Với tư thế của một người từng làm Chủ tịch VFF trong hai nhiệm kỳ V và VI, ông Nguyễn Trọng Hỷ đã có những đóng góp đáng suy ngẫm, trên tinh thần nói vì cái chung và mong muốn bóng đá Việt Nam phát triển sau sự thành công của U23 Việt Nam.
- Ông đánh giá sự thành công của U23 sẽ mang đến những ý nghĩa gì cho bóng đá Việt Nam?
Cựu chủ tịch VFF - ông Nguyễn Trọng Hỷ: Tôi nghĩ đây là cú hích, một sự động viên rất lớn cho bóng đá Việt Nam. Đây là điều mà những người làm bóng đá luôn mong mỏi và chờ đợi để mang lại hiệu ứng tích cực trong thời gian tới.
Cựu Chủ tịch VFF - Nguyễn Trọng Hỷ. Ảnh: TTVH
Thành tích này có thể hơi bất ngờ nhưng cho thấy sự tiến bộ lớn của bóng đá Việt Nam. Điều này chứng tỏ định hướng trong thời gian qua là đúng với công tác đào tạo trẻ. Điển hình là HAGL, VPF… đã nhìn thấy từ trước để mang lại thành công cho bóng đá nước nhà.
Tôi còn nhớ trước khi nghỉ VFF, đội U19 Việt Nam đã sớm tạo tiếng vang lớn ở khu vực. Nhiều nhà bóng đá ở khu vực bày tỏ sự khâm phục khẩu phục, ho nói sớm muôn gì bóng đá Việt Nam cũng vô địch Đông Nam Á.
Tôi nghĩ rằng chuyện đào tạo trẻ là một hướng đi đúng và cần phải tiếp tục phát huy. Nếu không làm liên tục sẽ khiến cho chúng ta bị chững lại. Đây là điều mà bất kỳ nền bóng đá nào cũng nhìn nhận được để làm.
- Thế thành công của U23 Việt Nam có phải là cơ hội để VPF, VFF nắm bắt và phát triển bóng đá nước nhà lên một tầm cao mới?
Tất nhiên, nếu chúng ta nắm bắt cơ hội thì bóng đá Việt Nam có nhiều lợi thế để tiến bộ. Đây là thời điểm hiện thực rồi, không chỉ ở khu vực mà châu lục cũng nhìn Việt Nam theo cách khác. Tôi tin với đà phát triển này nếu phát huy được sẽ giúp bóng đá nước nhà tốt hơn trong thời gian tới.
Thành công của U23 là cơ hội cho bóng đá Việt Nam.
- Năm 2012, bầu Kiên cùng các ông bầu khác của bóng đá Việt Nam cùng nhau lập ra VPF với mục đích tách bạch ra khỏi VFF. Ông nghĩ thế nào về điều này?
Tôi phải nói rằng, đây là những ông bầu tâm huyết với bóng đá. Điều này cũng trùng với suy nghĩ của tôi ở thời điểm ấy. Thế nên, mọi chuyện được quyết rất nhanh ở cuộc họp về vấn đề này, tôi là người chủ trì cuộc họp giữa VFF và các ông bầu.
Vấn đề quan trọng là mình nắm bắt được thời cơ. Anh em có nguyện vọng như thế thì đúng với suy nghĩ của tôi. Hôm họp, tôi nói anh Dũng (ông Lê Hùng Dũng) để tôi phát biểu và chấp nhận hết.
Tôi cùng với các anh em và anh Viễn bắt tay vào soạn thảo văn bản thì mọi chuyện mới diễn biến nhanh được, bởi được tiến hành trước mùa giải mới, tức ngay sau cuộc họp. Có được điều này thì chúng ta mới nói với quốc tế là Việt Nam chính thức bước vào con đường chuyên nghiệp hóa bóng đá.
- VPF ra đời để tách bạch khỏi VFF nhưng bây giờ bầu Tú là người của VFF sang VPF làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, rồi sang lại VFF ứng cử phó Chủ tịch tài chính, liệu có đúng thưa ông?
Đúng ra, chúng ta phải làm Đại hội VFF trước sau đó mới tiến hành Đại hội VPF. Một giả thiết đặt ra là anh Tú bây giờ trở thành phó Chủ tịch VFF (trong trường hợp Đại hội VFF trước) thì làm sao anh ấy sang làm Chủ tịch VPF được. Bởi anh Tú chỉ là người đại diện góp vốn cho VFF.
Theo ông Hỷ, Đại hội VPF lẽ ra phải diễn ra sau Đại hội VFF.
Bây giờ, anh ấy làm Chủ tịch rồi thì VPF và VFF phải tính toán lại làm sao hợp lý. Bởi làm theo chiều thuận như tôi nói ở trên thì không xảy ra câu chuyện như hiện tại. Vì anh ấy làm phó Chủ tịch tài chính rồi thì VFF sẽ không cử sang làm Chủ tịch VPF. Trước kia, anh Dũng cũng chỉ là người đại diện vốn thôi.
Thế nên, chúng ta đã tổ chức Đại hội VPF quá sớm. Họ tổ chức lúc nào cũng được sau thời hạn 3 năm nhưng Đại hội VFF muốn tổ chức phải được chính phủ cho phép.
Tôi nghĩ chuyện này thì những người trong cuộc đã nghĩ đến có hợp lý hay không, chứ không phải làm thế nào cũng được. Chúng ta phải làm sao cho có tính khách quan cao nhất.
Ngày xưa, ông Kiên và anh Thắng muốn cho ra đời Super League nhưng tôi không đồng ý. Vì đó không phải giải vô địch quốc gia. Sau đó, các anh ấy đồng ý với tôi. Các vị trí ai làm Chủ tịch, ai làm Tổng giám đốc đều được bàn, nhằm không vướng vào chuyện là xã hội cho rằng VFF làm hết.
Tôi nghĩ chúng ta phải nghĩ theo hướng như thế, chứ không phải chuyện tranh giành ghế này nọ. chỉ bàn cho mọi thứ tốt hơn thôi. Anh Tú cũng là một trong những người rất là tốt, đam mê bóng đá, có thừa năng lực. Anh ấy đứng ra gánh vác là điều đáng khen nhưng cơ cấu tổ chức còn gợn gợn, khiến nhiều người cảm thấy không đúng thì cần xem xét lại cho hợp lý.
Chúng ta có thể tham khảo các nước khác, kể cả FIFA để xem mô hình như thế có được hay không. Tại sao chúng ta không tham khảo?
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!