Cứu người khó quá!

Vy Thư |

Thấy người bị nạn không cứu thì lương tâm day dứt. Thế nhưng, làm việc tốt có khi không được báo đáp mà lại gặp rắc rối, nguy hiểm.

Cứu người bị nạn luôn được xem là đạo đức làm người và là trách nhiệm của công dân. Tuy nhiên, trên thực tế và nhất là thời gian gần đây, xảy ra quá nhiều vụ việc vì làm việc tốt mà bị gây phiền phức, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Làm ơn mắc oán

Tối 11-2, anh Nguyễn Hải Sơn (ngụ huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) đưa một cô gái đi bệnh viện sau khi chứng kiến cô chạy xe máy và tông vào taxi rồi ngã ra đường bất tỉnh.

Khi anh Sơn đang làm thủ tục nhập viện cho cô gái, Nguyễn Hữu Khá (bạn cô gái) đến, cho rằng anh Sơn là người gây tai nạn nên dùng dao đâm một nhát vào lưng khiến anh Sơn phải nằm viện điều trị dài ngày.

Cứu người khó quá! - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Hải Sơn được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Ninh sau khi bị đâm vì cứu người Ảnh: NINH CƠ

Trước đó, chiều 30-1, tại khu vực phố Núi Trúc (phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội), chỉ vì giúp một phụ nữ đuổi bắt đối tượng trộm xe SH, 3 người đàn ông (trong đó có một người là tổ trưởng bảo vệ dân phố) bị một nhóm người lao vào đánh trọng thương vì tưởng là trộm mặc cho nạn nhân đã cố gắng giải thích.

Hay như ở huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng, nữ nhân viên y tế đang cấp cứu người bị tai nạn giao thông cũng bị người nhà nạn nhân đánh gây thương tích…

Trước những thông tin trên, dư luận vừa phẫn nộ vừa hoang mang. Nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc đã kể lại những trường hợp làm ơn mắc oán mà bản thân họ gặp phải và trở thành nạn nhân.

Có người sau khi đưa nạn nhân bị tai nạn giao thông vào bệnh viện cấp cứu thì bị bảo vệ bệnh viện không cho về, phải chờ nhiều giờ cho đến khi cơ quan chức năng đến vì không biết họ có gây tai nạn hay không.

Có người thấy một cô gái bị va quệt xe, vừa trờ đến hỏi thăm đã bị những người khác vác ghế xồng xộc chạy đến đòi phang.

Cũng có người thấy một bà cụ bị ngã, chạy đến đỡ thì bà ta lăn ra nằm vạ, may mà một số người đi đường làm chứng. Không ít người thấy chuyện bất bình vào can thiệp để rồi nhận lại những câu hỏi hồ nghi hoặc sự từ chối thẳng thừng của chính người đang cần được giúp…

Cứ thế, rất nhiều trường hợp làm người tốt mắc họa đã được kể ra. Thấy người bị nạn không cứu thì lương tâm day dứt, thậm chí có trường hợp còn bị pháp luật truy tố. Thế nhưng, làm việc tốt không được báo đáp mà tự dưng đẩy bản thân và gia đình vào rắc rối, tổn thương, nguy hiểm thì liệu có nên?

Giúp đỡ hay làm ngơ?

Không ít ý kiến chọn giải pháp làm người vô cảm cho yên thân bởi thời nay không dễ làm “Lục Vân Tiên” khi lòng tin không còn như ngày xưa do người ta chứng kiến quá nhiều sự lọc lừa, dối trá.

Sự hung hăng, hồ đồ, thích dùng bạo lực để giải quyết mọi việc, không quen nói lời xin lỗi hay cảm ơn; những rắc rối về mặt hành chính… cũng khiến người ta ngại ngần, chùn bước khi quyết định giúp đồng loại.

Rất may, ngoài một số ý kiến tiêu cực, chọn làm ngơ hoặc bỏ đi, vẫn còn nhiều người lựa chọn giúp đỡ người gặp nạn dù biết lắm gian nan bởi họ không thể sống và hành động vô cảm; bởi niềm tin “có người tốt, người xấu, giúp được thì cứ giúp để lương tâm thanh thản”.

Ngay cả anh Nguyễn Hải Sơn, nhiều lần cứu người bị nạn trên đường bị người nhà nạn nhân hiểu lầm, chửi bới và lần bị nạn này “cảm thấy buồn và đau đớn nhất” nhưng khi được hỏi sau này có cứu người gặp nạn hay không, vẫn khẳng định là có. “Việc tôi bị đâm khi cứu cô gái kia chỉ là hy hữu thôi.

Khỏe lại, tôi sẽ tiếp tục cứu người gặp nạn”.

Cũng vậy, nhiều bạn đọc tin rằng việc làm tốt sẽ làm thay đổi những cái nhìn tiêu cực, nhen nhóm niềm tin vào những điều tốt đẹp trong mỗi con người, giúp mọi người xích lại gần nhau, dần dần cái xấu sẽ bị tiêu diệt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại