Câu chuyện về đoàn tàu chở báu vật của Yamashita Kho báu dưới đáy biển miền Trung: Sự xuất hiện của đoàn chuyên gia Nhật
Cựu sĩ quan Nhật là ai?
Theo bản phúc trình đã đề cập ở kỳ trước, tháng 12 - 1959, Tổng thư ký Phủ Tổng thống Đệ Nhất Cộng hoà Cao Đình Tiêu khi đó đã tiếp nhận một tập tài liệu trao tay từ bác sĩ Trần Kim Tuyến, Giám đốc sở Nghiên cứu Chính trị và Xã hội nhờ chuyển lên cho tổng thống Ngô Đình Diệm.
Tập tài liệu trong đó có đơn xin, lý lịch và bản dự trù chi phí non 2 triệu bạc để xúc tiến ngay việc trục vớt trước 4 chiếc tàu chở báu vật của cựu sĩ quan Nhật được Bộ trưởng Quốc phòng Trần Trung Dung hậu thuẫn gửi cho BS. Tuyến trước đó. Ngoài những tài liệu trên còn có bản báo cáo chi tiết của BS.Tuyến xung quanh tính khả thi trong việc trục vớt đoàn tàu và lý lịch của chủ nhân tập tài liệu.
Theo đó, cựu sĩ quan Nhật có tên đầy đủ là Kunichi Matsui, sinh 1901, tại Nhật. Nghề nghiệp: kỹ sư máy móc. Năm 1942, thời điểm Nhật chiếm đóng Miền Bắc Việt Nam, K. Matsui làm việc ở Móng Cái. Khoảng thời gian này ông cưới cô vợ người Việt tên R.V. Trước khi chiến tranh kết thúc thì vợ ông mất để lại hai con, một trai, một gái. Hai người con sau đó được ông gửi về quê nhà. Vào thời điểm quân Nhật tràn vào Miền Nam, K. Matsui được thăng hàm Đại uý, chỉ huy tàu chiến trong đội tàu của phát xít Nhật, do vậy mà ông hiểu biết khá nhiều về Việt Nam.
Tướng Nhật Tomoyuki Yamashita.
Đầu 1956, với tài xoay trở khéo léo của một người từng được huấn luyện để trở thành sĩ quan chỉ huy, K. Matsui quay trở lại Việt Nam bằng tấm thẻ thông hành xuất ngoại số 179.370, cấp tại Tokyo. Cũng trong năm này K. Matsui qua lại Sài Gòn nhiều lần trước khi tạm trú dài hạn ở số 41/2 Duy Tân (nay là phố Phạm Ngọc Thạch, TP HCM) để làm việc cho hãng Đại Nam Koosi nằm trên đường Võ Di Nguy (nay là đường Hồ Tùng Mậu) với chức danh chuyên viên kỹ thuật. Ngoài thời gian làm việc cho hãng Dainan Kosei, K. Matsui còn được biết đến như một nhà sưu tầm kỷ vật chiến tranh cùng với sở thích lặn biển mò ốc trai và san hô.Thế chiến II kết thúc, K. Matsui cũng như số phận của nhiều sĩ quan cao cấp khác bị Đồng Minh giải giáp và đưa về Nhật. Nhưng K. Matsui có lẽ may mắn hơn những người đồng cấp khác vì là một sĩ quan kỹ thuật nên chỉ bị giam giữ mấy năm, sau đó được tự do.
Trong khoảng thời gian 3 năm, từ 1956 - 1959, K. Matsui dành hết thời gian ngoài công sở để đi gần như khắp các tỉnh Miền Trung. Trong đó có vài lần ông tổ chức nhóm 3, 4 người ra tận hải phận ở Phan Rang (Ninh Thuận), lặn xuống chỗ 4 chiếc tàu chở kim loại quý để thăm dò, và xác nhận những chiếc tàu chìm ngày trước vẫn còn nguyên vẹn với đầy đủ quý vật mà nó mang theo trước khi nằm sâu dưới lòng biển. Điều này cũng được ông đề cập trong tập tài liệu gửi cho BS. Trần Kim Tuyến.
Chiến hạm của Pháp Amiral Charner trong Thế chiến II
Theo nhận xét của BS. Tuyến trong bản báo cáo, mục đích chính của K. Matsui là tìm cách khai thác đoàn tàu chở báu vật bị chìm trong hải phận Việt Nam mà lúc bấy giờ do ông chỉ huy và cũng là người biết rõ thông tin nhất. Trong đơn xin trục vớt đoàn tàu mà K. Matsui gửi đến tay BS.
Tuyến ông khẳng định mình đang nắm giữ tất cả tài liệu liên quan đến đoàn tàu 57 chiếc, cùng với bản đồ hải quân Nhật trên mặt biển Thái Bình Dương với đầy đủ chi tiết, tọa độ những chiếc tàu bị đánh chìm. K. Matsui cam kết chỉ xuất trình tài liệu này trước chính phủ, hoặc người đại diện chính thức của chính phủ, do vậy mà ngay cả "ông trùm mật vụ" như BS. Trần Kim Tuyến cũng không thể có được những tài liệu này.
Tham vọng trục vớt
Thật ra ngay khi chân ướt chân ráo quay trở lại Việt Nam, K. Matsui đã tiến hành nhiều hoạt động thám sát, lúc thì công khai, lúc bí mật. Việc này chính là nhằm mục đích trục vớt những con tàu chở đầy báu vật bị Đồng Minh đánh chìm mà ông là một trong số rất ít sĩ quan chỉ huy được cho là nắm giữ bản đồ còn sống sót sau chiến tranh biết rõ nhất.
Khởi sự truy tìm, K. Matsui ký giao kèo với hai công ty thương mại là Kim Sun và Việt Hằng ở Chợ Lớn. Hai công ty này đứng ra xin giấy phép vớt tàu chìm và mò ốc trai ở vùng biển Miền Trung nhưng không được chính quyền Ngô Đình Diệm đồng ý.
Sau bước đi đầu tiên thất bại, ông K. Matsui xoay qua tổ chức một toán thợ lặn "chui", bí mật ra tận chỗ tàu chìm để tìm chiến lợi phẩm. Nhưng việc này không có kết quả. Do bị địa phương theo dõi kiểm soát quá gắt, phần vì "của quý" đều đóng trong những thùng bọc sắt, to nặng, trong khi toán thợ lặn thủ công thiếu các phương trục vớt nên không tài nào lấy lên được?
Đến lần thứ ba, K. Matsui qua trung gian nên được biết và hợp tác với ông Du Phước Long - một viên chức đương nhiệm của chính quyền ông Diệm. Ông Long còn là đệ tử ruột của Bộ trưởng phụ tá quốc phòng Trần Trung Dung nên đã dễ dàng xin được giấy phép khai thác đặc biệt số 3642 - QP/ ĐB/4, cấp ngày 16-6-1959, người đứng tên giấy phép là bà Huỳnh Thị Kim Anh - vợ của một quan chức quân đội. Ngay sau khi có phép, cả hai tổ chức một nhóm thợ lặn chuyên nghiệp 9 người, trong đó có 6 người Việt và 3 người Nhật, với danh nghĩa "lặn mò kỷ vật chiến tranh và ốc trai" ở vùng biển Ninh Thuận.
Sau vài lần tổ chức lặn thám sát chưa mang lại kết quả gì khả quan, ông K. Matsui phát hiện ông Long thiếu trung thực nên tỏ ra thận trọng hơn với đối tác của mình. Ông K. Matsui nghĩ ông Long dù sao cũng là một tư nhân, không đủ tư cách và phương tiện để làm việc lớn liên quan đến lợi ích quốc gia nên công việc khai thác rồi sẽ không đi đến đâu. Về phía ông Long, có dụng ý kéo dài thời gian để "khai thác tài liệu", nhằm khi có cơ hội sẽ "hất cẳng" K. Matsui để độc chiếm một mình. Theo nhận xét của BS. Tuyến, K. Matsui là người rất tinh tế và thận trọng nên sớm nhận biết điều này.
Tàu chiến Nhật Bản từng hoành hành các vùng biển Châu Á.
Lần cuối cùng ông K. Matsui và Du Phước Long đưa nhóm thợ lặn ra lặn ở nhiều vùng biển Miền Trung đó là cuối tháng 11-1959. Hơn 20 ngày ngụp lặn trên biển trở về Sài Gòn, kết quả cũng chưa có gì đáng kể nhưng ông K. Matsui bị ông Long dùng thủ đoạn "giấy phép hết hạn" và không thể xin được nữa để loại ông ra khỏi cuộc chơi.
Ông K. Matsui đã lường trước được điều này sớm muộn cũng xảy ra nên không mấy cay đắng. Hơn nữa tài liệu chi tiết về mấy con tàu chở báu vật vẫn còn nguyên vẹn trong tay ông. Ông Long chỉ biết một phần rất nhỏ về vị trí mấy con tàu ở vùng biển Phan Rang mà ông K. Matsui chủ ý tiết lộ để "đo lòng người". Và ông Matsui đã đúng.
Sau khi cố tình loại bỏ K. Matsui hòng độc chiếm "kho báu", ngay lập tức ông Long vận động và xin được giấy phép thăm dò mới của Bộ Quốc phòng. Lần này, ông xúc tiến công việc qui mô hơn lần hợp tác trước trong việc khảo sát tàu chìm hòng nhanh chóng thu lợi. Một mặt ông Long tìm cách mua chuộc, dụ dỗ nhân viên của K. Matsui, những người được cho là hiểu biết nhiều về nội vụ kể từ khi K. Matsui quay lại Việt Nam.
Mặt khác, ông Long đứng ra tổ chức, kêu gọi Công ty Khánh Mậu ở Chợ Lớn hùn vốn khai thác. Ông Long tính chuyện làm ăn lớn bằng cách mở văn phòng mới, phái người ra nước ngoài mua tàu cùng với phương tiện trục vớt, đồng thời liên lạc với Bộ quốc phòng của chính quyền VNCH xin bảo trợ an ninh nhưng việc khai thác vẫn không thành. Phần vì bản chất ông Long thiếu trung thực, phần hao tốn tiền bạc cho cái chuyện "mò kim đáy bể" nên hợp tác được mấy tháng Công ty Khánh Mậu rút lui. Hơn thế nữa, đến lúc này Công ty Khánh Mậu phát hiện "chìa khoá" kho báu là tấm bản đồ tọa độ những chiếc tàu chìm vẫn còn nằm trong tay ông K. Matsui chứ không như lời ông Long nói lúc đầu là mình đang cất giữ.
Bị đối tác bỏ rơi giữa đường, ông Long vô cùng tức tối nhưng chẳng làm được gì được Công ty Khánh Mậu. Ông Long sau đó nhiều lần quay lại tìm ông K. Matsui, mong nhận được sự hợp tác trở lại nhưng ông K. Matsui từ chối. Ông Long tỏ ra oán hận K. Matsui, vì không thể làm sao có được tấm bản đồ kho báu nên tìm cách "mật trình" với Bộ Nội vụ và Cảnh sát quốc gia. Mục đích của ông Long nhằm "phá đám", làm cho K. Matsui nản chí, đồng thời ngăn chặn không cho ông K. Matsui trục vớt để khi có cơ hội sẽ ra tay thâu tóm một mình.
Về phía viên cựu sĩ quan Nhật, sau 4 năm theo đuổi và nhiều lần vận dụng mọi cơ hội có được để thực hiện ý đồ khai thác "kho báu" còn nằm sâu trong lòng đại dương đã hoàn toàn thất bại. Đặc biệt là sau khi bị ông Long "mật trình" với chính quyền, ông K.Matsui bị cảnh sát gọi lên hạch sách đủ điều. Chính quyền VNCH nhiều lần yêu cầu K. Matsui cung cấp hồ sơ mấy con tàu chìm cùng với tấm bản đồ tọa độ và báo cáo kết quả những lần tổ chức lặn thám sát trước đó. Nhưng ông K.Matsui chỉ đồng ý báo cáo những lần lặn hợp tác với với ông Du Phước Long chứ không chịu giao tấm bản đồ cùng với hồ sơ liên quan đến đoàn tàu.
Đầu năm 1960, phần vì tiền bạc khánh tận, phần hết hạn lưu trú ở Việt Nam, ông K. Matsui trở về nước. Trước khi về lại quê nhà, K. Matsui đã âm thầm bán toàn bộ tài liệu liên quan đến đoàn tàu bị đánh chìm trong hải phận Việt Nam cho Công ty Tàu Việt ở Chợ Lớn với giá hai triệu bạc.
Sau khi có được đầy đủ tài liệu trong tay, Công ty Tàu Việt đã liên lạc ngay với "lãnh chúa Miền Trung" Ngô Đình Cẩn để xin phép "lặn mò và trục vớt tàu chìm". "Lãnh chúa" Cẩn tiếp nhận đơn cùng lệ phí "lót tay" 50.000 đồng bạc của Công ty Tàu Việt. Tuy nhiên, sau khi đã nhận tiền "lót tay", thay vì cấp phép, Ngô Đình Cẩn lại khẩu thị thông qua văn phòng: Chấp nhận cho phép được lặn mò và trục vớt, không giúp phương tiện hay quy định thể thức ăn chia nào nhưng phải mò được "báu vật" mang về để làm bằng.
Những tiết lộ trên đây lần lượt được Bộ Quốc phòng, BS. Tuyến, Bộ Nội vụ, cảnh sát quốc gia và sau cùng là Văn phòng Ngô Đình Cẩn đều biết rõ. Chỉ vì ông K. Matsui và một số đối tác liên quan không đủ điều kiện khai thác đã tự giải quyết vấn đề bằng các hợp tác tư nên nội vụ bị tiết lộ. Kể từ đây kéo theo hàng loạt cuộc tìm kiếm…