Việt Nam, Thái Lan có thể vào BK châu Á nhưng cơ hội rất nhỏ
Ở VCK U23 châu Á 2020, sẽ có 3 tấm vé dự Olympic vào cuối năm dành cho 3 đội có thứ hạng cao nhất (nếu Nhật Bản vào Bán kết thì mặc định 3 đội vào Bán kết khác sẽ được dự Olympic, do đội bóng xứ Mặt trời mọc tham gia Thế vận hội theo suất dành cho chủ nhà).
U23 Việt Nam sẽ thi đấu VCK U23 châu Á mà không có Đoàn Văn Hậu, do cầu thủ này về chơi cho CLB Hà Lan Heerenveen. Trong khi đó, khả năng vắng nốt Quang Hải vì chấn thương cũng khá lớn. Trước viễn cảnh mất 2 nhân tố quan trọng nhất, cựu danh thủ Quốc Vượng lại không quá lo lắng:
"Việt Nam luôn luôn là ẩn số thú vị. Việc thiếu Văn Hậu, có thể là cả Quang Hải cũng không vấn đề gì đâu. Với cách vận hành của ông Park thì không đáng ngại. Quan trọng là ông Park có tìm ra chiến thật mới sau khi yếu tố bất ngờ mất đi. Rồi các đối thủ có đề phòng Việt Nam hay không? Đó là điều thú vị để mình chờ xem".
U22 Việt Nam vô địch SEA Games nhưng kết quả đối đầu trực tiếp với Thái Lan là hòa 2-2.
Khi được hỏi, cơ hội để Việt Nam vào Bán kết là bao nhiêu, Quốc Vượng nói ngắn gọn: "10% thôi, vẫn có cơ hội nhưng rất nhỏ".
Và anh cũng cho rằng, cơ hội để chủ nhà Thái Lan vào Bán kết giống Việt Nam:
"Nếu Thái Lan chơi đúng thực lực thì khả năng vượt qua vòng bảng là có. Tôi nghĩ họ có thể vào Bán kết. Về lý thì lợi thế của họ so với Việt Nam cao hơn, do đá sân nhà. Nhưng cơ hội để họ vào Bán kết cũng chỉ 10% như chúng ta thôi. Với các đội ĐNÁ, tôi nghĩ tỷ lệ chỉ là như vậy".
Tấm HCV SEA Games là phần thưởng cho NHM, trợ giúp tâm lý cho những thế hệ sau là có nhưng không lớn?
Sau 60 năm chờ đợi, Việt Nam mới có tấm HCV SEA Games môn bóng đá nam đầu tiên. Trước đó, ở mỗi kỳ SEA Games chúng ta tham dự, đội bóng đá nam đều nhận kì vọng lớn sẽ đạt được HCV lần đầu tiên và đi đôi là áp lực nặng nề.
Khi được hỏi về giá trị của tấm HCV này như thế nào, và liệu nó có giúp ích gì cho chúng ta trong những lần chinh phục tấm HCV SEA Games sau này hay không, Quế Ngọc Hải nói:
"Khi tuyển Việt Nam thi đấu ở bất kì giải ĐNÁ nào đều nhận được kì vọng lớn của NHM. Xuất phát từ tình yêu của NHM thôi nên đó là động lực để cầu thủ thi đấu. Trước đây hay bây giờ, áp lực thành tích không phải vấn đề gì lớn đè nén chúng tôi mà toàn đội thật sự khát khao để giành chức vô địch. Động lực là nhiều hơn, còn áp lực thì trận nào, giải nào cũng có, đó là điều bình thường. Động lực, khát khao vẫn lớn hơn là áp lực.
Tôi nghĩ tấm HCV này vừa là lời khẳng định của bóng đá Việt Nam ở ĐNÁ, cũng là thành tích nhờ sự nỗ lực của cầu thủ cùng BHL. Nó sẽ tạo cho thế hệ sau một động lực lớn, rất tốt, để tất cả cùng cố gắng giành thành tích tốt hơn nữa".
HLV Park Hang-seo giúp Việt Nam có lần đầu tiên vô địch môn bóng đá nam SEA Games.
Năm 2015, Quế Ngọc Hải từng khóc khi thất bại trước Myanmar ở Bán kết SEA Games. Anh bộc bạch:
"SEA Games 2015, chúng tôi để thua ở Bán kết trước Myanmar thật sự rất đáng tiếc. Trận đó chúng tôi xứng đáng là đội vào Chung kết hơn. Còn hôm trước, tôi và tất cả NHM Việt Nam đều rất vui, hạnh phúc khi U22 Việt Nam có chiến thắng thuyết phục để giành HCV SEA Games".
Trong khi đó, cựu danh thủ Quốc Vượng nhớ về kì SEA Games 2005 khi anh và các đồng đội cũng nhận được kì vọng lớn phải vô địch. Nhưng đáng tiếc đội đã thua 0-3 trước Thái Lan ở Chung kết.
"Khi chúng tôi thi đấu SEA Games 2005, áp lực là phải vô địch. Không vô địch đồng nghĩa với thất bại. Áp lực cũng là động lực thôi. Nhưng thời đó, lứa chúng tôi không tốt như bây giờ và lứa Thái Lan khi đó quá mạnh nên chưa thể vô địch.
Bây giờ chúng ta đã là những người chiến thắng. Các em được tập luyện đầy đủ, đàng hoàng thì có thể vô địch thôi, đấy cũng là điều rất dễ hiểu.
Tôi nghĩ là nhờ tấm HCV vừa rồi, sau này cơ hội để chúng ta vô địch SEA Games tiếp cũng có tăng lên 1 chút. Đầu tiên là áp lực tâm lý đã cởi bỏ rồi. Trước đó thì áp lực từ NHM quá lớn. Lần này rất tự hào khi các em vượt qua được, bằng khả năng chuyên môn, đẳng cấp của chúng ta.
Chức vô địch SEA Games 2019 sẽ là động lực cho các thế hệ cầu thủ tiếp theo nhưng giải nào cũng sẽ đều có thứ áp lực riêng.
Tất nhiên, chức vô địch này phần lớn vẫn là để NHM vui lòng. Với các thế hệ cầu thủ sau này, nếu đá tốt mà không thể vô địch thì vẫn sẽ khiến mọi người thất vọng.
Với NHM, họ đã thoả mãn sau nhiều năm chờ đợi rồi. Còn với cầu thủ thế hệ sau sẽ có những thứ áp lực khác, không có nghĩa là thoải mái hay hết áp lực.
Tấm HCV năm nay không phải trợ lực quá lớn. Ví dụ như lứa U23 Việt Nam Á quân châu lục 2018 thì bị áp lực phải vô địch SEA Games 2019 mới thành công. Các em sau này cũng thế, nhiều áp lực lắm".
"Áp lực tâm lý sẽ khiến cầu thủ căng cứng, ngay cả trong các động tác khống chế, giữ bóng cũng có thể bị sai. Khi tâm lý không còn bình thường, sút quả bóng cũng có thể không chuẩn như khi thoải mái. Đó là vấn đề rất dễ thấy về hiệu ứng tâm lý trong thể thao.
Khi gánh nặng huy chương đặt lên, luôn có 2 mặt là động lực và áp lực. Áp lực có thể khiến cầu thủ nôn nóng, quyết định sai trong các tình huống bóng" - Quốc Vượng tiếp.
SEA Games 31 sẽ được tổ chức tại Việt Nam. Trên sân nhà, áp lực cho U22 Việt Nam sẽ lại rất lớn theo một cách khác nhưng đó là câu chuyện của 2 năm nữa. Còn hiện tại, NHM, BHL của thầy Park cùng các cầu thủ xứng đáng được tận hưởng thành quả của mình.