Làm việc trái ngành đã không còn là chuyện hiếm trong giới trẻ. Tuy nhiên dám từ bỏ công việc lương nghìn đô để theo đuổi ngành nghề ít ai dám làm, thì lại là chuyện hoàn toàn khác.
Đào Huy Hoàng, cựu sinh viên Ngoại thương khoa Kinh tế - Quốc tế là một trong số đó. Từ bỏ ngành Kinh tế, anh chàng trở thành một trong những người tiên phong cho nghề calligraphy (tạm dịch: Viết chữ đẹp).
Để rồi sau gần 10 năm lăn lộn với nghề, anh chàng tự nhận có tài sản dư dả với thu nhập lên đến 100 triệu/tháng, được hợp tác với hàng loạt nhãn hàng nổi tiếng (Gucci, Hermes), lên 3 tờ báo quốc tế, được mời dạy khắp thế giới...
Chân dung cựu FTU - Đào Huy Hoàng
Sinh viên Ngoại thương rẽ hướng "viết chữ"
Huy Hoàng tự giới thiệu mình là nghệ nhân calligraphy đồng thời là thợ thủ công chế tác bút viết và sơn mài trên bút. Theo Hoàng, calligraphy hiểu nôm na là viết chữ đẹp, hay sâu hơn là bộ môn nghệ thuật kết hợp hài hòa giữa viết và trang trí (vẽ, dát vàng, khảm...) liên quan tới những con chữ.
Theo đuổi nghề Callgraphy là điều vô cùng khó khăn, bởi nghề này ở thời điểm đó chưa hề phổ biến, chỉ được định nghĩa bằng việc vẽ chữ chơi chơi. Lượng tài liệu hạn chế, thầy dạy không có nên Hoàng phải tự mò mẫm và dịch bài viết trên báo nước ngoài. Anh chàng cũng phải làm thêm nhiều nghề bên ngoài như gia sư, dịch sách báo... để có chi phí mua dụng cụ cần thiết.
Chữ viết nghệ thuật do Hoàng viết
Chia sẻ về quyết định vẫn theo học ĐH Ngoại thương đến cùng trong khi xác định sớm đam mê trái ngành, Hoàng tâm sự: "Từ thời sinh viên mình đã ý thức được việc học kinh tế sẽ giúp ích rất nhiều cho công việc sau này. Các kỹ năng liên quan đến tiền bạc, quản lý tài chính hay kinh doanh... chắc chắn là nền tảng vững vàng để mỗi nghề dựa vào.
Vì vậy mình không áp lực nhất định phải học và làm đúng chuyên ngành đã lựa chọn. Chuyên ngành của mình khá 'vĩ mô' và mình chủ động tự học thêm kiến thức ngoài trường, không thể chờ đợi kiến thức tự đến như người ta thường quan niệm".
Số tiền đầu tiên Hoàng kiếm được nhờ viết chữ là vào năm 2 đại học. Hoàng thiết kế và đăng bán thành công trên trang web nước ngoài dành cho dân freelancer, với số tiền thu về chỉ là 3 USD. Tuy rất ít ỏi nhưng với Hoàng, đó lại là động lực để chứng minh cho nam sinh hiểu, nghề của mình vẫn có "đất sống" riêng.
Hợp tác với nhãn hàng nổi tiếng, 3 lần lên tạp chí quốc tế
Viết chữ tưởng là nhàn hạ nhưng thực tế không hề "màu hồng"! Sau 2 năm đầu đại học lăn lội tự tìm hiểu, thì đến năm 3 Hoàng đã được mời ra nước ngoài dạy học. Anh chàng tâm sự thời gian đó chỉ đi 2 tuần ở Singapore và Indonesia nhưng đã gặp stress khi phải tự lo lịch trình, nội dung dạy hay sắp xếp đủ loại công việc khác nhau.
"Thời gian đó mình bắt đầu làm từ 8h sáng đến 3h đêm. Có những nơi mình đứng liên tục 6-8 tiếng/ngày, sau đó tối phải giao lưu với đối tác. Còn chưa kể thời gian di chuyển bằng xe hơi hay trên các phương tiện công cộng".
Nhưng bù lại, Hoàng được tiếp cận với nhiều người cùng ngành với nền văn hóa cởi mở, giúp anh chàng chia sẻ kiến thức mình có.
Dần dần, tay nghề của Hoàng ngày càng nâng cao, anh chàng được nhiều nhãn hàng nổi tiếng như Hermes, Gucci hay YSL mời viết trong sự kiện truyền thông hay giới thiệu sản phẩm. Gần đây nhất, Hoàng nhận hợp tác với Crane - thương hiệu trăm tuổi về in ấn thiệp tại Mỹ. Anh chàng cũng được tạp chí Pen World của Mỹ ngỏ lời phỏng vấn khắc họa chân dung hay xuất hiện trên tờ báo Type...
"Công việc làm với nhãn hàng tầm cỡ thế giới khá thú vị khi mình có cơ hội đến tận nơi, xem và cảm nhận sản phẩm, tương tác với khách hàng để viết chữ cho họ. Các nhãn hàng có thể trả theo giờ hoặc theo số lượng thiệp, tùy theo yêu cầu của họ".
Nghệ thuật không có chỗ cho sự dễ dàng
Điểm đặc biệt mà bất cứ ai tiếp xúc với Hoàng đều có thể tự nhận ra là 9X rất quan tâm đến giá trị riêng và trân trọng nghệ thuật của mình. Những nét chữ của Hoàng đều được thực hiện bằng cây bút do chính 9X sản xuất, với quan niệm: "An artist must have his measuring tools in the hand, but in the eye" (Tạm dịch: Làm bút hay viết đẹp hay không đều thông qua con mắt nhân sinh quan của người nghệ sĩ).
Hồi còn là sinh viên năm 2, anh chàng viết chữ bằng bút mua bên ngoài. Tuy nhiên giá trị cây bút thời đó lên đến 1 triệu đồng, quá sức với sinh viên nên Hoàng đã tự sản xuất bút bằng việc mua máy tiện, mua gỗ ở làng nghề rồi tự lên YouTube mày mò. Dần dần, việc làm bút thậm chí còn trở thành nguồn thu nhập chính của 9X.
Những chiếc bút được thiết kế cầu kỳ từ bên ngoài cho đến từng nét chữ bên trong. Dần dần Hoàng mua thêm máy mài, máy đánh bóng... để chế tác cho tinh xảo hơn. Hoàng bán bút qua webite riêng, sàn thương mại điện tử và mua trực tiếp tại nhà.
Những cây bút do Hoàng sản xuất được ví như đũa phép trong truyện phù thủy
Hoàng tâm sự đã sản xuất được trên dưới 4.000 cây bút, với giá trung bình từ 100-200 USD (khoảng 2,3 - 4,6 triệu)/chiếc. Với những bút được khảm trai, sơn mài... thì có giá lên đến 450 USD (khoảng 10 triệu). Mỗi ngày, Hoàng bán được 1-2 cây bút, tính ra một tháng thu nhập khoảng gần 100 triệu đồng chỉ tính riêng việc bán bút.
"Mình bán khá túc tắc, 1-2 cây/ngày là rất vui rồi. Chỉ khi đến bày tại các hội thảo quốc tế mới có khả năng bán 30 cây/ngày. Thông thường 1 cây bút mất 1-4 ngày làm việc, thậm chí lâu hơn với những dòng bút cầu kì như sơn mài chẳng hạn. Mỗi lần đi nước ngoài mình cần phải chuẩn bị chế tác bút trong 2-3 tháng mới đủ số lượng mang đi".
Việc bán bút đem lại thu nhập khủng, tuy nhiên Hoàng lại khá "kén khách". 9X tâm sự chỉ bán cho những người hiểu về bút, thực sự trân trọng giá trị con chữ, hơn là việc bán bút cho người mới. "Thực tế mình là người rất hay từ chối khách, vì muốn bán cho những người thực sự hiểu được mua bút cần làm gì và làm như thế nào. Đó là khách sẽ lâu bền hơn những người mua nhất thời".
Cho đến thời điểm hiện tại, anh chàng đã dành hơn 10 năm theo đuổi sự nghiệp viết chữ. Dù thu nhập khủng nhưng thay vì mua nhà, mua ô tô thì Hoàng liên tục học hỏi thêm kiến thức, đầu tư trang thiết bị cho công việc.
"Hiện tại nhà mình có khoảng 1000 đầu sách về chữ - lịch sử - nghệ thuật và mình rất thích đọc mỗi khi có thời gian. Hàng năm mình có 3-5 tháng làm việc và học thêm ở nước ngoài, tham gia các hội thảo Calligraphy quốc tế hay làm nghiên cứu, thực tập ngắn hạn. Khi về nước, mình phải làm các bài nghiên cứu cho hội và sáng tác tác phẩm, cũng như dành thêm thời gian học và tiện bút, sơn mài".
Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nguồn thu của Hoàng giảm 30-50%, chỉ tập trung giảng dạy online. Tuy nhiên Hoàng tâm sự vẫn dư dả đủ sống, và thậm chí còn giúp 9X dư thời gian chuẩn bị cho triển lãm 10 năm sự nghiệp.
Hoàng tâm sự ước mong trong tương lai: "Mình hi vọng được đi nhiều nơi hơn, giảng dạy nhiều hơn, tu tập chuyên sâu thêm những ngách nhỏ chữ viết mà mình thích. Trong tương lai biết đâu mình sẽ đăng cai một Calligraphy quốc tế tại Việt Nam".
Ảnh: NVCC