Theo hồ sơ tòa án, Mã Ngọc Thanh (Alexander Yuk Ching Ma), 67 tuổi, bị bắt ở TP Honolulu thuộc bang Hawaii hồi tuần trước và bị cáo buộc cấu kết với một người bà con - cũng là cựu nhân viên CIA - để truyền các thông tin mật cho các quan chức tình báo Trung Quốc.
Các công tố viên cho biết người họ hàng 85 tuổi của ông Mã không bị buộc tội vì ông ta mắc "một căn bệnh suy nhược nhận thức".
Các công tố viên cho biết sinh ra ở Hồng Kông và là một người nhập tịch Mỹ, ông Mã gia nhập CIA năm 1982, sau đó công tác tại cơ quan này cho đến khi nghỉ việc vào năm 1989.
Có một khoảng thời gian, cựu nhân viên CIA này được chỉ định làm việc ở nước ngoài tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương. Sau năm 1989, ông Mã sống và làm việc ở Thượng Hải - Trung Quốc trước khi tới Hawaii vào năm 2001.
Các công tố viên cho biết hoạt động làm gián điệp của ông Ma bắt đầu vào tháng 3-2001. Các công tố viên ngày 17-8 cho biết ông Alexander từng gặp gỡ ít nhất 5 sĩ quan của Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc (MSS) trong một phòng khách sạn ở Hồng Kông, nơi ông "tiết lộ một lượng lớn thông tin quốc phòng tuyệt mật", bao gồm thông tin tổ chức nội bộ, các phương thức giao tiếp bí mật của CIA.
Ông Alexander gặp gỡ các sĩ quan Trung Quốc trong khoảng thời gian 3 ngày vào tháng 3-2001.
Năm 2004, các nhà điều tra cho biết ông Mã nhận công việc là một nhà ngôn ngữ học Trung Quốc tại văn phòng thực địa của FBI ở Honolulu.
Trong vòng 6 năm sau đó, ông ta đã sử dụng công việc mới của mình và thông quan an ninh để sao chép hoặc chụp ảnh các tài liệu mật liên quan đến tên lửa và vũ khí dẫn đường cũng như các bí mật khác của Mỹ.
Các công tố viên cho biết trong đó có một số tài liệu được đánh dấu là "bí mật" và ông Mã thường xuyên mang theo chúng trong các chuyến đi đến Trung Quốc.
Khi Cục Điều tra Liên bang (FBI) biết được các hoạt động của ông Mã, một nhân viên FBI chìm đã sắp xếp một cuộc họp, giả làm đại diện của chính phủ Trung Quốc.
Một đoạn băng ghi hình cho thấy ông Mã đang đếm 2.000 USD tiền mặt do đặc vụ chìm cung cấp. Trong một video khác, ông Mã được nhìn thấy đang nhận và đếm số tiền mặt 50.000 USD để đổi lại những bí mật mà ông đã cung cấp.
Cả CIA và Cục Điều tra Liên bang (FBI) đều từ chối bình luận tại sao mất một khoảng thời gian quá lâu để bắt ông Mã. Hiện Craig Jerome, luật sư của ông Mã, cũng chưa đưa ra bình luận. Ông John Demers, Trợ lý Tổng chưởng lý Mỹ về an ninh quốc gia, cho biết:
"Hoạt động gián điệp của Trung Quốc là con đường dài và đáng buồn thay là những cựu sĩ quan tình báo Mỹ đã phản bội đồng nghiệp".
Hồi năm ngoái, Lý Xuân Thành (Jerry Chun Shing Lee), cựu nhân viên CIA, bị kết án 19 năm tù vì âm mưu gián điệp. Các công tố viên nói ông ta đã nhận hơn 840.000 USD để cung cấp thông tin về nhân viên CIA và kiến thức về kỹ năng tình báo.