"Tôi thường được hỏi rằng tôi nghĩ mối đe dọa an ninh bên ngoài lớn nhất là ở đâu và tôi luôn hướng về Nga", McRaven, cựu chỉ huy lực lượng đặc nhiệm SEAL của Hải quân Mỹ, nói. "Nhiều người nghĩ về Trung Quốc, nhưng Nga xuất hiện đầu tiên trong đầu tôi”.
Trong khi thừa nhận rằng Nga không phải là siêu cường như trước đây, ông nhấn mạnh rằng "Putin đã trên cơ chúng ta".
"Ông ta đã thể hiện tuyệt vời hơn bất kỳ ai trên sân khấu thế giới", cựu đô đốc McRaven nói về Tổng thống Nga. Chỉ ra những hành động của Nga ở Crimea, Ukraine, Syria, và thậm chí ở Mỹ có hại cho lợi ích của Mỹ, ông nói: "Putin là một người rất nguy hiểm".
Ông McRaven
Trung Quốc thường được coi là mối đe dọa đang đến gần đối với Mỹ, và trong chính quyền Donald Trump, người ta nhấn mạnh rất nhiều vào việc chống lại Trung Quốc mà ít chú ý đến Nga hơn.
Tuy nhiên, Nga là một đối thủ quyền lực lớn, được liệt kê là mối đe dọa hàng đầu bên cạnh Trung Quốc trong Chiến lược Quốc phòng năm 2018.
McRaven nói: “Chúng ta cần phải tìm ra những lĩnh vực mà chúng ta có thể hợp tác với người Nga, nhưng đừng nhầm lẫn, tôi nghĩ chúng ta cần phải có quan điểm cứng rắn đối với Nga ... Chúng ta cần cho Putin biết rằng có những ranh giới không nên vượt qua”.
McRaven ca ngợi cuộc điện đàm đầu tiên của Tổng thống Joe Biden với Tổng thống Putin. Theo thông tin từ Nhà Trắng, ông Biden "nói rõ rằng Mỹ sẽ hành động kiên quyết để bảo vệ lợi ích quốc gia trước những hành động của Nga gây tổn hại cho chúng ta hoặc đồng minh của chúng ta”.
Ông Biden được cho là đã thảo luận về những lo ngại trong kiểm soát vũ khí, khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với Ukraine và chất vấn ông Putin về cuộc tấn công quy mô lớn liên quan đến hệ thống mạng SolarWinds ảnh hưởng đến một số cơ quan và văn phòng chính phủ liên bang Mỹ, cái mà phía Mỹ gọi là “can thiệp bầu cử” và “vụ đầu độc” lãnh đạo phe đối lập Alexei Navalny.
"Tôi rất vui khi thấy tổng thống (Biden) trong cuộc điện đàm đầu tiên với Tổng thống Putin đề cập vấn đề Alexei Navalny", McRaven nói. "Tôi không nghĩ Tổng thống Trump sẽ làm điều đó."
Trên cương vị tổng thống, ông Donald Trump đã không lên án Nga về vụ Navalny.
Bình luận về cuộc thảo luận của ông với Putin, ông Biden cho biết ông "nói rõ với Tổng thống Putin, theo một cách rất khác với người tiền nhiệm của tôi, rằng những ngày Mỹ làm ngơ trước những hành động gây hấn của Nga - can thiệp vào cuộc bầu cử của chúng ta, các cuộc tấn công mạng, đầu độc công dân- đã kết thúc".
Cựu đô đốc McRaven nói Mỹ cần không chỉ làm rõ quan điểm của mình với Nga mà còn xây dựng lại và thúc đẩy các liên minh "để đảm bảo rằng Nga hiểu họ cần phải chơi như thế nào."
Chính quyền Biden đã ưu tiên xây dựng lại các liên minh, tái thiết lập các vấn đề quốc tế và lãnh đạo với sự tự tin và khiêm tốn. Cách tiếp cận chính sách đối ngoại của tổng thống mới hoàn toàn trái ngược với chính sách "Nước Mỹ trên hết" của ông Trump.
Trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông Trump đã bị các thành viên đảng Dân chủ và một số thành viên đảng Cộng hòa chỉ trích vì đã rời xa các đồng minh và đối tác trong khi đôi khi tỏ ra thân thiết với đối thủ.
Đặc biệt, các nhà phê bình bày tỏ lo ngại khi ông Trump đưa ra một giọng điệu hòa giải đối với Nga và cá nhân ông Putin, bất chấp cảnh báo từ khắp cộng đồng tình báo và các bộ phận khác của chính quyền Mỹ rằng Nga đã tham gia vào các hoạt động gây tổn hại cho lợi ích của Mỹ.
McRaven, người đã bỏ phiếu cho ông Biden mặc dù tự coi mình là một người bảo thủ, là một người chỉ trích công khai các chính sách của ông Trump.