Cựu giám đốc nhân sự Google chia sẻ 5 sai lầm trong hồ sơ xin việc khiến các ứng viên đủ tiêu chuẩn cũng phải trả giá

Bảo Nam |

Ông là người đã có kinh nghiệm gửi đi hàng trăm hồ sơ xin việc và cũng là người đã xem xét và phê chuẩn cho hơn 20.000 hồ sơ xin việc trong suốt thời gian làm việc của mình.

Laszlo Bock, cựu phó chủ tịch cấp cao về hoạt động nhân sự của Google, là người rất quen thuộc với các quy trình tìm kiếm việc làm. Ông cũng từng gửi đi hàng trăm hồ sơ xin việc trong suốt sự nghiệp của mình.

Bock cũng đã tự mình xem xét hơn 20.000 hồ sơ trong vòng 15 năm làm việc tại Google. Mặc dù ông nói rằng đã nhìn thấy một số lỗi nghiêm trọng trong hồ sơ xin việc, nhưng điều khiến Bock tiếc nuối nhất là việc luôn nhận thấy những sai lầm tương tự xuất hiện ở nhiều người. Và đó là điều thường khiến các ứng viên giỏi mất cơ hội có được một vị trí tuyệt vời.

"Nếu không cẩn thận, bạn sẽ tự hủy hoại thành công của mình bằng cách trình bày thành tích trong một bản sơ yếu lý lịch sơ sài", Bock nói.

Và dưới đây là 5 sai lầm thực sự lớn mà ông mong muốn mọi người phải tránh khi nộp hồ sơ xin việc.

1. Định dạng lộn xộn

Cựu giám đốc nhân sự Google chia sẻ 5 sai lầm trong hồ sơ xin việc khiến các ứng viên đủ tiêu chuẩn cũng phải trả giá - Ảnh 1.

Những chi tiết nhỏ có thể tạo nên sự khác biệt.

Một sơ yếu lý lịch lộn xộn và khó đọc là một sơ yếu lý lịch sẽ không đưa bạn đi đến đâu. Hãy giữ cho nó có một định dạng sạch sẽ và có tổ chức, sử dụng mực đen trên giấy trắng với lề căn 0,5 inch. Căn chỉnh các cột và có khoảng cách phù hợp. Đảm bảo tên và thông tin liên hệ của bạn có trên mọi trang, không chỉ ở trang đầu tiên. Nếu gửi sơ yếu lý lịch của bạn qua email hoặc văn bản, hãy lưu nó dưới dạng PDF để bảo toàn định dạng - và cơ hội bảo toàn cả công việc của bạn.

2. Hé lộ các thông tin bí mật kèm theo

Cựu giám đốc nhân sự Google chia sẻ 5 sai lầm trong hồ sơ xin việc khiến các ứng viên đủ tiêu chuẩn cũng phải trả giá - Ảnh 2.

Hãy cân bằng nhu cầu của nhà tuyển dụng và nhu cầu của chính bạn.

Hãy chú ý đến các chính sách và tránh tạo ra xung đột giữa nhu cầu của nhà tuyển dụng và nhu cầu của chính bạn, với tư cách là một ứng viên. Ví dụ, nếu bạn đến từ một công ty tư vấn, có khả năng bạn sẽ không được phép chia sẻ tên khách hàng. Vì vậy cũng đừng làm điều tương tự trong sơ yếu lý lịch của mình. Ngoài ra, mặc dù bạn không đề cập đến tên của khách hàng, bạn cũng nên tránh tối đa việc cung cấp một gợi ý mạnh về tổ chức mà bạn đang đề cập đến.

"Trên sơ yếu lý lịch, ứng viên viết: 'Được tư vấn cho một công ty phần mềm lớn ở Redmond, Washington.' Họ sẽ bị từ chối ngay! Mặc dù ứng viên này không đề cập cụ thể đến Microsoft, nhưng bất kỳ người đánh giá nào cũng biết đó là ý của anh ta", Bock nói.

3. Lỗi chính tả

Cựu giám đốc nhân sự Google chia sẻ 5 sai lầm trong hồ sơ xin việc khiến các ứng viên đủ tiêu chuẩn cũng phải trả giá - Ảnh 3.

Hơn một nửa số hồ sơ xin việc có lỗi chính tả.

Đọc lại sơ yếu lý lịch của bạn nhiều lần. Nhờ bạn bè hoặc đồng nghiệp của bạn đọc lại hồ sơ của bạn. Theo khảo sát của CareerBuilder, 58% hồ sơ xin việc có lỗi chính tả.

Hãy cảnh giác với các lỗi ngữ pháp, căn chỉnh không chính xác... Nếu không, người quản lý tuyển dụng sẽ nghĩ rằng bạn không chú ý đến các chi tiết. Bock đề xuất mẹo này như một biện pháp chuyên nghiệp: "Hãy đọc sơ yếu lý lịch của bạn từ dưới lên trên. Đảo ngược thứ tự thông thường giúp bạn tập trung vào từng dòng riêng biệt."

4. Quá dài

Cựu giám đốc nhân sự Google chia sẻ 5 sai lầm trong hồ sơ xin việc khiến các ứng viên đủ tiêu chuẩn cũng phải trả giá - Ảnh 4.

Bock giải thích: "Một nguyên tắc chung là cứ 10 năm kinh nghiệm làm việc thì tương ứng với một trang sơ yếu lý lịch."

Hãy nhớ rằng, lý do bạn trình bày sơ yếu lý lịch là để được phỏng vấn chứ không phải để được tuyển dụng ngay tại chỗ (mặc dù đó sẽ là một điểm cộng lớn).

"Một khi bạn đã ở trong phòng, sơ yếu lý lịch không còn quan trọng nữa. Vì vậy, hãy cắt bớt sơ yếu lý lịch của bạn", ông nói. Hãy tạo một sơ yếu lý lịch ngắn gọn và tập trung, ưu tiên những thông tin quan trọng nhất.

5. Nói dối

Cựu giám đốc nhân sự Google chia sẻ 5 sai lầm trong hồ sơ xin việc khiến các ứng viên đủ tiêu chuẩn cũng phải trả giá - Ảnh 5.

Điều này có vẻ đơn giản, nhưng nó phổ biến hơn bạn nghĩ.

Có rất nhiều thứ bạn có thể nói dối trong sơ yếu lý lịch, và Bock đã nhìn thấy tất cả. Từ kinh nghiệm làm việc, bằng đại học, điểm trung bình, kết quả bán hàng... Một khi bạn nói dối trong quá trình tuyển dụng, nếu nó bị phát hiện, bạn sẽ phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng. Bởi trên hết, nói dối là phi đạo đức. Và ai muốn một nhân viên không có đạo đức trong công ty?

"Đưa một lời nói dối vào hồ sơ xin việc của bạn chưa bao giờ là điều đáng giá cả", Bock nói. "Tất cả mọi người, bao gồm cả các CEO, đều bị sa thải vì điều này."

Trong quá khứ, một giám đốc điều hành của Google đã bị sa thải vì nói dối trong lý lịch.

Tham khảo BI

*Đọc bài cùng tác giả Bảo Nam tại đây


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại