Tâm thư "Chưa vơi nụ cười đã rơi nước mắt" được một phụ huynh gửi đến BGH trường Lương Thế Vinh, đang thu hút rất nhiều sự chú ý của dư luận, trong đó có không ít bạn trẻ từng theo học ngôi trường này.
Ai cũng biết, Lương Thế Vinh là ngôi trường dân lập đầu tiên ở Hà Nội, có chất lượng giáo dục thuộc hàng top với tỷ lệ đỗ ĐH lên đến 100%, học sinh nào cũng có hạnh kiểm tốt, học lực giỏi.
Sau tâm thư vừa rồi, người đọc mới nhìn thấy được cả những điều được cho là góc khuất của trường, đã có từ trước nhưng không ai lên tiếng hoặc cho rằng đó là chuyện dĩ nhiên phải chấp nhận khi vào trường này như: học sinh thường xuyên viết bản kiểm điểm, phụ huynh đi họp không giám hé răng với chủ nhiệm nửa lời vì sợ cô giáo trút giận lên học sinh, thầy cô giao bài tập về nhà quá tải - có môn lên đến 50 bài tập về nhà...
Đoạn chia sẻ của phụ huynh một em học sinh trường Lương Thế Vinh khiến nhiều người xôn xao (Ảnh chụp màn hình)
Phó Hiệu trưởng, Văn Thùy Dương, đã lên tiếng về những vấn đề này, song để rộng đường dư luận và khiến những ai chưa có cơ hội học tại trường Lương Thế Vinh có cái nhìn đa chiều hơn, chúng tôi đã tiếp cận với một số cựu học sinh của trường và lắng nghe ý kiến của họ.
Từng suýt bị đánh hạnh kiểm yếu nếu không chuyển trường
Bạn Q.T (sinh năm 1994) theo học trường Lương Thế Vinh những năm 2006 -2007 và giữa năm 2008 thì ngôi trường này đã nổi tiếng là một môi trường với kỷ luật thép. Cô bạn chuyển khỏi trường vào đầu năm lớp 8 sau khi có một số trải nghiệm tại trường tư hàng đầu này.
"Với những năm mình theo học ở Lương Thế Vinh thì mình hoàn toàn tin rằng những chia sẻ của vị phụ huynh đang gây xôn xao mạng kia là sự thật 100%. Học sinh đi học nơm nớp lo bị cắt ống quần, bị cắt tóc, bị mời phụ huynh hay là cặp nhiều dây là bị cắt.
Những ngày đầu, mình từng làm lớp phó và có năm được bầu trong ban chỉ huy liên chi đội nhưng cuối cùng thì từ một học sinh giỏi, hạnh kiểm tốt mình suýt bị cho hạnh kiểm yếu nếu không tự giác chuyển trường sau hai năm học", Q.T nhớ lại.
Năm đó, lớp của Q.T còn học ở cơ sở Khương Đình, lớp A2 nhưng bị đánh giá là lớp cá biệt, giáo viên chủ nhiệm bị thay, lớp mình bị tách đôi với lớp khác.
Q.T từng bị ép chuyển trường nếu không muốn nhận hạnh kiểm yếu.
Nghe qua thì học sinh trường khác cứ hình dung tập thể lớp này phải tệ đến mức như thế nào mới bị nhà trường dùng biện pháp mạnh như thế. Nhưng theo Q.T, một số lỗi mà học sinh mắc phải chỉ loanh quanh như đi học muộn, không sơ vin, đầu tóc, bài tập không làm hết.
"Đó là những vấn đề nhỏ và không kinh khủng đến mức có thể bị đuổi học. Sau khi mình đi khỏi trường thì cũng khá nhiều bạn chuyển trường. Phải nói thêm một điều là đầu vào của trường là khá khốc liệt, học sinh đều là ngoan, lành và có tư duy tốt.
Sau này mình chuyển sang trường công lập, mình thấy bạn bè mình ở Lương Thế Vinh không thể bị đánh giá là hư được", Q.T nói từ góc độ một học sinh bị ép chuyển trường.
Học sinh ám ảnh cả trong giấc mơ với những giờ kiểm tra hành chính đột xuất (Ảnh minh họa).
Thời của Q.T thầy cô giáo không cho đến 50 bài tập về nhà - không làm xong thì chép phạt nhưng lại có cách kiểm tra hành chính.
Thầy cô giáo mà phát hiện học sinh chỉ cần mang một tờ giấy A4 có vẽ hình chibi trong cặp, mà không sử dụng trong giờ học, thì cũng bị coi là sai trái. Q.T nhớ mãi cảnh tất cả học sinh phải để hết đồ dùng lên bàn, giáo viên đi kiểm tra xem có cái gì ngoài sách vở, thời khoá biểu hôm đó không.
Ai thừa ra cái gì thì bị thu và bắt viết bản kiểm điểm. Cũng có không ít những kỷ luật kỳ lạ như: không được buộc tóc cao quá, tóc không nhuộm nhưng màu nâu tự nhiên cũng không được, phải đi nhuộm đen.
"Đi học căng thẳng lắm, nhất là những lớp rơi vào tầm ngắm, sẽ có những giáo viên hà khắc được xếp vào tồi nhận mọi sự quan tâm đặc biệt từ tất cả các thầy cô như mình là phần tử đặc biệt", Q.T.
Hiện, Q.T đã là một giáo viên. Cô bạn tếu táo nói rằng mình là một giáo viên hiếm hoi từng suýt nhận hạnh kiểm yếu ở trường. Q.T làm ở dự án phát triển năng lực ngôn ngữ cho học sinh và dạy các học sinh cấp 1 và 2.
"Mình sẽ không bao giờ để các học sinh gặp lại cảnh của mình ngày xưa, ám ảnh cả tuổi thơ. Bây giờ mỗi lần có bài về Lương Thế Vinh mọi người tag nhau vào là y như rằng mình thấy bản thân ở trong đấy luôn", cựu học sinh trường Lương Thế Vinh nói.
"Đậu Ngoại thương nhờ học Lương Thế Vinh, nhưng..."
K.L, một cựu học sinh học tại Lương Thế Vinh niên khóa (2012 -2015), nhận thấy hiện nay trên mạng có hai luồng dư luận trái chiều sau khi tâm thư của phụ huynh gửi trường xuất hiện trên mạng.
Một bên là thấu hiểu cho những quy định của nhà trường, một bên là không hài lòng trước những luật lệ nghiêm khắc từ phía thầy cô giáo.
Thời thầy Văn Như Cương, mọi học sinh đều rất vui vẻ và hài lòng khi đến trường, nhưng bây giờ thì...
"Mình đồng ý một nửa với cô là trường nào cũng có kỷ luật nhưng với trường Lương Thế Vinh thì kỷ luật quá khắt khe. Điều đấy làm ảnh hưởng đến tâm lý học sinh rất nhiều. Tất cả đều có cách giải quyết, mình thấy ranh giới bị đuổi học và được ở lại học trong trường rất mong manh.
Làm cái gì cũng động tí là đuổi, khi học sinh có ý kiến cá nhân thì không dám nói vì cũng sợ lại bị đuổi học. Thầy cô không thấu được nỗi lòng của học sinh", K.L bày tỏ quan điểm.
Sau khi tốt nghiệp cấp ba, K.L đậu Đại học Ngoại thương. Vì học căng nên cô bạn buộc phải học chăm nếu không muốn học hoặc thi lại hay mời phụ huynh rồi đuổi học.
Tuy nhiên, cô bạn sinh năm 1994 cũng nhìn vào mặt tích cực: "Mình không thể phủ nhận được chuyện thầy cô Lương Thế Vinh đều dạy rất tốt nên mình đi học thêm rất ít và vẫn đỗ được Ngoại thương".
Cựu học sinh cá biệt lên tiếng bênh vực trường Lương Thế Vinh
Bên cạnh những ý kiến chỉ ra một số mặt tối trong cách giáo dục hà khắc của trường thì cũng có nhiều nhìn nhận của cựu học sinh cho rằng: Trường học là vô vàn sự lựa chọn, mỗi trường đều có một cách giáo dục học sinh riêng, quan trọng là mình phải tự cân bằng và thích nghi trong tập thể đó.
K.T từng học lớp A1 trường Lương Thế Vinh (niên khóa 2006 -2009) nhận mình là học sinh từng bị liệt vào dạng nghịch, chưa có trò gì mà không làm, đã trải qua cảm giác bị mời phụ huynh vì không làm bài tập, vi phạm đồng phục, đi học muộn, nghe nhạc, dùng điện thoại hay nói chuyện trong giờ... nhưng bố mẹ anh chưa hé nửa câu đổ lỗi cho cô giáo lúc bị kiểm điểm.
"Tại sao mình trải qua 3 năm ở đây toàn chuyện vui chẳng thấy có gì buồn hay áp lực hay khổ đau thế nhỉ. Mình có cảm giác bây giờ phụ huynh lẫn học sinh đều có tâm hồn bị mỏng manh hay sao ý.
Nội quy nhà trường nếu đặt ở quan điểm xã hội có thể coi như một bản thoả thuận có sự đồng tình của cả 2 bên, ấy thế mà khi một bên vi phạm, bị khiển trách thì lại kiện bên kia vì dám khiển trách mình, nghe có vô lí không?", K.T đứng về phía trường Lương Thế Vinh và bảy tỏ quan điểm khá khác so với hai ý kiến của cựu học sinh bên trên.
Khi K.T đọc qua chia sẻ của người mẹ có cái nhìn trái chiều về cách dạy và học ở Lương Thế Vinh, cựu học sinh này rất không đồng ý với một số lập luận về trường của người mẹ.
"Tôi cũng là học sinh cá biệt, bị viết bản kiểm điểm nhưng bố mẹ tôi không bao giờ đổ lỗi cho thầy cô giáo cả...", K.T nói (Ảnh minh họa).
Anh cho rằng chẳng luật nào cấm giáo viên không được dạy 2 trường. Anh cũng không nghĩ chuyện cô giáo chủ nhiệm đi họp chưa bao giờ nở nụ cười và luôn phê bình hết bạn nọ đến bạn kia là sai vì "cười không có nghĩa là người ta cũng phải cười khi phê bình con chị vi phạm kỉ luật, và thực sự thì nếu là tôi thì tôi cũng không cười nổi".
"Các giáo viên trường công lập khác cũng có nhiều lúc đến lớp muộn, bận đi họp, bỏ tiết vì nhiều lí do? Và lúc đó phụ huynh không thể mang việc con họ đi học muộn 5 phút bị khiển trách ra so sánh được.
Càng không thể so sánh giáo dục với trại giáo dưỡng, điều đó là xúc phạm nghề giáo", K.T chỉ ra một số điều chưa chuẩn mực của người mẹ có con vừa rời khỏi Lương Thế Vinh.
K.T chia sẻ góc nhìn về chuyện viết bản kiểm điểm và học phí của trường Lương Thế Vinh. Nhìn chung, quan điểm của anh là: Đã chọn vào trường thì phải hiểu trường, đừng để đến lúc cơm không lành canh không ngọt thì lại lên tiếng.
"Hầu hết các giáo viên dạy mình là đến từ trường khác!"
Cùng tiếng nới với K.T, bạn M.T cựu học sinh Lương Thế Vinh (niên khóa 2005-2008) cho biết hầu hết các giáo viên đứng lớp mình khi đó là đến từ các trường khác trải dài từ Trần Phú, Đống Đa, Kim Liên cho đến những thầy cô đã nghỉ hưu.
"Về tiền bạc thì mình không biết, nhưng chắc chắn một điều là các thầy cô đi dạy đều vì là nể thầy Văn Như Cương. Cô giáo dạy văn năm lớp 10 của mình còn bảo tôi giờ giàu lắm, làm giám đốc công ty nhưng mà vì nể thầy Cương mà đi dạy đấy nhé.
Thế là hết lớp 10 mình được 4 phẩy văn, phải chuyển lớp. Lớp 10, mình được chính thầy Cương dạy Toán hình, nhưng hôm thì thầy bận việc trên Bộ, hôm thì thầy bận xem đá bóng. Nên năm lớp 10 chắc phải học gần chục giáo viên dạy Toán hình, kết quả là mình chỉ phân biệt được đoạn thẳng với đường thế nào", M.T kể.
Dẫu thế, M,T vẫn chấp nhận chuyện đó và đúc kết ra rằng: quan trọng là tự học thôi!
Và dĩ nhiên, thầy cô cũng là những người bình thường và họ không giống nhau. Có những thầy cô khiến học sinh sợ vì sự hà khắc nhưng cũng có người khiến học trò thương lắm! Trong mắt M.T thầy Toại là một người thầy như thế. Thầy đã giúp cậu thay đổi hoàn toàn về cách học cũng như cảm nhận về Văn học.
Trong vấn đề phụ huynh viết tâm thư lên trường và đem lên Facebook để trình bày sau khi đã chuyển trường, M.T thấy không đồng tình ở chỗ: "Phụ huynh phàn nàn về kỷ luật trong trường nhưng không dám lên tiếng trong cuộc họp phụ huynh vì sợ ảnh hưởng đến con. Vậy phụ huynh còn không dám lên tiếng thì làm sao học sinh nó dám lên tiếng, phải như bố mẹ mình này.
Đi học cấp 2, học sinh vớ vẩn là nằm lên bàn, thầy cô cầm cây đánh. Bố mẹ mình còn ủng hộ bảo đánh nhiều lên. Thế xong kiến nghị đổi giáo viên chủ nhiệm, quá bằng đổ thêm dầu vào lửa.
Quay lại chuyện trên, phụ huynh còn không dám nói thì con cái dám nói cái gì? Không học được lớp này thì chuyển lớp khác, việc gì phải sợ.
Mình đây cũng vì 4 phẩy văn mà chuyển lớp, tưởng thất học đến nơi nhưng nói chung vẫn đỗ đại học nhé!". M.T mong muốn các phụ huynh đừng quá "nhạy cảm" thay vào đó hãy "dũng cảm".