Cựu chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà cho 12 công ty "ma" của Phạm Công Danh vay 4.700 tỷ như thế nào?

Bảo Minh |

Ông Trần Bắc Hà được xác định là người ký duyệt chủ trương cho 12 công ty "ma" của Phạm Công Danh vay 4.700 tỷ đồng trái quy định của pháp luật gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng.

Mới đây, biên bản kết quả kỳ họp thứ 26 của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương về dấu hiệu vi phạm tại BIDV, ông Trần Bắc Hà (SN 1956, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV) chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban thường vụ Đảng ủy nhiệm kỳ 2010-2015 và 2015-2020.

Ban Thường vụ Đảng ủy BIDV nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ. Đồng thời thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra và giám sát khiến BIDV có nhiều vi phạm nghiêm trọng mang tính hệ thống.

Ngoài ra, Ban thường vụ còn để nhiều cán bộ vi phạm kỷ luật, bị xử lý hình sự, làm giảm nguồn thu ngân sách, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh cũng như đời sống người lao động tại BIDV.

Cựu chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà cho 12 công ty ma của Phạm Công Danh vay 4.700 tỷ như thế nào? - Ảnh 1.

Ngân hàng Nhà nước kết luận có nhiều sai phạm trong việc BIDV cho Phạm Công Danh vay 4.700 tỷ đồng.

Ông Trần Bắc Hà được xác định có liên quan đến đại án Phạm Công Danh, cựu chủ tịch HĐQT ngân hàng Xây dựng Việt Nam - VNCB, giai đoạn 2.

Thời điểm năm 2013, ông Trần Bắc Hà là người đứng đầu phân ban rủi ro tín dụng đầu tư thuộc ủy ban quản lý rủi ro của Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển (BIDV). Với cương vị của mình, ông Hà đã ký 12 quyết định phê duyệt chủ trương cho 12 công ty của Phạm Công Danh vay vốn, sau đó, BIDV chấp thuận cho các công ty này vay 4.700 tỷ đồng. Việc cho vay này đã được Ngân hàng Nhà nước kết luận có hàng loạt sai phạm. 

Hồ sơ vụ án xác định, tháng 4/2013, khi cần tiền để tăng vốn điều lệ cho VNCB, Phạm Công Danh đã tìm đến ngân hàng BIDV. 

Tại đây, sau khi thỏa thuận hợp tác, ông Danh chỉ đạo cấp dưới lập khống hồ sơ nộp cho ngân hàng này, đồng thời dùng tài sản đảm bảo gồm 6 lô đất ở sân vận động Chi Lăng, khu đất trên đường Trường Chinh (Đà Nẵng) và 3.070 tỷ đồng tiền gửi của VNCB tại BIDV để đảm bảo cho khoản vay 4.700 tỷ đồng.

Tuy nhiên, phía ông Phạm Công Danh không cung cấp được hồ sơ chứng từ liên quan việc sử dụng vốn vay nên các chi nhánh của BIDV yêu cầu trả nợ trước hạn. Đến ngày 5/5/2014, BIDV đã thu đủ cả gốc và lãi từ khoản bảo đảm của VNBC với tổng số tiền là 2.550 tỷ đồng. Như vậy, đây là số tiền thiệt hại của VNBC do bảo lãnh cho 12 công ty vay vốn tại BIDV.

Ngoài ra, kết luận của đoàn giám định Ngân hàng Nhà nước thể hiện BIDV xem xét việc cho vay khi chưa đủ cơ sở để xác định khách hàng có khả năng trả nợ trong hạn cam kết, có phương án khả thi hiệu quả là sai quy định pháp luật.

Với những sai phạm của nhóm lãnh đạo VNCB, nhóm giám đốc các doanh nghiệp, cơ quan điều tra cũng đề nghị truy tố 3 cá nhân là cán bộ của BIDV chi nhánh Gia Định đã gây thiệt hại cho VNCB là Hoàng Long Hà, Nguyễn Ngọc Sơn và Nguyễn Vũ Bảo.

Cựu chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà cho 12 công ty ma của Phạm Công Danh vay 4.700 tỷ như thế nào? - Ảnh 3.

Phạm Công Danh trong phiên xét xử giai đoạn 2.

Ngoài những cá nhân này, cơ quan điều tra xác định ông Trần Bắc Hà (chủ tịch HĐQT, trưởng phân ban quản lý rủi ro tín dụng BIDV) đã ký 12 báo cáo tổng hợp ý kiến đồng ý vào chủ trương cho 12 công ty của Phạm Công Danh vay vốn với số tiền tối đa 4.700 tỷ đồng và giao cho 4 chi nhánh của BIDV cho vay. 

Liên quan đến vụ án, cơ quan điều tra cho rằng, ông Trần Bắc Hà và một số cá nhân và cán bộ của BIDV tuy có các sai phạm, nhưng kết quả giám định về thiệt hại không xảy ra tại BIDV.

Hơn nữa, chưa đủ căn cứ xác định những người trên có vai trò đồng phạm với Phạm Công Danh vì không có tài liệu, chứng cứ, lời khai nào cho thấy những người liên quan này biết các công ty vay vốn tại BIDV là do Danh thành lập, điều hành.

Trước đó, tại phiên xử đại án Phạm Công Danh giai đoạn 2, TAND TP HCM đã ký giấy triệu tập ông Trần Bắc Hà đến tham dự phiên tòa. 

Ông Trần Bắc Hà được xác định liên quan với 2 tư cách: người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, là người làm chứng, và đại án Phạm Công Danh xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB). Tuy nhiên ông này đã có đơn kèm hồ sơ bệnh án xin vắng mặt tại tòa để điều trị bệnh tại Singapore.

Ngày 26/10/2017, Cơ quan điều tra đã có kiến nghị kiểm điểm và xử lý hành chính đối với cán bộ BIDV liên quan kể trên.

Trần Bắc Hà và 35 năm công tác tại BIDV

Ông Trần Bắc Hà sinh ngày 19/8/1956 tại Hà Tây) bắt đầu làm việc tại BIDV tháng 2-1981. Sau 10 năm công tác, ngày 1/7/1991, ông Hà được bổ nhiệm làm Giám đốc BIDV Chi nhánh Bình Định.

Trước đó ông từng giữ các chức vụ Giám đốc Sở Giao dịch III của BIDV, Giám đốc Công ty Quản lý nợ và Khai thác tài sản BIDV, Giám đốc Công ty Chứng khoán BIDV.

Từ ngày 1/10/1999 đến cuối năm 2007 ông làm các chức vụ Phó Tổng giám đốc BIDV, Tổng giám đốc BIDV. Đầu năm 2008, ông là Chủ tịch HĐQT BIDV. Hai năm sau đó, ông là Chủ tịch Hội đồng thành viên BIDV.

Từ 1/5/2012, ông là lại tiếp tục làm Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV cho đến khi về hưu. Như vậy, ông Trần Bắc Hà đã có 35 năm công tác tại BIDV và 8 năm 8 tháng giữ chức Chủ tịch HĐQT của BIDV. Ông đại diện 40% vốn nhà nước (Ngân hàng nhà nước Việt Nam lúc này là cổ đông lớn nhất của BIDV với tỷ lệ sở hữu đạt 95,3%.

Ông cũng là người khởi tạo Sở Giao dịch 3, Công ty Chứng khoán, Công ty Quản lý nợ khai thác tài sản BIDV, Trưởng Ban Xử lý nợ Ngân hàng TMCP Nam Đô. Ngoài ra ông Trần Bắc Hà cũng là người chỉ đạo thành lập các hiện diện thương mại tại Lào, Campuchia, Myanmar, Cộng hòa Séc và chỉ đạo Văn phòng đại diện tại Lào, Campuchia, Myanmar.

Năm 2013, tin đồn ông Trần Bắc Hà bị bắt cùng lúc được tung ra cùng với tin đồn Ngân hàng Nhà nước phá giá tiền đồng 2-3% đã khiến thị trường chứng khoán lao đốc mạnh, giá vàng, USD đồng loạt tăng.

Năm 2017 tin đồn ông Hà bị bắt lại rộ lên sau khi nội dung kết luận điều tra của Bộ Công an cho thấy ông Hà có ký duyệt cho vay đối với Ngân hàng Xây Dựng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại