Ông Trần Bằng Việt, CEO Dong A Solutions, nguyên Chủ tịch Liên đoàn các nhà lãnh đạo và doanh nhân trẻ toàn cầu (JCI) tại Việt Nam năm 2016 và hiện là quản lý Câu lạc bộ Quản Trị và Khởi nghiệp. Ông cũng từng nắm giữ nhiều chức vụ lớn tại Công ty Taxi Mai Linh với vị trí Tổng giám đốc CEO, Phó ban Phát triển Kinh doanh Tập đoàn Mai Linh từ năm 2007 đến 2009.
Nhận định về vụ sáp nhập của Uber và Garb tại thị trường Đông Nam Á, ông Việt cho rằng đó là hành động đã cứu taxi truyền thống. Ông khẳng định, đơn vị được hưởng lợi lớn nhất ngoài Grab và Uber chính là taxi truyền thống.
Doanh nhân Trần Bằng Việt, người từng có nhiều năm làm ở vị trí điều hành cao nhất của hãng taxi lớn nhất khu vực phía Bắc Việt Nam.
"Khi chỉ còn một mình một sân, Grab không còn phải giảm giá để quảng bá hay giành giật thị trường nữa. Khách hàng cũng đã có thói quen sử dụng dịch vụ chất lượng & tiện nghi nên đa phần sẽ không chuyển xuống sử dụng dịch vụ thấp hơn. Giống như ta đã quen ở khách sạn 4-5 sao, tự dưng một ngày ở khách sạn mini hay nhà nghỉ bình dân ta sẽ không chịu được (dù biết là rẻ hơn nhiều).
Vậy nên, hành động thông minh nhất của Grab là neo giá cước xe vào khoảng 5-10% thấp hơn so với taxi truyền thống. Giờ cao điểm thì đương nhiên giá sẽ cao hơn, nhưng tôi tin vẫn có nhiều khách hàng lựa chọn đi.
Với hành động đó:
- Grab sẽ có lợi nhuận đáng kể, Uber cũng sẽ gián tiếp được chia lợi nhuận
- Những tố cáo về việc Grab hay Uber phá giá tự dưng thành vô hiệu
- Các hãng taxi truyền thống có quy mô lớn và có thương hiệu sẽ sống được. Vì khi đó, họ không buộc phải giảm giá quá thảm (cho gần bằng Grab).
Thêm vào đó, khoảng cách giá giữa hai loại hình dịch vụ không quá cao, nên số lượng và tốc độ khách hàng "chạy" sang Grab vì giá cũng sẽ giảm đáng kể. Một lượng khách hàng sẽ chuyển qua chuyển lại giữa các loại hình dịch vụ (có xe nào đi xe đó).
- Các cơ quan quản lý sẽ đỡ nhức đầu khi mà các bên sẽ không kiện tụng tố cáo nhau
- Mối quan hệ giữa chủ đầu tư và lái xe với Grab sẽ không còn như hiện tại mà sẽ dần mất cân bằng nghiêm trọng. Dĩ nhiên bên có lợi là Grab.
Hầu như tất cả các bên đều có lợi hơn với những thay đổi này. Đó là giá trị của cục diện và tư duy Coopetition (ghép giữa phần đầu chữ cooperative và phần sau chữ competition). Tôi chưa biết từ tiếng Việt tương đương, có lẽ tạm dùng chữ Hợp tranh (vừa Hợp tác - vừa cạnh Tranh) để mô tả.
Nhận thức đó là cực kỳ quan trọng để chúng ta tiếp tục có những biện pháp chiến lược có lợi cho doanh nghiệp của mình. Tránh bị những cảm xúc tiêu cực từ cú sốc này dẫn dắt để bỏ lỡ cơ hội trở mình, hoặc tự loại mình ra khỏi cuộc chơi.
Vậy "chúng ta" cần có hành động gì?
Với Taxi truyền thống:
1. Nhanh chóng thiết lập mặt bằng giá phù hợp đủ sống. Không nên bị ám ảnh rằng giá cao sẽ bị mất khách, vì rồi Grab cũng sẽ yên lặng cảm ơn và điều chỉnh giá theo bạn.
2. Tranh thủ thời gian "giãn" ra từ quá trình sát nhập này để đầu tư cho công nghệ. Thậm chí có thể cân nhắc 2-3 hãng cùng sử dụng chung một plattform công nghệ (dù tôi biết việc này không dễ ở Việt Nam).
Nếu bạn không thể tranh thủ tốt, gần như chắc chắn bạn sẽ bị đào thải. Dĩ nhiên cũng không cần đầu tư quá hoành tráng, mà chỉ cần đạt 80% so với những gì Grab/Uber có là đã quá đủ.
3. Một số hãng thậm chí nên sát nhập với nhau để tăng hiệu quả. Tôi tin ở cục diện 2-3 (tối đa 4) nhà cung cấp dịch vụ ở mỗi địa bàn. Doanh nghiệp xếp thứ 3 đã khó có thể có hiệu quả.
4. Tận dụng làn sóng nhà đầu tư và lái xe rời Uber để bổ sung đầu xe và lái xe (tôi tin rằng Grab chỉ hấp thụ được khoảng 50-60% lượng xe và lái xe của Uber). Muốn vậy, cần có chính sách tốt cho nhà đầu tư và cho lái xe. Dĩ nhiên, là khi đó thì doanh nghiệp đã đỡ "vã" hơn nên có khả năng "chia" nhiều hơn.
5. Tiếp tục chuyển dịch mô hình từ "đầu tư và quản lý" sang "quản lý" để giảm rủi ro trong khi vẫn tăng được quy mô lên mức độ cần thiết để có hiệu quả cao hơn.
6. Tiếp tục đấu tranh với các cơ quan quản lý để có các điều kiện kinh doanh bình đẳng và có lợi hơn trong quản lý ngành. Nhưng không phải theo hướng "trói Grab lại", mà nên theo hướng "nhả Taxi ra". Rất nhiều vấn đề trong quản lý taxi hiện tại là không hợp lý & tiến bộ.
7. Tôi nhắc lại, và một lần nữa nhấn mạnh, cần thay đổi mô hình điều phối xe. Đặc biệt, cần dứt khoát bỏ các điểm tiếp thị. Nếu không thì chỉ sẽ hại mình, hại người mà thôi.
B. Nhà đầu tư và Lái xe:
Cần ý thức sớm bất lợi và có lựa chọn phù hợp. Nếu được thì đàm phán với một hai hãng taxi truyền thống lớn nào đó (nếu họ có chính sách đủ tốt) để tham gia, hoặc ít nhất để phân tán rủi ro.
C. Người tiêu dùng:
1. Người tiêu dùng chịu thiệt nhiều nhất trong ngắn hạn (đúng hơn là giảm lợi ích). Tuy vậy, với việc taxi truyền thống không bị tận diệt nhờ quyết định "cưới hỏi" này, người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn hơn trong trung hạn.
2. Thậm chí với người chỉ dùng Grab, nên đánh giá (cho điểm, cho sao) lái xe sát hơn để có chất lượng dịch vụ trong tương lai tốt hơn. Hình dung rằng trong tương lai, rất có thể ta không chọn "hãng này, hãng khác" mà là "xe đó, xe kia". Nếu cho điểm tràn lan như hiện tại, ta khó có cơ sở tốt trong tương lai.
D. Grab:
1. Neo giá theo taxi truyền thống, giảm khuyến mãi. Không nên tiếp tục chiến lược bán dưới giá thành vì sẽ vừa thiệt, vừa gặp sự phản đối quá mạnh của ngành taxi, truyền thông và các cơ quan quản lý.
2. Thúc đẩy chuyển dịch hình ảnh thương hiệu theo hướng "chất lượng, an toàn và tiện lợi" thay vì "giá rẻ".
3. Mượn cơ hội dư xe/lái xe này để lọc đội ngũ lái xe và đẩy các xe chất lượng thấp ra khỏi đội ngũ".
Rắc rối pháp lý quanh thương vụ Grab mua Uber