Cựu phi công Mỹ nói F-16 khó sống sót ở Ukraine, dễ bị S-400 áp đảo hoàn toàn

Hoàng Phạm |

Tiêm kích F-16 đứng đầu danh sách các vũ khí mong muốn của Kiev kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát. Tuy nhiên, theo một cựu phi công của Không quân Mỹ, máy bay thế hệ 4 này không phù hợp trong cuộc xung đột ở Ukraine hiện nay.

Thiếu đặc tính tàng hình, các máy bay chiến đấu như F-16 sẽ “hoàn toàn bị áp đảo trong môi trường rủi ro cao”, John Venable, cựu phi công F-16 của Không quân Mỹ cho hay.

Ông Venable, hiện là nhà nghiên cứu cấp cao về chính sách quốc phòng tại tổ chức tư vấn The Heritage Foundation, cho rằng hệ thống phòng không tiên tiến của Nga, với các tổ hợp S-400 sẽ có thể nhắm mục tiêu chính xác vào F-16 trước khi chúng kịp vào tầm thả bom.

"Cung cấp cho Ukraine thêm MiG-29 cũng sẽ không giúp ích gì trên chiến trường. Cho dù chúng ta cung cấp cho họ các máy bay F-16 hiện đại, điều đó cũng sẽ không thay đổi hay tác động đến chiến trường trong 1 năm chứ đừng nói sẽ kịp thời cho cuộc phản công mùa xuân", ông Venable nói.

Cựu phi công Mỹ cũng nhắc tới khoảng thời gian từng lái F-16 trong những năm 1980 và 1990. Thời điểm đó máy bay của ông có cơ hội chiến đấu khá tốt trước tên lửa đất đối không (SAM) SA-6 và SA-11 của Liên Xô.

"Khả năng tôi bị bắn hạ là rất cao, nhưng ít nhất khả năng tôi tiếp cận được mục tiêu cũng cao tương tự", Venable nói, đồng thời nhấn mạnh, kể từ đó Nga đã có bước nhảy vọt toàn diện về năng lực tác chiến.

Cựu phi công Mỹ nói F-16 khó sống sót ở Ukraine, dễ bị S-400 áp đảo hoàn toàn - Ảnh 2.

Máy bay F-16. Ảnh: Military

“Trước đây, tôi có cơ hội chiến đấu, nhưng ngày nay, những chiếc F-16 không có cơ hội như vậy”, ông nói thêm.

Các nhà phân tích hàng không phương Tây khác cũng có chung đánh giá với phi công Venable về F-16.

Họ cho rằng, nếu Kiev có loại máy bay này, chúng cũng khó tồn tại được lâu. F-16 cần các căn cứ không quân và đường bằng được chuẩn bị đặc biệt – điều mà Ukraine không thể đáp ứng trong điều kiện hiện nay do các sân bay của nước này “quá ngắn” và “tồi tàn” để có thể sử dụng an toàn những chiếc F-16 đầy tải.

Bên cạnh số vũ khí trị giá hàng tỷ USD mà Mỹ và các đồng minh đã cung cấp cho Ukraine, chính quyền Kiev nhiều lần đề nghị phương Tây cung cấp máy bay chiến đấu, đặc biệt là tiêm kích F-16 do Mỹ sản xuất để thay thế phi đội MiG-29 và Su-27 từ thời Liên Xô đã lỗi thời.

Cho đến nay việc gửi F-16 cho Ukraine vẫn chưa được đưa ra thảo luận. Chỉ có 2 thành viên NATO là Ba Lan và Slovakia cam kết cung cấp một số máy bay MiG-29 cho Kiev.

Trong một phát biểu hồi tháng 2/2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng Ukraine “hiện không cần F-16” và cũng “không có cơ sở hợp lý nào” để làm điều này.

Nga đã nhiều lần cảnh báo viện trợ quân sự mà Mỹ và các đồng minh đang tiếp tục cung cấp cho Kiev chỉ kéo dài cuộc xung đột ở Ukraine.

Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh rằng các nước NATO đang “đùa với lửa” bằng cách cung cấp vũ khí cho Kiev và bất kỳ đoàn xe vũ khí nào tới Ukraine sẽ trở thành mục tiêu hợp pháp của các lực lượng Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại