"Cứu" Hồ Tây: Không thể dùng chế phẩm để xử lý tận gốc vấn đề

N. Huyền |

“Khi mà trong hồ có nhiều loài tảo, gặp thời tiết thay đổi như những ngày gần đây là những điều kiện đủ và cần để các loại tảo nở hoa. Nó xuất hiện rất nhanh và hút hết oxy, làm cho cá chết tức thời”.

Đây là quan điểm của PGS. TS Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường VN, Chủ tịch CLB Hồ Hà Nội xung quanh sự việc cá chết hàng loạt ở Hồ Tây những ngày gần đây.

Cá đột tử do “bội thực” chất thải vô cơ

Trao đổi với phóng viên Infonet, PGS. TS Trương Mạnh Tiến cho biết ông vừa bất ngờ lại vừa không bất ngờ vì việc này là thực tế hết sức đau xót cho HN.

Việc tìm ra nguyên nhân của hiện tượng này nếu có kết luận một cách chính thức dựa trên những bằng chứng khoa học thì theo tôi chúng ta phải chờ.

Hiên các cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học đang lấy mẫu từ tầng mặt cho đến tầng đáy để phân tích, kể cả việc lấy các mẫu cá khác nhau” – PGS. TS Mạnh Tiến nhấn mạnh.

Tuy nhiên, dưới con mắt của một người cả đời gắn với ngành môi trường, PGS. TS Mạnh Tiến giải thích vì sao ông nói không ngạc nhiên? Bởi thực tế lâu nay không chỉ riêng Hồ Tây mà nhiều hồ ao của HN đã bị ô nhiễm hữu cơ một cách trầm trọng.

Có đến 95- 96% hồ Hà Nội ô nhiễm hữu cơ dưới các mức độ khác nhau, bây giờ xảy ra ở Hồ Tây.

Tình trạng này, theo cách nói của PGS Mạnh Tiến là “không còn ở mức báo động đâu mà có những hồ ô nhiễm ở mức trầm trọng (báo động đỏ) như hồ Linh Quang không còn là hồ nữa, nước đặc sệt”.

Do đó, PGS Mạnh Tiến cho rằng, đây là hiện tượng ô nhiễm chất hữu cơ do các chất thải gây nên hiện tượng ô nhiễm quá mức chất hữu cơ hay người ta goi là hiện tượng phú dưỡng (từ đó sinh ra các loại tảo nhiều ở các hồ) và giống như ở ngoài biển nó có hiện tượng thủy triều đỏ (tảo nở hoa) thì các thủy vựng nước ngọt cũng tương tự như vậy.

“Khi mà trong hồ có nhiều loài tảo, gặp thời tiết thay đổi như những ngày gần đây (nắng, ánh sáng, nhiệt độ) là những điều kiện đủ và cần để các loại tảo ở đó nở hoa) thì nó xuất hiện rất nhanh và hút hết oxy.

Có thể nói trong 1 mi- cơ- rô- gam nước hồ khi tảo nở hoa thì nó có hàng triệu tế bào phát triển, hút ô xy rất nhanh, làm cho cá chết tức thời, vì chẳng còn gì để thở. Bắt đầu từ tầng trên mặt và dần dần xuống tầng đáy ” – PGS Mạnh Tiến nói.

Cả cộng đồng chung tay “giải cứu” hồ

PGS Mạnh Tiến cũng ái ngại cho biết thêm, Hà Nội đang cố gắng hết sức để khắc phục hậu quả và người chịu trách nhiệm cao nhất là Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã vào cuộc, trực tiếp ra hiện trường chỉ đạo xử lý.

Trong các biện pháp giải cứu Hồ Tây, UBND TP Hà Nội cũng đã dùng chế phẩm được nhập khẩu từ Đức mà trước đó đã dùng thử nghiệm ở hai hồ khác trên địa bàn thành phố.

PGS Mạnh Tiến cho rằng đây là việc làm hết sức cần thiết. Bởi chế phẩm này bù đắp, cung cấp ngay o xy trở lại để làm sao những cá còn sống không bị chết tiếp.

Nhưng với diện tích lên tới gần 500ha mặt nước, tôi e rằng mình không thể nào dùng chế phẩm để xử lý tận gốc vấn đề. Thay vào đó, Hà Nội cần những giải pháp hết sức tổng thể.

Trước hết về mặt quản lý nhà nước, chính quyền thành phố, các quận huyện và đặc biệt là Quận Tây Hồ (nơi có Hồ Tây đang xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt) phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ, quản lý và sử dụng.

Lâu nay chúng ta vẫn nghĩ làm như thế là được rồi, nhưng không phải” – PGS Mạnh Tiến bày tỏ.

Theo PGS Mạnh Tiến để làm được việc này cần phải có sự phân công rạch ròi cho các đơn vị quản lý hồ để đảm bảo việc các hồ “có chủ” chịu trách nhiệm ở đó chứ không như cách người ta nói đùa “cha chung không ai khóc”.

“Giải pháp tiếp theo là phải có cơ chế xử phạt những vi phạm.

Đồng thời dùng các biện pháp khoa học công nghệ, có những chế phẩm như Hà Nội đang thử nghiệm để khắc phục tình trạng này. Kể cả việc nạo vét, xử lý bùn đáy chứ không đơn thuần xử lý nước” – PGS Mạnh Tiến nhấn mạnh.

Đặc biệt nữa, PGS Mạnh Tiến cũng lưu ý, cần có sự vào cuộc của cả cộng đồng gồm cộng đồng doanh nghiệp.

Có thể một doanh nghiệp nhận giải quyết một hồ, hoặc một vài doanh nghiệp chung tay “giải cứu” một hồ. Cộng đồng ở đây cũng gồm cả những người dân sống xung quanh hồ.

“Các hộ gia đình, các hộ sản xuất nhỏ lẻ đừng xả thải ra ao hồ nữa. Thời gian vừa qua nước Hồ Tây có lúc chuyển màu đục như nước phù sa. Mùi cực kỳ thối, bà con ở xung quanh đó phản ánh thối vô cùng.

Không khí ở đó bị ảnh hưởng, chính bà con ở xung quanh đấy chịu ảnh hưởng đầu tiên. Do đó, không ai khác, họ chính là người nên có ý thức bảo vệ môi trường ao hồ đầu tiên” – PGS Mạnh Tiến kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại