Trong nhiều chương trình phát sóng trên đài truyền hình trung ương, người ta có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong bộ quân phục tham gia lễ duyệt binh, khen ngợi lực lượng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) là một trong những nhân tố then chốt giúp Bắc Kinh gia tăng quyền lực toàn cầu.
Tuy nhiên đối với những cựu chiến binh phải chật vật xoay xở cuộc sống với số tiền lương hưu và trợ cấp ít ỏi từ nhà nước, thì những lời tán dương trên không có nhiều ý nghĩa đối với họ.
"Những lời tuyên truyền về một đất nước Trung Quốc giàu mạnh, cùng lực lượng quân đội được trọng vọng sẽ chỉ khiến các cựu chiến binh thêm phẫn nộ", ông Neil Diamant, giáo sư tại Đại học Dickinson và đồng thời là chuyên gia về các vấn đề liên quan tới cựu chiến binh Trung Quốc, cho biết.
Theo ông Neil, "họ không được hưởng lợi gì từ điều đó, mà phải chật vật xoay xở kiếm ăn qua ngày".
Cựu binh đối đầu với cảnh sát và xe bọc thép
Sự bất bình của các cựu chiến binh Trung Quốc đã lên tới đỉnh điểm vào tuần trước, khi một cuộc biểu tình diễn ra tại thành phố Trấn Giang, tỉnh Giang Tô. Hơn 1.000 cựu chiến binh tại địa phương và nhiều tỉnh thành của Trung Quốc đã tập hợp tại quảng trường và lòng đường ở phía Đông thành phố, ca hát và hô khẩu hiệu trong suốt 4 ngày trước khi bị cảnh sát giải tán.
"Họ rất có tổ chức, tất cả đều chuẩn bị đầy đủ lều trại và đồ ăn, thức uống. Mỗi ngày, người dân Trấn Giang đều tham gia và ủng hộ các cựu chiến binh", một giáo viên địa phương giấu tên nói với báo Strait Times của Singapore.
Sau 4 ngày, cảnh sát địa phương đã giải tán cuộc biểu tình trên vào rạng sáng Chủ nhật (24/6) vừa qua.
Theo Time (Mỹ), cảnh sát Trấn Giang đã phải dùng đến vũ lực (dù hạn chế) để giải tán đám đông biểu tình. Tuy không có thiệt hại về người, nhưng cảnh tượng lực lượng cảnh sát bán quân sự và xe bọc thép xếp hàng trên đường phố Trấn Giang đã khiến mối bất hòa giữa chính quyền và các cựu chiến binh càng thêm trầm trọng.
Một nhân chứng khác kể lại rằng một số cựu chiến binh đã bị cảnh sát bắt giữ khi đám đông biểu tình bị giải tán. Những người bị bắt giữ đã được đưa đến một vài cơ sở trường học tại địa phương, và họ đã được trả tự do khi lãnh đạo các quận tới bảo lãnh.
"Việc cảnh sát Trấn Giang can thiệp vào cuộc biểu tình bằng vũ lực là trái với luật pháp", ông Li Xiao, 63 tuổi, một cựu lính pháo binh đã lái xe hơn 200 km tới Trấn Giang để ủng hộ những người biểu tình.
Các cựu chiến binh biểu tình trước trụ sở Bộ Quốc phòng Trung Quốc tại thủ đô Bắc Kinh năm 2016. Ảnh: AP.
Vì sao cựu chiến binh Trung Quốc ngày càng bất bình?
Việc các cựu chiến binh đề nghị chính quyền tăng chế độ phúc lợi, bảo hiểm y tế và hỗ trợ việc làm sau khi rời quân ngũ đã kéo dài hàng thập kỷ. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, sự bất bình của họ ngày càng gia tăng.
Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này là nhà nước đã chỉ đạo chính quyền địa phương đền bù nhiều hơn và hỗ trợ tích cực hơn về việc làm cho các cựu chiến binh, thế nhưng cấp trung ương lại không phân bổ thêm nguồn quỹ để cấp địa phương thực hiện chỉ đạo này, giáo sư Diamant cho hay.
Hồi tháng 3 vừa qua, ông Tập đã thông qua quyết định thành lập Bộ Cựu Chiến Binh nhằm giải quyết các vấn đề bất bình lâu nay của cựu chiến binh Trung Quốc; tuy nhiên họ đã quá thất vọng khi cơ quan này không thể đưa ra những thay đổi thiết thực.
Các cựu chiến binh đã tổ chức biểu tình ít nhất 2 lần trong những tháng gần đây vì lí do tương tự như cuộc biểu tình tuần trước. Năm 2016, hơn 1.000 cựu chiến binh đã từng biểu tình ngay trước trụ sở Bộ Quốc phòng Trung Quốc tại thủ đô Bắc Kinh.
Chính quyền ông Tập Cận Bình đối mặt thách thức lớn
Các cuộc biểu tình và sự bất bình của các cựu chiến binh Trung Quốc là một thách thức chính trị đối với ông Tập, tờ Time nhận định.
Tuy nhiên Bắc Kinh sẽ còn tiếp tục đối mặt với những thách thức khác nữa, bởi ông Tập đã ra quyết định cắt giảm 300.000 quân nhân hồi năm 2015, cùng với đó là tuyên bố tiếp tục cắt giảm lực lượng lục quân hồi năm ngoái để tập trung mở rộng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại nước ngoài.
Việc một bộ phận trong số 57 triệu cựu chiến binh Trung Quốc trở nên bất bình và tổ chức biểu tình đã trở thành tình thế tiến thoái lưỡng nan cho Bắc Kinh. Những bất cập về phúc lợi và hưu trí đã gây ra tình trạng bất ổn nói trên.
Các cuộc biểu tình của cựu chiến binh là hình ảnh ông Tập không hề muốn thấy trong "Giấc mộng Trung Hoa" của mình. Ông Tập từng phát biểu về việc xây dựng quân đội hùng mạnh và chấn hưng dân tộc hồi tháng 8/2017:
"Ngày hôm nay, chúng ta đã tiến gần hơn tới mục tiêu chấn hưng dân tộc Trung Quốc hơn bao giờ hết trong lịch sử, do đó việc xây dựng một lực lượng quân đội hùng mạnh cũng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết".
Đối với những cựu chiến binh như ông Li, những người từng tin rằng sẽ được chính phủ lo liệu từ khi rời quân ngũ cho đến lúc qua đời, Trung Quốc hiện nay không giống với những điều họ từng kì vọng.
"Tôi từng nghĩ rằng, sau khi đất nước giàu mạnh, mọi người sẽ được sinh sống và làm việc trong hòa bình", ông Li nói. "Nhưng sự thật lại không phải như vậy".