Trước đó, ngày 27/2, bệnh nhi K.H nhập viện trong tình trạng ruột ngoài ổ bụng kèm sinh non (37 tuần tuổi), nhẹ cân (2,3 kg) xuất huyết não độ 1, tiên lượng xấu.
Người nhà bệnh nhi cho biết, trước lúc sinh, mẹ của bé K.H được chẩn đoán dị tật hở thành bụng và thai phụ được chuyển về Bệnh viện Từ Dũ Thành phố Hồ Chí Minh để xử lý.
Tuy nhiên, khi tới huyện Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai), thai phụ đã chuyển dạ và sinh con tại trạm y tế huyện, sau đó được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai và đưa vào phẫu thuật cấp cứu khẩn cấp.
Sau khi tiếp nhận bệnh nhi, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đã huy động các bác sĩ có nhiều kinh nghiệm trong các khâu phẫu thuật, gây mê, hồi sức của bệnh viện tham gia ca phẫu thuật.
Các bác sĩ đã tiến hành đưa toàn bộ ruột non, ruột già vào lại ổ bụng, cứu sống bệnh nhi. Sau gần 2 giờ phẫu thuật, ca mổ đã thành công.
Theo bác sĩ Vũ Công Tầm, Trưởng khoa Phẫu thuật - gây mê - hồi sức (Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai), trường hợp bệnh nhi K.H nếu không được phẫu thuật đưa toàn bộ ruột non, ruột già vào ổ bụng sẽ nguy hiểm tới tính mạng của trẻ.
Ca mổ dù thành công nhưng các bác sĩ vẫn phải tiếp tục hồi sức căng thẳng, chống chèn ép khoang bụng, chữa rối loạn đông máu, thở máy, nuôi ăn tĩnh mạch toàn phần, cân bằng nước điện giải, chống nhiễm trùng… do dị tật của bé K.H quá nặng kèm theo nhiều yếu tố khác khiến sức khỏe và sinh mạng bệnh nhi bị đe dọa.
Bác sĩ Vũ Công Tầm cho biết, dị tật hở thành bụng bẩm sinh do thành bụng trước không đóng kín, bệnh với tần suất xuất hiện khoảng 1/15.000 - 30.000 trẻ sinh sống.
Dị tật này ít liên quan đến gen, tỉ lệ mắc của bé trai và bé gái tương đương nhau. Bác sĩ cũng khuyến cáo thai phụ nên theo dõi định kỳ, làm xét nghiệm về gen, đánh giá, kiểm tra các bệnh lý để có hướng điều trị kịp thời.