bây giờ gọi là "hiệp sĩ" rồi, chứ không phải mới đây đâu. Số anh em này lý lịch chưa chắc tốt, thi đại học chưa chắc đậu. Họ biết nguy hiểm nhưng thích đi làm.
Họ dũng cảm, chạy xe rất tốt, sửa xe có nghề, có nhiều tố chất đặc biệt. Số này sau đó đi kèm với chúng tôi ra đường. Ví dụ như anh Đức sửa xe 67 rất giỏi. Anh này phải chuyên sửa xe cho chúng tôi và không được sửa cho người khác để tránh các trường hợp không hay.
Vừa qua tôi đọc báo đài thấy cảnh tượng đau lòng: một cô gái bị tên cướp kéo lê trên đường ở giao lộ Nguyễn Thái Học - Trần Hưng Đạo (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1) khiến nhiều người xôn xao. Và vụ này tôi thấy rất buồn lại xảy ngay tại trung tâm TP, nhiều người dân đôi khi vô cảm.
Tôi thấy có phần trách nhiệm của công an khi để xảy ra những sự việc không đáng có như vậy. Theo tôi cần phải tập trung xây dựng như SBC, nòng cốt phải tuyển chọn những người có tố chất.
Và sự việc này không chỉ có ngành công an mà chúng ta cần phải có sự phối hợp của mọi người dân trong công tác phòng tránh, đấu tranh tội phạm. Chúng ta có thể phối hợp với các đội "hiệp sĩ" Sài Gòn. Tôi có thấy ở Bình Dương có một số mô hình hoạt động khá tốt.
Hiện trường 2 hiệp sĩ Sài Gòn bị đâm chết
Trước tình hình tội phạm phức tạp như hiện nay, TP.HCM có nên thành lập tổ 141 như Hà Nội?
Đại tá Liêm: Mọi người có thể nhầm lẫn hoặc không nhớ chứ trước đây chúng tôi đã thành lập một đội giống như 141 Hà Nội rồi.
141 là tổ tuần tra hỗn hợp, huy động lực lượng liên ngành. Ví dụ khi tuần tra trên đường thì CSGT được dừng xe, nếu đối tượng có hung khí thì hình sự sẽ thụ lý, cơ động bảo vệ an toàn cho anh em.
Những người nói học mô hình này của Hà Nội là chưa hiểu. Vì TP.HCM đã làm rồi, nhưng không gọi tên 141. Tuy nhiên có thể do mỗi đời đời giám đốc, thủ trưởng các cơ quan chưa duy trì hoặc đẩy mạnh thường xuyên nên mọi người không biết đến.
Ở TP.HCM có đội đội Hình sự Đặc nhiệm Hướng Nam. Dù mới thành lập, những đã có một số kết quả nhất định. Tuy nhiên theo tôi mình cần đẩy mạnh việc trấn áp tội phạm, và việc này không chỉ có trong ngành công an mà cần huy động toàn dân.
Một số đội đặc nhiệm cần nhìn nhận thực tế hơn, cần xây dựng một cách bài bản, hiệu quả để trấn áp tội phạm.