Cựu đại sứ Mỹ tại Nga nghĩ Washington cường điệu hóa 'lằn ranh đỏ', tin ông Putin không làm điều cực đoan

Hữu Hiển |

Theo cựu đại sứ Mỹ tại Nga, Washington đã trì hoãn quá nhiều trong các quyết định cung cấp vũ khí cho Ukraine vì lo ngại rằng động thái như vậy sẽ vi phạm "lằn ranh đỏ" của Moscow.

Tờ Newsweek ngày 13/8 đưa tin, John Sullivan – Đại sứ Mỹ tại Nga từ năm 2020 đến năm 2022 dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump và Tổng thống đương nhiệm Joe Biden - đã xuất bản cuốn sách "Midnight in Moscow" (tạm dịch: "Nửa đêm ở Moscow") trong tháng này, mô tả những hoạt động ngoại giao với cường độ cao trước và sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022.

Theo Newsweek, Mỹ là nhà cung cấp viện trợ quân sự lớn nhất cho Kyiv, tính đến nay đã lên tới 56 tỷ USD, nhưng những khoản viện trợ này đã bị kiềm chế do lo ngại liên tục về việc Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể sẽ phản ứng, đặc biệt là sau khi ông có những lời đe dọa về việc sử dụng vũ khí hạt nhân.

Cựu đại sứ Mỹ tại Nga tin ông Putin không làm điều cực đoan: Washington cường điệu hóa 'ranh giới đỏ' - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) trao đổi với cựu Đại sứ Mỹ tại Nga John Sullivan (trái) tại Điện Kremlin vào ngày 5/2/2020 tại Moscow. Ảnh: Getty

Cựu đại sứ Sullivan nói với Newsweek rằng, Mỹ đã thất bại trong việc cung cấp những gì người Ukraine cần, "cho dù đó là xe tăng M1A1, F-16, tên lửa, thì đó chỉ là sự chậm trễ, chậm trễ, chậm trễ".

Đợt chuyển giao máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất từ các nước đồng minh được Ukraine mong đợi từ lâu cuối cùng đã diễn ra trong tháng này sau khi Tổng thống Biden "bật đèn xanh" là đợt cung cấp vũ khí mới nhất của Mỹ cho Ukraine, bao gồm tên lửa Javelin và Stinger, hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao HIMARS, tên lửa ATACMS tầm xa hơn và thậm chí cả hệ thống tên lửa Patriot.

Theo Newsweek, cho đến nay, không có vũ khí nào trong số này chuyển cho Ukraine khiến Nga phản ứng quá cực đoan, cũng như cuộc đột kích của Ukraine vào vùng Kursk của Nga vào tuần trước, mà Tổng thống Putin cũng coi là "lằn ranh đỏ".

Các nhà bình luận và quan chức Nga thường đe dọa rằng vũ khí của phương Tây viện trợ cho Kyiv sẽ vi phạm "lằn ranh đỏ" có thể buộc Tổng thống Putin phải leo thang chiến tranh. Nhưng cựu đại sứ Sullivan cho biết, những tổn thất của Hạm đội Biển Đen của Nga đã cho thấy cái nhìn sâu sắc về quan điểm của Tổng thống Putin.

"Những gì chúng ta thấy theo thời gian tập trung vào những gì Mỹ đã làm. Hãy xem những gì người Nga đã làm—hoặc không làm", Sulivan nói.

"Ý tưởng rằng người Ukraine, với việc sử dụng các hệ thống vũ khí từ phương Tây, có thể đẩy Hải quân Nga khỏi Crimea mà không có phản ứng cực đoan từ phía Nga, gần như chứng minh rằng chúng ta đã cường điệu hóa thời điểm ông Putin sẽ làm điều gì đó cực đoan."

"Tôi luôn nghĩ rằng ông ấy sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân", Sulivan nói.

Cựu đại sứ Mỹ tại Nga tin ông Putin không làm điều cực đoan: Washington cường điệu hóa 'ranh giới đỏ' - Ảnh 2.

Quân nhân Ukraine cầm cờ sau buổi lễ kỷ niệm Ngày Không quân Ukraine vào ngày 4/8/2024 trước lô máy bay chiến đấu F16 do Mỹ sản xuất đầu tiên của Kiev. Ảnh: Getty

Theo cựu đại sứ Mỹ tại Nga, có thể đã có sự miễn cưỡng từ phía Mỹ trong việc cung cấp vũ khí cho Ukraine do lo ngại về việc liệu chúng có phù hợp với thực tế chiến trường hay không, chẳng hạn như các câu hỏi xung quanh kích thước xe tăng Abrams và yêu cầu về nhiên liệu.

Nhưng Sulivan nói rằng, mối lo ngại về một "lằn ranh đỏ" từ Tổng thống Putin không nên là một yếu tố trong quá trình ra quyết định vì ông Putin đã tin rằng ông ấy đang có chiến tranh với Mỹ và rằng "chúng ta [Mỹ] là kẻ thù của Liên bang Nga".

"Không phải là đối thủ cạnh tranh, không phải là đối phương, không phải là cách nói ngoại giao dễ nghe mà chúng tôi sử dụng tại Bộ Ngoại giao—chúng ta [Mỹ] là kẻ thù và ông ấy [Putin] đối xử với chúng ta như vậy", Sullivan nói. Tuy nhiên, "ông ấy không muốn chiến tranh hạt nhân với Mỹ - điều không một người tỉnh táo nào muốn".

"Tôi có thể dễ dàng nói rằng 'người Nga sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân' nhưng nếu tôi là người thực sự phải hoạch định chính sách", Sullivan nói (ám chỉ đến tổng thống Mỹ), "thì đó là một rủi ro khá đáng kể, ngay cả khi chỉ ở mức thoáng qua vì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng".

"Cần phải cân nhắc điều này", Sullivan nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại