Trong làng bóng đá Việt, có lẽ Vũ Mạnh Hải là nhân vật đặc biệt bậc nhất. Có tìm mỏi mắt cũng chẳng kiếm được ai trải qua đủ các nghề nghiệp liên quan đến bóng đá như cựu danh thủ của Thể Công này.
Ông xuất thân là một cầu thủ, giải nghệ chuyển sang làm HLV rồi bất ngờ dấn thân vào con đường báo chí với tư cách một phóng viên; làm cán bộ Tổng cục TDTT, được biệt phái sang Liên đoàn bóng đá Việt Nam và sau đó trở thành Tổng biên tập, sáng lập ra tờ Báo Bóng đá.
Ông Hải tâm sự, câu chuyện cuộc đời mình gắn liền với bóng đá kể từ khi bước chân vào Thể Công ở tuổi 15 và rồi trái bóng cứ thế lăn theo những ngã rẽ chẳng ai ngờ tới trong suốt những năm tháng tiếp theo của đời người.
Không biết làm gì, thôi thì…đi làm báo
Sau khi đội Quân khu Thủ đô bị giải thể, tôi không thể trở về lại Thể Công và phải đứng trước lựa chọn giữa việc đi xuất khẩu lao động sang CHDC Đức hoặc về hưu ở tuổi 38.
Ngày ấy vợ tôi ốm liên tục, hai cậu con trai lại còn bé, tôi chỉ sợ con mình không được kèm cặp cẩn thận sẽ sinh hư nên cũng quyết định không đi xuất khẩu lao động. Nghĩ bụng thôi thì về hưu vậy, rồi xem có đội bóng nào gần gần muốn mình về huấn luyện sẽ lại tiếp tục làm nghề.
Thế rồi tôi nhận được lời mời từ Giám đốc Sở của tỉnh Sông Bé bảo về dẫn đội. Người ta còn bảo tôi cứ cho cả gia đình vào đó, vợ tôi đang làm công an thì cũng xin cho chuyển công tác về cùng luôn. Nhưng thực tình lúc đó cũng chưa biết cuộc sống ở miền Nam thế nào cả nên tôi ngại và không đi.
Tôi cứ lang thang ở nhà, cũng chưa làm thủ tục gì cả. Một hôm, tôi gặp người hàng xóm ở khu tập thể quân đội vốn rất mê Thể Công và câu chuyện với ông ấy đã tạo ra bước ngoặt lớn cho cuộc đời tôi.
Ông Vũ Mạnh Hải (áo xanh, thứ hai từ trên xuống) cùng các thành viên báo Thể thao Việt Nam.
Sau khi biết hoàn cảnh dở khóc dở cười của tôi khi 38 tuổi đã chuẩn bị về hưu, tôi được gợi ý bảo ra gặp anh Nguyễn Thế Hào - Tổng Biên tập báo Thể thao Việt Nam để xin thử việc làm phóng viên xem sao. Nguyên nhân cũng bởi tờ Thể thao Việt Nam khi đó có một số cây bút chuyên ngành nhưng bóng đá lại "chưa có ai viết được sâu, đọc không sướng."
Lúc đầu tôi cũng băn khoăn, nhưng sau được động viên bảo "mày trình độ đại học, lại là cầu thủ rồi HLV, biết đấu pháp, phân tích chiến thuật các thứ, có gì mà không viết được".
Nghe động viên thế, dù không tự tin lắm nhưng vì cũng chẳng còn con đường nào khác nên sáng hôm sau, tôi đánh liều ra Tòa soạn của báo ở Trịnh Hoài Đức, ngay cạnh sân Hàng Đẫy xin gặp Tổng biên tập.
Sau khi tôi trình bày xong, anh Hào hoan nghênh lắm vì tòa soạn đang rất cần người, nhưng đồng thời cũng bảo phải thử việc xem sao đã. Tôi tất nhiên hiểu chuyện đó bởi nếu tôi không làm được việc thì cũng khổ cả mình lẫn người ta.
Đúng lúc ấy có giải bóng đá Giải phóng Thủ đô chuẩn bị khởi tranh, tôi được giao viết một bài bình luận kiêm tường thuật. Chiều chủ nhật, tôi ngồi trên ô cửa sổ từ Tòa soạn ở đường Trịnh Hoài Đức nhìn xuống sân xem trận khai mạc giữa Công An Hà Nội gặp Đường Sắt và viết bài báo đầu tiên của cuộc đời mình.
Tôi vừa xem vừa ghi chép, xong trận thì viết. Tất nhiên đây là bài báo không được đăng vì tôi còn nhớ, mình chỉ viết được chừng 2 trang giấy cả tường thuật xen lẫn bình luận mà mất cả đêm vì sửa đi sửa lại nát hết cả mấy tờ giấy mới xong, trong khi đó tối hôm ấy bài bình luận về trận đấu chiều đã lên trang rồi.
Sáng hôm sau, tôi hồi hộp mang sản phẩm đầu tay tới Tòa soạn. Tôi đã thấy các anh Trần Can, Nguyễn Hùng (Phó TBT), Trưởng ban Thư kí tòa soạn Lê Ngọc Phúc đợi và uống nước trò chuyện với tôi.
Các anh nhận bài xem, rồi ai cũng cười. Anh Hào bảo: "Chữ đẹp và rõ, câu cú gọn gàng và có chất bóng đá đấy nhỉ. Mình sẽ cùng anh em trong Ban Biên tập hội ý thêm, có gì sẽ điện thoại cho Hải nhé". Tôi rời khỏi Tòa soạn với sự lo lắng nhưng Tổng biên tập vẫn động viên, bảo cứ yên tâm về, đừng lo.
Thế rồi chỉ mấy ngày sau, tôi nhận được tin từ Tòa soạn báo tin tôi được nhận. Mọi người đánh giá rất cao bài viết của tôi, với những góc nhìn đánh giá rất hay mà trước đó chưa hề có. Đó là điều tất cả thích thú nhất và quyết định đặt niềm tin vào tôi.
Và chỉ sau đó một tuần, mọi thủ tục giấy tờ điều chuyển tôi từ Quân Khu Thủ Đô đã về tới Tổng Cục TDTT.
Khi đó tôi ra quân với quân hàm Đại úy, nhưng theo đề nghị của Tổng Cục TDTT nếu thế lương tôi còn cao hơn cả Tổng biên tập. Vì vậy quân hàm vẫn giữ nguyên nhưng lương của tôi thì hạ xuống một cấp về mức của Thượng úy. Tôi cũng vui vẻ đồng ý thôi. Cái duyên đến với mình như thế và tôi đã chính thức được gia nhập đội ngũ các nhà báo thể thao Việt Nam từ mùa xuân năm 1988.
Nhà báo Vũ Mạnh Hải tác nghiệp tại một kì Tiger Cup.
"Đứa con" ra đời trong nghèo khó - nguồn cơn của món nợ tiền tỷ
Làm ở tờ Thể thao Việt Nam đến năm 1997 thì ở Đại hội của Liên đoàn bóng đá Việt Nam tôi được đề cử vào Ban chấp hành.
Tôi tham gia vào Ban Tuyên truyền của Liên đoàn cùng với anh Hồ Nguyễn (báo Sài Gòn Giải Phóng), anh Vũ Huy Hùng (Ban thể thao Đài Truyền hình Việt Nam) và được cử làm Trưởng Ban. Tôi làm hai việc một lúc, lúc nào có việc thì chạy sang Liên đoàn, còn không vẫn ở báo Thể thao Việt Nam.
Anh Huy Hùng bận nhiều việc nên mọi thứ chủ yếu tôi và anh Hồ Nguyễn trao đổi với nhau, dù người Hà Nội, người Sài Gòn. Hồi ấy Liên đoàn nghèo lắm, mỗi lần họp báo lên xin kinh phí, Chủ tịch Mai Văn Muôn dù vẫn duyệt chi nhưng lúc nào cũng nhăn nhó.
Ngẫm nghĩ một thời gian, anh Hồ Nguyễn mới bảo hay mình tự làm với nhau, sản xuất một cái dạng Bản tin Bóng đá, có vài trang thôi nhưng bán lấy kinh phí trang trải, chứ không "cứ đi xin tiền thế này mệt lắm."
Ông Vũ Mạnh Hải (phải) và người đồng nghiệp Hồ Nguyễn (trái).
Thế rồi chúng tôi cùng nhau lo các khâu, làm ra được một bản tin có 4 trang, vừa tin trong nước vừa quốc tế, một tuần làm hai số. Bản tin ra đời nhận được sự ủng hộ tốt, duy chỉ có một điều kinh phí ban biên tập phải tự túc. Liên Đoàn khi phê duyệt cho làm bảo rằng lời lãi như thế nào thì chúng tôi phải báo cáo, nhưng đồng thời không chịu trách nhiệm về chuyện lỗ lãi.
Nghe thế chúng tôi cũng băn khoăn, nhưng rồi ông Hồ Nguyễn tặc lưỡi bảo thôi cứ làm, thua lỗ thì "tôi một Honda, ông một Honda bán đi trả nợ là cùng chứ gì". Nhưng cũng phải nói hai anh em có niềm tin rất lớn vào thành công, bởi mình có những nguồn tin gốc từ chính trong Liên đoàn ra mà.
Vậy là tờ Bản tin Bóng đá bắt đầu xuất bản từ năm 1998, chỉ có mấy nghìn bản mỗi lần in thôi nhưng cũng đủ nuôi được 5, 6 người trong ban biên tập.
Sự cố "nhớ đời" tại SEA Games 1997
Trong sự nghiệp làm báo, có một câu chuyện rất đau, mà đến giờ tôi vẫn ấm ức.
Năm 1997, tôi đi Indonesia công tác tại SEA Games 19. Tuyển bóng đá nam do HLV Colin Murphy dẫn dắt chơi thực sự rất tệ. Chưa bao giờ tôi nhìn thấy hình ảnh các CĐV Việt Nam sang cổ vũ lại chỉ trích đội tuyển nhiều đến như vậy. Trước ngày diễn ra các trận đấu cuối cùng của vòng bảng, tuyển Việt Nam sắp xếp hết vali để về rồi, bởi Malaysia chỉ phải gặp Lào và nếu thắng họ sẽ vào bán kết cùng chủ nhà Indonesia.
Nhưng rồi Malaysia lại chơi tệ đến khó tin, bị thua 0-1 bởi bàn thắng duy nhất của Keolakhone. Tôi khi đó mới viết một bài phê phán đội tuyển với tiêu đề "Vận may nhờ tay kẻ khác: Con bò chui qua lỗ kim". Đơn giản bởi bản thân mình cũng từng là cầu thủ, xem đội tuyển đá ở giải đó thực sự tức lắm, tinh thần quá bạc nhược.
Viết xong bài, in xong ảnh, tôi ra sân bay để gửi về Việt Nam. Thư kí, Tổng biên tập giữ nguyên nội dung, cho đăng toàn bộ bài viết của tôi và hôm sau thì cả toà soạn loạn hết cả lên. Các ban ngành cấp trên gọi xuống, đề nghị kiểm điểm, thu hồi hết số báo đó về. Tôi ở bên này được báo tin thấy buồn lắm. Mình làm nhà báo, lại là cựu cầu thủ, cũng chỉ viết những vấn đề trung thực đã xảy ra mà thôi. Thực tình rất lo lắng.
Ông Vũ Mạnh Hải (áo trắng, hàng trên, thứ hai từ phải sang) trên khán đài SVĐ Senayan, Indonesia tại SEA Games 1997.
Khi về đến Nội Bài, tôi được bảo về nghỉ, hôm sau lên tòa soạn họp ngay. Đến buổi họp, Tổng biên tập đưa hết các ban ngành đại diện lên để bàn chuyện kiểm điểm tôi. Họ bảo trách nhiệm chính thuộc về tôi, tòa soạn tất nhiên cũng có trách nhiệm nhưng sẽ kiểm điểm sau. Sau cùng người ta quyết định kỷ luật tôi bị treo bút, cảnh cáo ghi lý lịch, báo cáo về Tổng cục.
Nhưng cũng may là trong đêm từ sân bay về, tôi có nói chuyện với một đồng nghiệp về việc mình sắp bị kỉ luật. Anh ấy chỉ hỏi lại tôi rằng có chắc mình viết đúng sự thật không? Tôi khẳng định rằng mình viết đúng. Khi đó người đồng nghiệp mới động viên tôi: "Điều quan trọng với người viết là nói đúng sự thật, còn việc đăng bài lên hay không còn có trách nhiệm ở cả Tổng biên tập". Câu nói ấy như cởi bỏ nút thắt cho tôi.
Bởi vậy sau khi họ lập biên bản kỷ luật, tôi nhất quyết không ký. Tôi bảo nếu như thế thì phải kỷ luật Tổng biên tập trước, rồi đến Thư ký toà soạn và Trưởng ban nội dung. Tôi chứng kiến sự việc, tôi viết đúng như thế, còn đăng hay không là do lãnh đạo. Các anh hoàn toàn có quyền hủy bài của tôi. Nếu đồng ý thì tôi ký. Thấy thế họ chẳng biết nói gì, tôi cũng bỏ về không họp nữa.
Hôm sau tôi chủ động lên gặp Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục Thể thao Hà Quang Dự để trình bày sự việc. Ông Dự đồng tình với tôi và động viên yên tâm về tiếp tục công tác, không treo bút hay gì cả. Tôi về nhà, không lên cơ quan khoảng 1 tuần thì họ gọi, bảo tôi không bị kỉ luật nữa. Tôi tiếp tục đi làm, nhưng ông Hà Quang Dự cũng bảo với tôi tốt nhất nên chuyển về Tổng cục làm việc, phụ trách tham mưu môn bóng đá, tránh xung đột ở tòa soạn.
Thế là tôi chia tay tờ báo, về Tổng cục TDTT làm việc, đồng thời tiếp tục đảm nhận công tác ở Phòng tuyên truyền ở Liên đoàn. Nhưng sau cũng do nhiều công việc quá nên tôi chuyển sang làm toàn thời gian cho Liên đoàn theo dạng cán bộ biệt phái từ năm 1998. Và đây cũng chính là nguồn cơn dẫn đến những chuyện trắc trở sau này.
"Chết đi sống lại" vì…trót khai sinh Báo Bóng đá
Đến năm 2000, Bản tin Bóng đá dần lớn mạnh. Từ con số 4 ban đầu, số trang dần tăng lên 8 rồi 12. Anh Hồ Nguyễn mới bàn với tôi việc xin phép thành lập hẳn một tờ báo, mang tên Báo Bóng đá. Dù nhận được sự ủng hộ từ các bên nhưng Cục trưởng Cục Báo chí, ông Đỗ Quý Doãn khi đó cũng cảnh báo trước với chúng tôi những khó khăn phải đối mặt. Và quả đúng như vậy, mọi chuyện không hề đơn giản một chút nào.
Bản tin trước đây chỉ 2 số/tuần nhưng báo thì phải ra hàng ngày, lượng bạn đọc lại không nhiều. Trải qua 3 năm, đến năm 2002 con số thua lỗ đã lên đến tiền tỷ. Lúc ấy chúng tôi đã tính rằng bây giờ phải kiếm được tài trợ, còn không có lẽ phải giải tán. Thực ra trong quá trình trước đó cũng có nhiều người đến xin được tài trợ, tuy nhiên họ lại đòi hỏi quá nhiều, can thiệp sâu vào nội dung nên chúng tôi không thể đồng ý.
Lúc đó thực sự rất áp lực. Nhưng chúng tôi cũng may mắn khi nhà in ngày đó họ rất quý mình. Tiền in họ cho nợ, cứ tích dần năm này qua năm khác. Có lúc chúng tôi đã nghĩ đến việc giải thể tờ báo và bán tài sản cá nhân đi để trang trải. Ngày đó quý nhất là cái xe Honda Cub 82, bán đi cũng phải được khoảng 2 cây vàng, có khi đủ mua được cả cái nhà ấy chứ.
Khởi đầu gian khó với Báo Bóng đá từng khiến ông Hải và đồng nghiệp đối mặt với khoản nợ tiền tỷ.
Thế rồi có 2 doanh nhân người Việt từ Đức trở về, họ rất mê bóng đá, lại có tìm hiểu sâu và rất nhanh nhậy về việc nắm bắt thị hiếu của độc giả. Đến gặp tôi, họ bày tỏ sự tiếc nuối vì tờ báo đã bỏ lỡ nhiều "mảnh đất" màu mỡ.
Đơn giản như việc những thông tin về bóng đá quốc tế, tỉ lệ kèo, dự đoán trận đấu… Thông tin đó Nhà nước không hề cấm, tại sao mình không làm mà cứ xoáy sâu quá nhiều vào bóng đá trong nước? Đối phương khẳng định chúng tôi cần chi bao nhiêu họ duyệt bấy nhiêu, không đòi hỏi cam kết doanh thu và chỉ góp ý như vậy về nội dung để cải tổ.
Tôi mừng lắm, làm ngay một bản đề án để đưa ra thường vụ ở Liên đoàn, họp trong gần 1 ngày và được đồng ý triển khai. Hàng tỷ đồng được đổ ra để tuyển nhân sự, đầu tư máy móc và đến ngày 2/12/2002 thì số báo đổi mới đầu tiên được ra lò. Và thực sự không ngờ thành công lại mỹ mãn đến thế.
Nội dung mới được độc giả đón nhận, số báo bán ra tăng theo cấp số nhân và chỉ khoảng 6 tháng chúng tôi đã trả hết được nợ cũ. Anh em phóng viên đi làm quên cả giờ giấc, thu nhập nhận về lại rất tốt. Ngày ấy mà trung bình lương tháng của toàn soạn đã là 30 triệu đồng/người rồi.
Về tài chính, chúng tôi độc lập với Liên đoàn nhưng hàng năm vẫn đóng góp 2% doanh thu. Tôi nhớ ít nhất là 2 tỷ, còn đâu cũng đều 3-4 tỷ trở lên mỗi năm là chuyện bình thường. Doanh số đợt đó thực sự khủng khiếp, có thời điểm báo in đến nửa triệu bản một ngày, mỗi bản giá 1.200 - 1.500 đồng.
Day dứt chuyện về hưu
Phải nói thật, tôi nghỉ hưu trong tâm trạng không vui vẻ gì. Căn nguyên có lẽ cũng do mình hơi "ngây thơ" trong công tác tổ chức.
Đến năm 2009, tôi 60 tuổi và Liên đoàn cũng chuẩn bị bước vào Đại hội nhiệm kì mới. Tôi là cán bộ biệt phái từ Tổng cục sang, đến tuổi đó thì nghỉ hưu. Nhưng đó là nghỉ hưu công chức thôi, còn với tổ chức xã hội nghề nghiệp như Liên đoàn bóng đá Việt Nam thì làm gì có chuyện về hưu. Tôi có thể tiếp tục công tác đến khi nào nghỉ không đủ sức thì thôi, 100 tuổi cũng được.
Thế nhưng họ đã cố tình mập mờ. Lẽ ra trong quyết định về việc công chức nghỉ hưu không có vấn đề gì liên quan đến tổ chức của Liên đoàn. Nhưng họ lại có tình thêm vào một điều, yêu cầu tôi bàn giao toàn bộ công việc lại cho Liên đoàn. Đó là điều không đúng quy tắc.
Tôi lên gặp đồng chí Vương Bích Thắng, Trưởng phòng tổ chức cán bộ, nơi ra văn bản đó. Ông Thắng đã công nhận chi tiết thêm vào đó là không đúng, đồng ý bỏ đi để làm lại quyết định khác, chuyện bàn giao hay không thuộc về nội bộ Liên đoàn thôi.
Nhưng Liên đoàn cứ vẫn đưa văn bản cũ ra trước toàn thể Ban chấp hành. Tôi cũng gặp cả lãnh đạo cấp cao hơn nhưng mọi chuyện cứ dần được đưa vào thế đã rồi. Cuối cùng tôi đành chấp nhận nghỉ hưu, nghĩ thôi mình về làm gì vui vui, bình luận bóng đá, đóng góp ý kiến.
Ở tuổi U70, chuyên gia Vũ Mạnh Hải vẫn tiếp tục tham gia các hoạt động và cống hiến cho bóng đá Việt.
Lời kết cho cả một đời tâm huyết với bóng đá
Chuyện tôi về nghỉ hưu đến sau này người ta cứ bảo tôi hiền quá. Và thực ra đến tận bây giờ nhìn cách đối xử của người khác với những gì tôi để lại, trong lòng mình vẫn cảm thấy có chút gì không thể không tâm tư.
Nhưng suy cho cùng, tôi là một người yêu bóng đá. Xuất phát từ một cầu thủ và nhờ bóng đá mà mình có được rất nhiều. Tôi từng suýt phải về hưu non, nhưng lại may mắn được tiếp tục cống hiến cho bóng đá bằng nghề viết. Cho nên bóng đá với tôi là ân tình và mình có nghĩa vụ phải trả ơn. Đó là tâm niệm sẽ đi với tôi đến hết cuộc đời này.
Nhà báo Hồ Nguyễn trải lòng về người đồng nghiệp Vũ Mạnh Hải
"Cơ duyên để tôi và anh Vũ Mạnh Hải gặp gỡ, làm việc với nhau bắt đầu từ khi cả hai cùng trúng cử vào Ban chấp hành Liên đoàn bóng đá Việt Nam tại kì đại hội năm 1997. Anh Hải đảm nhận vai trò Trưởng ban Tuyên truyền, còn tôi làm Phó ban.
Thời gian làm việc tại Liên đoàn, việc cho ra đời Bản tin Bóng đá vẫn luôn là một kỉ niệm đáng nhớ. Anh Hải lo việc giấy phép, còn tôi ở trong này có được sự hậu thuẫn của báo Sài Gòn Giải Phóng, nhà in cho in chịu, tiền trả sau cũng được; đồng thời lấy luôn căn nhà của tôi để đặt làm văn phòng, đỡ tiền thuê mặt bằng.
Vậy là chúng tôi có thể chờ thu được tiền bán bản tin về rồi mới trang trải chi phí. Trong những đợt làm việc ở nước ngoài, anh Hải cũng tích cực đem những tờ báo đó đi cùng để phát cho anh em cầu thủ, người dân mình đang ở hải ngoại đọc để quảng bá hình ảnh.
Chính quá trình làm việc như việc khiến chúng tôi xây dựng được mối quan hệ rất tốt, từ ngoài đời cho đến công việc để cùng đóp góp với nhau.
Anh Hải có thể không tốt nghiệp trường báo chí, nhưng từ một cầu thủ, HLV rồi trở thành phóng viên, nhà báo, anh vẫn mang tới những sản phẩm chất lượng. Đơn giản bởi anh ấy nắm rõ được chuyện môn, am hiểu bóng đá nên có thể đảm đương tốt việc cầm bút. Ngay cả khi về sau, xây dựng và phát triển tờ Báo Bóng Đá anh Hải cũng đã làm rất tốt.
Đến giờ chúng tôi vẫn gọi nhau là những ông bạn già và nhớ mãi về những kỉ niệm thưở ngày xưa ấy."