Tuy vậy vẫn có người dễ dàng đưa ra lời hứa để rồi nuốt lời cũng dễ dàng không kém. Điều đó cũng được hiểu rằng chính họ đã đánh mất danh dự, tài sản quý giá nhất của một con người. "Là CEO, không chỉ uốn lưỡi bảy lần trước khi nói" mà phải uốn lưỡi vạn lần trước khi hứa!", cựu CEO tập đoàn Thiên Long Võ Văn Thành Nghĩa khẳng định trong cuốn sách mới xuất bản của mình.
Theo vị doanh nhân từng đảm nhiệm 3 kỳ CEO tại tập đoàn lớn như Thiên Long, trong quá trình lãnh đạo và điều hành doanh nghiệp, CEO có rất nhiều vấn đề và nhiều lần cần thể hiện sự cam kết của mình qua lời hứa.
Đó là những lời hứa về việc hoàn thành kế hoạch kinh doanh hằng năm, thực hiện các chính sách, chế độ dành cho đội ngũ, dành các khoản ngân sách cho một số hoạt động của doanh nghiệp như nghiên cứu phát triển, đầu tư máy móc thiết bị, phát triển kênh bán hàng, tăng cường hoạt động marketing,..
Đối với đối tác bên ngoài, đó là những hứa hẹn hỗ trợ khách hàng, đặt hàng ổn định với nhà cung cấp, cam kết hợp tác lâu dài với đối tác chiến lược, vv. Đặc biệt, đối với cộng đồng, đó là những lời hứa về các hoạt động vì xã hội, vì sự phát triển tương lai của đất nước. Chừng ấy để thấy rằng khó có thể liệt kê hết tất cả.
Lời hứa của CEO được thể hiện qua nhiều hình thức bằng lời nói trước nhiều người trong những cuộc họp hoặc bằng văn viết qua e-mail, trên các thông báo, văn bản... được ký tên, đóng dấu rõ ràng. Sẩy chân còn gượng được. Sẩy miệng thì không có cách nào lấy lại lời nói. Trong khi đó, "bút sa" thì "gà chết". Những lời cam kết, một khi đã được ký tên, đóng dấu thì tựa như "đinh đóng cột", khó mà phân bua.
"Nói như vậy để thấy rằng lời hứa quan trọng đến dường nào. Nếu buộc lòng phải hứa điều gì đó thì CEO hãy cân nhắc, tránh hứa suông, hứa hảo cho qua chuyện. "Một lần thất hứa, vạn lần bất tin". Chính vì vậy, trước khi hứa, cần phải suy nghĩ kỹ về khả năng và thời gian thực hiện lời hứa", ông Nghĩa bày tỏ.
Trên đời, không có gì là chắc chắn 100%. Đôi lúc, vì nhiều lý do khác nhau, lời hứa đã không được thực hiện như mong đợi. Kế hoạch kinh doanh vẫn có thể không đạt vì biến động kinh tế bất thường. Ngân sách đầu tư cần được điều chỉnh vì mục tiêu chiến lược cần phải thay đổi. Việc hợp tác với đối tác có thể hoãn lại vì trục trặc bất ngờ về tài chính...
Trong những hoàn cảnh đó, CEO cần phải chủ động xin lỗi và giải thích lý do dẫn đến việc không thực hiện đúng lời cam kết ban đầu với các bên liên quan trước khi sự việc diễn ra nhằm tránh những suy nghĩ tiêu cực của mọi người. Bên cạnh đó, cần nỗ lực và nhanh chóng có những hành động, việc làm nhằm giảm thiểu những thiệt hại do sự thất hứa gây ra.
Có những lời hứa trong hoạt động quản trị kinh doanh được thông cảm chấp nhận bỏ qua nếu không thực hiện được. Tuy nhiên, có những lời hứa không thể dễ dàng được chấp nhận bỏ qua nếu thất hứa. Đó là những khoản lương, thưởng dành cho đội ngũ và những hỗ trợ dành cho khách hàng.
Đã có những CEO Việt Nam cùng đội ngũ quản lý của mình sẵn sàng giảm tiền lương hoặc không nhận lương khi doanh nghiệp lâm vào hoàn cảnh làm ăn khó khăn với mục đích dành phần lương của mình cho đội ngũ cấp dưới. Những việc làm như vậy cần được trân trọng.
"Trong khi sự thất hứa, trong một chừng mực nào đó, có thể chấp nhận được thì hành vi nuốt lời hứa của CEO hoàn toàn không thể chấp nhận được", ông Nghĩa khẳng định.
Khác với thất hứa có thể xảy ra vì lý do khách quan, nuốt lời hứa là sự cố tình không thực hiện lời hứa, có ý nghĩa tiêu cực và tồi tệ. CEO là hình ảnh đại diện cho bộ máy điều hành tối cao của doanh nghiệp.
Chính vì vậy, việc CEO nuốt lời đã hứa sẽ tạo nên một sự phản cảm cực kỳ xấu đối với mọi người. Đặc biệt, đối với đội ngũ, họ sẽ mất lòng tin và sự ủng hộ đối với lãnh đạo cũng như không còn tâm huyết đóng góp vì sự nghiệp phát triển tương lai của doanh nghiệp.