Sự quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ
Nhìn nhận lại năm 2016 vừa qua, trao đổi với chúng tôi, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, đây là năm có bước ngoặt lớn với Việt Nam về nhiều mặt.
Bởi có lẽ ít có Chính phủ mới lên nào của Việt Nam lại phải đối mặt với nhiều thử thách, khó khăn từ kinh tế - xã hội đến thảm họa môi trường rồi thiên tai, biến đổi khí hậu như Chính phủ hiện tại…
Tuy đối mặt với hàng loạt vấn đề, nhưng Chính phủ đã đưa ra nhiều quyết sách có tác động tích cực đến triển vọng kinh tế trong nước, với số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh, việc tái cơ cấu, cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước diễn ra quyết liệt...
"Trước những thách thức đó rất mừng là Chính phủ đã đưa ra nhiều quyết sách quan trọng như thúc đẩy số lượng doanh nghiệp, quyết liệt tái cơ cấu", ông Doanh nêu.
Đồng quan điểm, bình luận về dấu ấn năm 2016, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng đánh giá, cộng đồng doanh nghiệp cũng như nhân dân đánh giá rất cao tinh thần của Chính phủ, đặc biệt của Thủ tướng.
Bởi, ngay từ khi nhậm chức, Thủ tướng đã có ý thức rất rõ và có những tuyên bố chắc chắn về việc xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính và Chính phủ hành động, phục vụ - 2 nhân tố mới so với Chính phủ trước.
"Cùng với những tuyên bố, Thủ tướng đã bắt tay vào việc, thể hiện qua hàng loạt cuộc tiếp xúc của Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp, những công nhân, với các tầng lớp khác nhau trong xã hội.
Sau đó, Thủ tướng đã đốc thúc để ban hành những văn bản thể hiện quyết tâm của mình, đưa ra những chương trình hành động rõ ràng cho các Bộ, ngành, địa phương, thực hiện tinh thần kiến tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp", bà Lan nói.
Bà Phạm Chi Lan. Ảnh: Lê Anh Dũng/Vietnamnet
Cũng theo bà Lan, Chính phủ không chỉ đưa ra chương trình hành động cho một năm như Nghị quyết 19, mà trong Nghị quyết 35 đã đưa ra chương trình cho 5 năm hành động.
"Tất cả nhằm mục tiêu xây dựng Chính phủ thực sự kiến tạo, với tinh thần tạo một môi trường kinh doanh mang tính chất khác hẳn trước đây, khẳng định khá rõ vai trò của Nhà nước, của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp khác nhau trong xã hội sẽ làm gì để đưa đất nước phát triển.
Tinh thần đó của Chính phủ được thể hiện rất rõ, các Phó Thủ tướng cũng đồng hành mạnh mẽ với Thủ tướng trong nhiều hoạt động thời gian qua. Một số Bộ, ngành đã có những chuyển biến nhất định", bà Lan cho hay.
Bà Phạm Chi Lan cũng đánh giá, trong năm 2016, Chính phủ cũng đã có nhiều cố gắng để xử lý vấn đề Formosa, buộc họ phải nhận trách nhiệm, phải bồi thường và thực hiện việc bồi thường.
Sau đó, Chính phủ đã giao các Bộ liên quan, đặc biệt là Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục giám sát Formosa để đảm bảo những hành động sau này của họ không vi phạm môi trường.
"Thủ tướng từng tuyên bố, nếu Formosa tiếp tục vi phạm sẽ cương quyết đóng cửa. Đó là một tuyên bố đúng. Ngoài ra, từ vụ việc Formosa, Thủ tướng cũng tuyên bố sẽ không chấp nhận những dự án đầu tư có khả năng gây ô nhiễm môi trường lớn ở Việt Nam", chuyên gia này nhìn nhận.
Cùng với đó, theo bà Lan, liên quan đến vụ việc Trịnh Xuân Thanh và một số vụ việc khác, Quốc hội, Chính phủ trong thời gian vừa qua cũng đã cố gắng tham gia giải quyết.
Thể hiện tinh thần nói đi đôi với làm
Nhìn nhận về dấu ấn năm 2016, ông Vũ Mão, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, năm qua, chúng ta đã tổ chức thành công Đại hội Đảng lần thứ 12, bầu cử Quốc hội khóa 14 và Đảng đã nhìn rõ thực trạng để cho thấy quyết tâm thay đổi rất cao.
"Trong những tháng cuối năm 2016, những thể hiện của Đảng, của Chính phủ, đặc biệt của Thủ tướng, đã cho thấy quyết tâm, ý chí thể hiện tinh thần nói đi đôi với làm. Tinh thần đó theo tôi là rất cần thiết", ông Mão nói.
Ông cũng bày tỏ, thời gian qua, Chính phủ mới, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ đã có một số việc làm thể hiện quyết tâm cao,
Trong đó, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, sâu sát cơ sở, làm phấn chấn lòng dân, nhất là với doanh nghiệp. Tiếp đến, là ý thức coi trọng pháp luật. Từ trước đến nay, người đứng đầu Chính phủ luôn nhắc tới việc phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, đó là nền tảng cho chỉ đạo.
"Cho nên, việc Thủ tướng đề nghị xem lại các Thông tư, nhập các Thông tư thành Nghị định của Chính phủ là sáng kiến, tư tưởng tốt. Chính phủ cũng tha thiết đề nghị Quốc hội phải coi trọng hơn và giúp Chính phủ hoàn thiện hệ thống pháp luật, để có cơ sở điều hành. Theo tôi, nhận thức như thế cần được đánh giá cao", ông Vũ Mão chia sẻ.