Cựu nhân viên Lãnh sự quán Anh tố bị cảnh sát TQ tra tấn, ép cung về biểu tình Hong Kong, Bắc Kinh phản ứng cực rắn

Hồng Anh |

Theo lời cựu nhân viên Lãnh sự quán Anh tại Hong Kong Simon Cheng, hồi tháng 8 vừa qua, anh ta đã bị các "cảnh sát mật" của Đại lục giam giữ, tra tấn trong suốt 15 ngày.

Mới đây, cựu nhân viên Lãnh sự quán Anh tại Hong Kong Simon Cheng - người bị cảnh sát Trung Quốc bắt giữ hồi tháng 8 - đã tiết lộ với báo giới những điều anh ta phải trải qua trong 15 ngày bị giam giữ ở Đại lục, báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP - Hong Kong) đưa tin.

Theo thông cáo ngày 21/8 của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Cheng đã bị bắt giữ tại thành phố Thâm Quyến vì hành vi "vi phạm pháp luật". Tuy nhiên, theo lời Cheng, thì cảnh sát Đại lục đã tra tấn để buộc người này khai ra những thông tin liên quan tới các cuộc biểu tình ở Hong Kong.

Người này nói rằng lãnh sự quán đã yêu cầu anh ta thôi việc trong tháng 11 sau 2 gần năm công tác, và nhận được một khoản đền bù trị giá 7 tháng lương. Tuy nhiên, một số nguồn tin lại suy đoán rằng Cheng đã tự xin từ chức.

Cheng cho biết hiện nay anh ta đã rời Thâm Quyến nhưng không tiết lộ địa điểm hiện tại. Anh ta nói rằng mình đang ở trong tình cảnh khó khăn khi gần như không được ai hỗ trợ trong vòng 3 tháng qua, và hiện đang phải nỗ lực tìm một công việc mới trong lúc tìm một nơi ở mới để ổn định cuộc sống cùng vợ sắp cưới.

"Tôi thực sự rất đau đớn"

Những chi tiết về 15 ngày bị bắt giữ và tra tấn đã được Cheng chia sẻ trên Facebook cá nhân và trong một cuộc phỏng vấn với đài BBC (Anh).

Cụ thể, trong bài viết chi tiết được đăng tải trên Facebook, Cheng nói rằng mình đã được Lãnh sự quán Anh cử đến Thâm Quyến để tham dự một hội thảo về kinh doanh. Tại đây, anh ta đã gặp gỡ cha mẹ của một người Đại lục tham gia các cuộc biểu tình tại Hong Kong, và đã đi massage "để thư giãn sau giờ làm".

Cheng cho biết anh ta đã bắt chuyến tàu cao tốc trở về Hong Kong trong ngày hôm đó, tuy nhiên khi chuyến tàu tới ga Kowloon, Cheng đã bị giữ lại ở điểm kiểm tra của Đại lục, và bị bắt lên chuyến tàu quay lại Thâm Quyến.

Cựu nhân viên Lãnh sự quán Anh tố bị cảnh sát TQ tra tấn, ép cung về biểu tình Hong Kong, Bắc Kinh phản ứng cực rắn - Ảnh 1.

Cựu nhân viên Lãnh sự quán Anh Simon Cheng. Ảnh: Facebook

Trong 15 ngày sau đó, Cheng cho biết anh ta đã bị bịt mắt, còng tay, trùm kín mặt và đưa đến nhiều địa điểm khác nhau, tại đó Cheng bị biệt giam và bị cảnh sát Đại lục đánh đập mỗi khi thẩm vấn.

Theo lời Cheng, những người thẩm vấn mà anh ta tin là cảnh sát mật đã ép anh ta phải khai ra tất cả những gì anh ta biết về các cuộc biểu tình ở Hong Kong, đặc biệt là các bằng chứng về việc Anh can thiệp vào các cuộc biểu tình đã kéo dài nhiều tháng qua.

Thực chất, mặc dù là một nhân viên phụ trách vấn đề thương mại, nhưng Cheng vẫn được sếp trên giao nhiệm vụ "ngoài giờ" là tìm hiểu về các cuộc biểu tình. Anh ta đã gửi một số báo cáo bằng điện thoại, và những "cảnh sát mật" đã yêu cầu Cheng khai ra mật khẩu điện thoại.

Ban đầu, Cheng đã kiên quyết từ chối cung cấp thông tin. Tuy nhiên, sau nhiều giờ, nhiều ngày bị tra tấn, anh ta đã phải khai ra mật khẩu điện thoại.

Cheng mô tả rằng anh ta đã bị trói chặt vào ghế tra tấn và không thể cử động, hoặc bị treo trong tư thế xoạc chân trong nhiều giờ đồng hồ. "Tôi thực sự rất đau đớn", Cheng chia sẻ.

"Khi các cảnh sát mật đưa tôi đi khỏi trại giam, tôi đã bị còng tay, bịt mắt và trùm đầu (nên tôi có cảm giác rất khó thở). Tôi bị bắt bỏ kính ngay từ đầu, nên tôi luôn có cảm giác chóng mặt và thiếu khí", Cheng viết.

Cheng đã được thả tự do sau khi kí tên vào biên bản lời khai, trong đó bao gồm tội thuê gái mại dâm.

Khi phóng viên BBC đặt câu hỏi về cáo buộc liên quan tới mại dâm, Cheng đã từ chối trả lời. Tuy nhiên, trong nội dung được chia sẻ trên Facebook, người này viết: "Tôi không làm bất cứ điều gì gây nguy hại, và cũng không làm điều gì có lỗi với những người thân yêu của mình".

Phản ứng của London, Bắc Kinh và Hong Kong

Một cuộc khẩu chiến mới đã nổ ra giữa Anh, Trung Quốc và Hong Kong vì những chia sẻ của Cheng, theo SCMP.

Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho biết ông đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Anh Liu Xiaoming để thể hiện sự phẫn nộ trước những điều tồi tệ đã xảy ra với Cheng: "Chúng tôi hy vọng giới chức Trung Quốc sẽ điều tra và đưa những kẻ có trách nhiệm trong vụ việc ra ánh sáng".

"Chúng tôi thực sự rất sốc khi biết rằng [Cheng] đã bị đối xử tồi tệ như vậy trong thời gian cảnh sát Đại lục giam giữ anh ấy. Điều đó chẳng khác gì tra tấn", ông Raab bình luận.

Đối với lời phàn nàn của Cheng về việc "gần như không được ai hỗ trợ" kể từ tháng 8, ông Raab nói rằng London sẽ xem xét việc cho Cheng và vợ sắp cưới của anh ta định cư ở Anh.

Cựu nhân viên Lãnh sự quán Anh tố bị cảnh sát TQ tra tấn, ép cung về biểu tình Hong Kong, Bắc Kinh phản ứng cực rắn - Ảnh 3.

Bên ngoài tòa Lãnh sự quán Anh tại Hong Kong. Ảnh: AFP

Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng thì nhấn mạnh rằng đây không phải vấn đề ngoại giao, đồng thời bác bỏ mọi tuyên bố của phía Anh. "Trong thời gian bị giam giữ, cơ quan cảnh sát đã đảm bảo các quyền lợi hợp pháp của Cheng, và chính Cheng cũng đã thừa nhận hành vi vi phạm luật pháp của mình", ông Cảnh Sảng nói.

Nói về việc Đại sứ Liu Xiaoming bị phía Anh triệu tập, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết họ chưa được thông báo về điều này, tuy nhiên "Trung Quốc mạnh mẽ phản đối các tuyên bố của Anh về những vấn đề liên quan tới Hong Kong..."

Ông này còn nhấn mạnh: "Việc Anh triệu tập Đại sứ Trung Quốc sẽ không được chấp nhận".

Giới chức Đại lục vẫn tiếp tục khẳng định rằng Cheng đã bị bắt giữ vì vi phạm pháp luật liên quan tới hoạt động mại dâm ở Thâm Quyến.

Về phía Hong Kong, người đứng đầu cơ quan tư pháp của Đặc khu - bà Teresa Cheng Yeuk-wah - cho biết bà chưa thể đưa ra ý kiến về những cáo buộc của Cheng đối với cảnh sát Đại lục khi chưa có đủ thông tin, và nói rằng Cheng nên báo cáo vấn đề này với các quan chức có thẩm quyền của Bắc Kinh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại