Ông đã trình bày quan điểm của mình trong một bài bình luận được đăng tải trên trang báo Anh Spectator ngày 16/12.
Ông Kissinger nhận định, mùa đông sẽ tạo nên khoảng nghỉ trong xung đột ở Ukraine, liên hệ điều này với tình hình thế giới vào tháng 8/1916 khi các nước phương Tây tham chiến trong Thế chiến I tìm kiếm sự trung gian hòa giải từ Mỹ để chấm dứt xung đột một cách hòa bình. Ông cho biết, cựu Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson khi đó đứng trước với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tiếp theo, đã bỏ lỡ cơ hội chấm dứt chiến tranh vì những lý do chính trị trong nước.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger. Ảnh: Getty
"Liệu thế giới hiện nay có đứng trước bước ngoặt trong cuộc xung đột ở Ukraine khi mùa đông tạo nên khoảng nghỉ trong chiến dịch quân sự quy mô lớn tại đây? Tôi từng thể hiện sự ủng hộ trước nỗ lực quân sự của phương Tây nhằm chấm dứt sự gây hấn của Nga ở Ukraine. Nhưng thời điểm để xây dựng những thay đổi chiến lược đang đến, điều có thể được hoàn thành và gắn với một cấu trúc mới nhằm đạt được hòa bình qua đàm phán", cựu Ngoại trưởng Mỹ cho hay.
Theo ông Kissinger: "Ukraine đã trở thành một nước lớn ở Trung Âu lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại", chống lại Nga. Ông cũng đề xuất, cộng đồng quốc tế, trong đó có Trung Quốc, cần phản đối Nga đe dọa hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân. Ông Kissinger cho biết ông tin rằng sự trung lập của Ukraine không còn ý nghĩa và "một tiến trình hòa bình nên gắn Ukraine với NATO dù biểu hiện theo cách nào".
Cựu Ngoại trưởng Mỹ cũng cho rằng kết quả cuộc xung đột hiện nay không nên dẫn tới một nước Nga suy yếu. Ông cho rằng: "Nga đã có những đóng góp mang tính quyết định vào trạng thái cân bằng toàn cầu và cân bằng quyền lực trong hơn một nửa thiên niên kỷ qua”.
"Vai trò lịch sử của Nga không nên bị hạ thấp". Nếu Nga, với "khả năng hạt nhân vươn khắp toàn cầu", bị kìm kẹp bởi những vấn đề trong nước thì điều đó sẽ gây ra vấn đề khắp thế giới, ông Kissinger cho hay.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ đã đề cập đến đề xuất mà ông đưa ra hồi tháng 5 về việc thành lập một ranh giới ngừng bắn dọc biên giới do Kiev kiểm soát như ngày 24/2. Ông cho rằng Nga có thể rút khỏi các khu vực mà nước này giành được trong chiến dịch quân sự đặc biệt, song không cần rút khỏi các nước Cộng hòa nhân dân tự xưng ở khu vực Donbass và Crimea.
"Nếu ranh giới phân chia trước chiến tranh giữa Nga và Ukraine không thể đạt được qua chiến đấu hay đàm phán thì có thể dựa vào nguyên tắc tự quyết. Các cuộc trưng cầu ý dân do quốc tế giám sát về việc tự quyết có thể được áp dụng với các vùng lãnh thổ nhất định, vốn đã nhiều lần thay đổi bên kiểm soát trong hàng thế kỷ qua". Ông Kissinger cho rằng: "Mục tiêu của tiến trình hòa bình nên gồm 2 mặt: Đó là xác nhận sự tự do của Ukraine và định nghĩa một cấu trúc quốc tế mới, đặc biệt là cho Trung và Đông Âu. Cuối cùng Nga sẽ tìm thấy một vị trí trong trật tự này".
Theo cựu Ngoại trưởng Mỹ, "lộ trình ngoại giao có lẽ phức tạp và gây nản lòng. Nhưng quá trình này cần hai bên có tầm nhìn và quyết tâm để đi theo lộ trình đó".
"Cuộc kiếm tìm hòa bình và trật tự có 2 yếu tố đôi khi bị coi là mâu thuẫn với nhau: Đó là theo đuổi an ninh và yêu cầu các hành động hòa giải", cựu Ngoại trưởng Mỹ đánh giá./.