Cựu Ngoại trưởng Philippines bất ngờ kiện Chủ tịch TQ Tập Cận Bình ra Tòa Hình sự quốc tế

Hồng Anh - Tất Đạt |

Hai vị cựu quan chức cấp cao của Philippines đã liệt kê những hậu quả nghiêm trọng mà Trung Quốc gây ra trên Biển Đông và đề nghị Tòa án Hình sự Quốc tế vào cuộc điều tra.

Cựu quan chức Philippines yêu cầu ICC vào cuộc

Báo Inquirer đưa tin, vừa qua hai cựu quan chức cấp cao của Philippines đã có động thái bất ngờ khi đệ trình đơn kiện Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), và yêu cầu ICC truy tố những hành động của các quan chức Trung Quốc trên Biển Đông và trong lãnh thổ Philippines.

Cụ thể, cựu Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario và cựu Tổng Thanh tra Conchita Carpio Morales đã đệ trình đơn kiện kể trên, đại diện cho người dân Philippines nói chung và hàng trăm ngàn ngư dân Philippines đã "bị thương và ngược đãi" vì những hành động xây đảo nhân tạo, chiếm đảo trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông.

Hồ sơ gửi ICC của ông Rosario cáo buộc Trung Quốc "đã có những hoạt động tàn phá nghiêm trọng và gây ra thiệt hại gần như vĩnh viễn đối với môi trường sinh thái..."

Tài liệu này cũng khẳng định "đây là một trong những vụ hủy hoại môi trường quy mô lớn nhất, khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại" "tác động nghiêm trọng tới an ninh lương thực và năng lượng của các quốc gia ven biển tại khu vực Biển Đông, trong đó có Philippines".

Theo hai vị cựu quan chức Philippines, do những hậu quả nghiêm trọng mà Trung Quốc gây ra trên Biển Đông, ICC cần phải vào cuộc điều tra và làm rõ: "Mặc dù cộng đồng đều biết rõ, nhưng những hành động tồi tệ của các quan chức Trung Quốc trên Biển Đông và trong lãnh thổ của Philippines vẫn chưa hề bị truy tố, và chỉ có ICC mới có thể đại diện cho người dân Philippines và cộng đồng quốc tế làm điều đó nhân danh pháp luật".

Cựu Ngoại trưởng Philippines kiện Chủ tịch TQ Tập Cận Bình ra Tòa Hình sự quốc tế vì vấn đề Biển Đông - Ảnh 1.

Ông del Rosario. Ảnh: Inquirer

Những hành động nào của Trung Quốc được nêu trong đơn kiện?

Được biết, đơn kiện của hai vị này đã được trình lên ICC trước khi Philippines tuyên bố rút khỏi Quy chế Rome về Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) bắt đầu từ ngày 17/3 vừa qua.

Tổng thống Rodrigo Duterte đã ra lệnh rút khỏi ICC sau khi cơ quan này mở cuộc điều tra sơ bộ về những hành động bị cáo buộc là "vi phạm nhân quyền" của ông này trong cuộc chiến chống ma túy tại Philippines.

Đơn kiện dài 17 trang của ông Rosario và bà Morales đã mô tả chi tiết những hoạt động bị cáo buộc là phạm pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, kèm theo đó là lời khai của các ngư dân Philippines phải chịu ảnh hưởng bởi những hành động này.

Ngoài ra, hai ông bà còn đưa ra những hình ảnh về các căn cứ của Trung Quốc trên Biển Đông đã được Inquirer đăng tải hồi tháng 2 năm ngoái, và những tài liệu chứng minh hành động ngăn chặn ngư dân của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp, những hoạt động đánh cá tàn phá môi trường và xây dựng các cơ sở quân sự trái phép trên các đảo tranh chấp.

Theo hai vị này, cuộc điều tra sơ bộ của ICC có thể được tiến hành dựa trên thực tế là hầu hết các bằng chứng về hành động vi phạm của Trung Quốc được họ đưa ra trong đơn kiện đều đã được công bố rộng rãi trên truyền thông, trong đó bao gồm phán quyết của tòa trọng tài Liên Hợp Quốc năm 2016 về vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông.

Họ đã dẫn chứng hoạt động lắp đặt radar theo dõi khí hậu của Trung Quốc ở vùng Đá Chữ Thập, việc chiếm đóng đá Xu Bi vào năm 1988, đá Vành Khăn vào năm 1995 và Bãi cạn Scarborough vào năm 2012, cũng như việc Trung Quốc chiếm giữ các đảo và quần đảo khác thuộc chủ quyền của Việt Nam và Malaysia.

Họ cho biết từ năm 2013, Trung Quốc đã bắt đầu đòi hỏi bất hợp pháp trên quy mô rộng với các quần đảo và xây dựng trái phép những căn cứ không quân, hải quân trên quần đảo Trường Sa.

Ngoài ông Tập Cận Bình, hồ sơ gửi ICC của các  cựu quan chức Philippines còn nêu tên Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (với tư cách là người thúc đẩy và ủng hộ của kế hoạch của Trung Quốc ở Biển Đông) và Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Triệu Giám Hoa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại