Cựu Đại sứ Mỹ Ted Osius: Thăm Việt Nam, bà Harris có thể tìm thấy nguồn cảm hứng từ Bà Trưng, Bà Triệu

Đoàn Lan Hương |

Trước đây chưa từng có một Phó Tổng thống Mỹ đến thăm Việt Nam. Bà Harris có thể tìm thấy nguồn cảm hứng từ những người phụ nữ tiên phong trong lịch sử Việt Nam, như Hai Bà Trưng và Bà Triệu, cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam nói.

Cựu Đại sứ Mỹ Ted Osius: Thăm Việt Nam, bà Harris có thể tìm thấy nguồn cảm hứng từ Bà Trưng, Bà Triệu - Ảnh 1.

Vào mùa xuân năm 1996, tôi đã đến TP Hồ Chí Minh và Đà Lạt để học tiếng Việt, chuẩn bị cho việc lần đầu tiên được bổ nhiệm ở Việt Nam với tư cách một nhà ngoại giao.Vì chỉ có một vài người nước ngoài nói tiếng Việt, nên khi tôi giao tiếp, mọi người rất vui vẻ và khích lệ, ngay cả khi tôi mắc lỗi.

Ở trường ngôn ngữ của Bộ Ngoại giao Mỹ, tôi được học thứ tiếng Việt rất mô phạm, nhưng khi nói chuyện ở các nhà hàng hay đi ngắm cảnh, tôi thấy mọi người rất thân thiện và chào đón tôi. Tôi thích cách mà từ "you" trong tiếng Anh được dùng trong nhiều ngữ cảnh, tùy thuộc vào độ tuổi và sự thân thiết của người nói, và vui vẻ khi mọi người gọi tôi là "anh" hay "em".

Năm 1997, trong lần đầu tiên được bổ nhiệm, tôi đã đạp xe cùng với những người bạn từ Hà Nội đến TP Hồ Chí Minh. Đó là một chuyến đi "đã mắt" dọc Quốc lộ 1, con đường huyết mạch của Việt Nam. Khi đạp xe từ Bắc vào Nam, chúng tôi chứng kiến toàn bộ quá trình cây lúa lớn lên, điều tạo nên chu trình nông nghiệp và yếu tố trung tâm của văn hóa Việt Nam. Đầu tiên, người nông dân gieo hạt trên cánh đồng, cấy, gặt và đập lúa, cuối cùng là những hạt thóc được phơi bên đường.

Gần đến khu phi quân sự từng chia cắt hai miền, tôi dừng lại bên cây cầu và chụp ảnh. Một người phụ nữ khoảng 40 tuổi chỉ cho tôi những hố bom, những hố bom đã được nước và bụi cây lấp đầy sau 25 năm. Chúng tôi nói chuyện bằng tiếng Việt. Bà ấy nói người Mỹ đã nhiều lần phá hoại cây cầu mà chúng tôi đang đứng. Người Mỹ, bà nói tiếp, đã giết hại những người bà quen biết.

Cựu Đại sứ Mỹ Ted Osius: Thăm Việt Nam, bà Harris có thể tìm thấy nguồn cảm hứng từ Bà Trưng, Bà Triệu - Ảnh 2.

Là một công dân Mỹ và một nhà ngoại giao, tôi cảm thấy mình phải nói với người phụ nữ này về quốc tịch của mình. Bà ấy trầm ngâm nhìn tôi, và nói "người Mỹ và Việt Nam giờ đã là bạn bè rồi". Nắm lấy tay tôi, bà nói bằng thứ ngôn ngữ thân thiết trong gia đình, thứ ngôn ngữ truyền đạt rõ nhất trong tiếng Việt - "Hôm nay, chúng ta là chị em".

17 năm sau, tôi đã kể lại câu chuyện này khi tôi điều trần trước Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện Mỹ trong buổi phê chuẩn trước khi trở thành Đại sứ. Với tôi, câu chuyện này nói lên rất nhiều về tinh thần của người Việt Nam đối với sự tha thứ và hòa giải.

Cựu Đại sứ Mỹ Ted Osius: Thăm Việt Nam, bà Harris có thể tìm thấy nguồn cảm hứng từ Bà Trưng, Bà Triệu - Ảnh 3.

Tôi đã yêu Việt Nam ngay từ lần đầu tiên. Tôi yêu con người, ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử, ẩm thực hấp dẫn và những danh lam thắng cảnh. Tôi đã đến đến đây với tư cách là một nhà ngoại giao trẻ tuổi, hy vọng có thể giúp xây dựng quan hệ tin cậy và hữu nghị sau thảm kịch chiến tranh.

Để trở về với tư cách là Đại sứ có nghĩa là tôi có thể xây dựng sự hòa giải thành công trong nhiều năm giữa con người và chính phủ chúng ta. Tôi có thể giúp đưa hai nước chúng ta đến gần nhau, như bạn bè và đối tác. Đó thực sự là giấc mơ thành hiện thực, và tôi yêu từng ngày, yêu mọi ngày tôi đã phục vụ với tư cách là một nhà ngoại giao ở Việt Nam.

Cựu Đại sứ Mỹ Ted Osius: Thăm Việt Nam, bà Harris có thể tìm thấy nguồn cảm hứng từ Bà Trưng, Bà Triệu - Ảnh 4.
Cựu Đại sứ Mỹ Ted Osius: Thăm Việt Nam, bà Harris có thể tìm thấy nguồn cảm hứng từ Bà Trưng, Bà Triệu - Ảnh 5.

Trong chuyến thăm đến Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã cam kết hỗ trợ Việt Nam quy tập hài cốt. Khi chúng ta cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ tẩy độc dioxin ở sân bay Biên Hòa, tôi hy vọng có thể làm được nhiều hơn nữa cho những người bị ảnh hưởng bởi phơi nhiễm dioxin. Nỗ lực nhân đạo này nhằm giải quyết một cách trung thực với quá khứ và giúp xây dựng lòng tin giữa người dân và chính phủ của cả hai quốc gia.

Năm 2016, tôi cùng với Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đến thăm sân bay Đà Nẵng, hầu hết việc tẩy độc tại đây đã hoàn thành

Các nhà khoa học đã xác định cách để loại bỏ dioxin trong đất là "nấu" đất bị nhiễm dioxin ở nhiệt độ 335 độ C - hơn 3 lần nhiệt độ sôi của nước - và giữ ở nhiệt độ đó trong 28 ngày. Đất được nung nóng trong một cấu trúc lớn, bao quanh bởi những bức tường bê tông cao hơn 9 mét có mái che.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tham gia cùng chúng tôi trong lễ kỷ niệm tẩy độc thành công sân bay Đà Nẵng. Sự hiện diện của ông cho thấy chính phủ Việt Nam đã nỗ lực nghiêm túc như thế nào. Các phóng viên đã chụp được khoảnh khắc khi Thượng tướng Vịnh và tôi vùi tay vào lớp đất mới khử độc. Một tấm ảnh sau đó được trưng bày tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh ở Thành phố Hồ Chí Minh, một lời nhắc nhở rằng chúng ta có thể vượt qua di sản của chiến tranh. Tôi biết rằng, cùng với nhau, người Việt Nam và người Mỹ làm cho đất đai nơi đây trở nên an toàn. Nếu không, là cha của hai đứa con nhỏ, tôi đã không chạm vào đất còn tồn dư dioxin.

Cựu Đại sứ Mỹ Ted Osius: Thăm Việt Nam, bà Harris có thể tìm thấy nguồn cảm hứng từ Bà Trưng, Bà Triệu - Ảnh 6.
Cựu Đại sứ Mỹ Ted Osius: Thăm Việt Nam, bà Harris có thể tìm thấy nguồn cảm hứng từ Bà Trưng, Bà Triệu - Ảnh 7.

Chính quyền Biden - Harris đã cung cấp hàng triệu liều vaccine cho Việt Nam. Cùng với các cựu Đại sứ, tôi đã viết thư và kêu gọi Tổng thống cung cấp vaccine cho Việt Nam. Tôi hy vọng sự hợp tác để vượt qua đại dịch COVID-19 sẽ tiếp tục.

Mỹ và Việt Nam có một bề dày về hợp tác y tế công cộng. Từ đầu những năm 2000, chúng ta đã cùng nhau hợp tác chống lại bệnh SARS và HIV/AIDS. Nhiều nhà dịch tễ học Việt Nam đã được đào tạo tại Mỹ. Các trung tâm điều hành cấp cứu lớn ở miền Bắc, miền Trung và miền Nam của Việt Nam đã hợp tác chia sẻ dữ liệu theo thời gian thực với Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC).

Hệ thống y tế công cộng của Việt Nam đã phát triển nhanh chóng, thể hiện qua những phản ứng ban đầu đối với COVID-19.

Khi biến thể Delta đã gây khó khăn cho mọi quốc gia, bao gồm cả Mỹ và Việt Nam, thì Việt Nam đang đẩy nhanh tiêm chủng ở TP Hồ Chí Minh trong tháng này.

Tôi tin tưởng Chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục là đối tác mạnh mẽ của Việt Nam trong việc ứng phó khẩn cấp với COVID-19 và khắc phục hậu quả đại dịch. Chuyến thăm của Phó Tổng thống Harris là cơ hội để thúc đẩy sự hợp tác đó hơn nữa.

Khu vực tư nhân cũng có một vai trò quan trọng. Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (US-ABC) là một phần của lực lượng đặc nhiệm toàn cầu, xử lý việc cung cấp oxy cho một số quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất, cũng như các bộ dụng cụ chẩn đoán và sức khỏe. Nỗ lực này được dẫn dắt bởi một số công ty lớn nhất của Mỹ. US-ABC là một thành viên quan trọng của liên minh này. Trọng tâm hiện tại là Indonesia, vì nước này hiện đang là tâm điểm của đại dịch. Các công ty cũng đang xem xét những gì họ có thể làm ở Việt Nam, Thái Lan, Myanmar và các quốc gia Đông Nam Á khác bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến thể Delta.

Những thách thức vẫn còn đó. Hiện tại, các công ty không thể mua, phân phối và tặng vaccine. Tôi hy vọng theo thời gian, khi các công ty dược tăng cường sản xuất, khu vực tư nhân sẽ có thể đóng góp trực tiếp vào việc phân phối vaccine. Tôi mong chờ ngày đó.

Cựu Đại sứ Mỹ Ted Osius: Thăm Việt Nam, bà Harris có thể tìm thấy nguồn cảm hứng từ Bà Trưng, Bà Triệu - Ảnh 8.

Tôi chưa bao giờ quá quan tâm đến cái tên được đặt cho mối quan hệ đối tác của chúng ta, thay vào đó, tôi quan tâm đến nội dung của nó, cụ thể là những gì chúng ta đang làm cùng nhau. Và chúng ta đang làm rất nhiều, trong lĩnh vực thương mại và đầu tư, an ninh, môi trường, sức khỏe cộng đồng, khoa học và công nghệ, giáo dục và hơn thế nữa.

Phó Tổng thống Harris có cơ hội để chứng tỏ rằng Mỹ đã trở lại - không chỉ trong lĩnh vực an ninh mà còn trong thương mại. Thương mại là điểm khởi đầu tự nhiên để tái gắn kết Ấn Độ - Thái Bình Dương. Với dân số 662 triệu người và GDP là 3,2 nghìn tỷ USD, 10 nước ASEAN có vai trò cực kỳ quan trọng đối với Mỹ và để duy trì sự phục hồi kinh tế sau COVID. Khu vực tư nhân Mỹ đã đầu tư hơn 338 tỷ USD vào ASEAN vào năm 2020, nhiều hơn cả vào Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc cộng lại. Trong cùng năm, Mỹ đã xuất khẩu hơn 122 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ sang ASEAN – đứng thứ tư sau Canada, Mexico và Trung Quốc.

ASEAN, và đặc biệt là Việt Nam, là trung tâm của mạng lưới các hiệp định thương mại tự do ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, có các FTA với các nền kinh tế lớn nhất trong khu vực. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được ký kết gần đây bao gồm tất cả các nước ASEAN và 6 quốc gia ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương khác. 4 thành viên ASEAN là Brunei, Malaysia, Singapore và Việt Nam - đã ký Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Ngành công nghệ của Mỹ đã nhận ra rằng ASEAN là thị trường internet phát triển nhanh nhất thế giới, với nền kinh tế kỹ thuật số được dự báo sẽ vượt 300 tỷ USD vào năm 2025.

Điều đáng chú ý là, chỉ trong 6 tháng, Singapore đã hoàn tất Thỏa thuận Đối tác Kinh tế Kỹ thuật số (DEPA) với Chile và New Zealand - một thỏa thuận thiết lập các cách tiếp cận mới đối với các vấn đề thương mại kỹ thuật số, thúc đẩy khả năng tương tác giữa các thể chế khác nhau và giải quyết các vấn đề mới do số hóa mang lại, chẳng hạn như luồng dữ liệu xuyên biên giới.

Mỹ có thể nhanh chóng tiến tới một thỏa thuận ngành như DEPA và có sẵn các khuôn mẫu có thể tạo cơ sở cho các cuộc đàm phán như vậy, bao gồm thỏa thuận thương mại Mỹ - Mexico - Canada, thỏa thuận thương mại kỹ thuật số Mỹ - Nhật và TPP trước đây.

Tôi hy vọng Phó Tổng thống Harris sẽ đưa ra các kế hoạch của Mỹ về một chương trình nghị sự thương mại chủ động và tích cực với Việt Nam và với ASEAN.

Cựu Đại sứ Mỹ Ted Osius: Thăm Việt Nam, bà Harris có thể tìm thấy nguồn cảm hứng từ Bà Trưng, Bà Triệu - Ảnh 9.

Trước đây chưa từng có một Phó Tổng thống Mỹ nào đến thăm Việt Nam. Nhiều người Việt Nam ngạc nhiên rằng Phó Tổng thống Harris là một phụ nữ da đen gốc Á. Ở Việt Nam, có lẽ bà sẽ tìm thấy nguồn cảm hứng từ những người phụ nữ tiên phong trong lịch sử Việt Nam, như Hai Bà Trưng và Bà Triệu.

Là một nữ chiến binh vào thế kỷ thứ ba (225 - 248), Bà Triệu được biết đến là nhà nữ quyền đầu tiên của Việt Nam. Theo truyền thuyết, bà đã lãnh đạo một đội quân và chiến đấu hơn 30 trận trước khi tròn 21 tuổi. Khi anh trai nói với bà rằng phụ nữ không được đánh trận như đàn ông, bà trả lời: "Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Ðông, chứ không bắt chước người ta cúi đầu cong lưng để làm tỳ thiếp cho người".

Khi thăm Việt Nam, Phó Tổng thống Harris có thể đẩy nhanh tiến độ mà chúng tôi đã đạt được để trở thành bạn bè và đối tác thân thiết, đồng thời bà có thể chỉ ra con đường làm sâu sắc hơn mối quan hệ của chúng ta và tiếp tục quá trình hòa giải.

Cựu Đại sứ Mỹ Ted Osius: Thăm Việt Nam, bà Harris có thể tìm thấy nguồn cảm hứng từ Bà Trưng, Bà Triệu - Ảnh 10.

Cuốn sách "Nothing is Impossible: America’s Reconciliation wit Vietnam" của cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius, với lời chấp bút của cựu Ngoại trưởng John Kerry, sẽ được Nhà xuất bản Đại học Rutgers cho ra mắt bản tiếng Anh vào tháng 10/2021 và bản tiếng Việt sẽ được phát hành trong năm 2022.

Hiện cuốn sách có thể được đặt trước tại địa chỉ https://www.rutgersuniversitypress.org/nothing-is-impossible/9781978825161

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại