Cựu BT Trương Đình Tuyển: 'Sao VTV che mặt những người sản xuất, chế biến sản phẩm bẩn?'

Hoàng Đan |

Đó là câu hỏi của ông Trương Đình Tuyển, cựu Bộ trưởng Bộ Thương mại khi nói về vấn đề thực phẩm bẩn.

Bỏ tiền mua thực phẩm sạch nhưng vẫn mua phải thực phẩm bẩn

Xung quanh câu chuyện thực phẩm, bên lề Diễn đàn Đón sóng thực phẩm sạch do Báo điện tử Trí Thức Trẻ tổ chức vào ngày 23/8, chúng tôi đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Trương Đình Tuyển, cựu Bộ trưởng Bộ Thương mại.

PV: Vấn đề thực phẩm bẩn đã và đang gây ra những bức xúc rất lớn trong nhân dân, xã hội. Cá nhân ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào và theo ông, quan trọng nhất để giải quyết vấn để này là gì?

Ông Trương Đình Tuyển: Việc Chính phủ tập trung, điều tra, xử lý thực phẩm bẩn là cần thiết và sẽ phải làm mạnh hơn nữa nhưng khó có thể làm xuể, bởi kiểm tra ở một khâu cụ thể chỉ là ngọn của vấn đề.

Chúng ta nói kiểm tra thực phẩm nhưng có đến hàng triệu người sản xuất, kinh doanh như vậy thì làm thế nào mà kiểm soát hết được.

Cho nên vấn đề quan trọng nhất là phải kiểm soát thực phẩm theo chuỗi, gắn kết chặt chẽ từ khâu trồng, canh tác, chế biến, bảo quản đến người tiêu dùng.

Chuỗi đó cũng phải kết hợp giữa nông dân với doanh nghiệp và đó là khâu quan trọng nhất.

Việc kiểm soát theo chuỗi sẽ giúp điều tiết nguồn cung, kiểm soát chất lượng từ khâu gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến phân phối đến người tiêu dùng.

Tái cơ cấu nông nghiệp, hình thành mạng sản xuất và chuỗi cung ứng sẽ giải quyết được khâu này và phải bảo đảm phân phối lợi ích hợp lý giữa các công đoạn trong chuỗi đó. Thời điểm này chúng ta có điều kiện thuận lợi hơn để sản xuất theo chuỗi...

PV: Có một thực tế mà nhiều người đặt ra, đó là, với bẩn sạch lẫn lộn thì dường như người tiêu dùng đang mất niềm tin vào các sản phẩm thực phẩm hiện nay và niềm tin vào các cơ quan chức năng quản lý cũng suy giảm theo. Ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?

Ông Trương Đình Tuyển: Đúng thế. Với các sản phẩm kém chất lượng, việc giấy phép giả… thì mình phải xử lý nghiêm, không có cách nào khác cả.

Tuy nhiên, trong không ít trường hợp, do nhiều nguyên nhân khác nhau, các cơ quan chức năng hay các cá nhân có chức năng đã làm không tốt và nếu làm hết trách nhiệm thì cũng không đủ lực lượng để kiểm tra, kiểm soát. Vấn đề ở đây là phải sản xuất theo chuỗi như tôi đã nói ở trên.

Việc chứng nhận sản phẩm sạch cũng phải được xã hội hóa, (như xã hội hóa dịch vụ công). Trong đó, có vai trò của các Hiệp hội, ngành hàng...

Nhà nước cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn (trình độ chuyên môn, thiết bị kiểm tra) cho các tổ chức này để họ được cấp giấy chứng nhận thực phẩm an toàn và kiểm tra việc thực hiện của họ có chuẩn xác không?

Thêm vào đó, cần tăng cường tính minh bạch trong việc công bố tiêu chuẩn và các quy định về ghi nhãn và quy tắc xuất xứ của sản phẩm để tránh nhập nhèm, theo kiểu "đánh lận con đen".

Hiện nay, người tiêu dùng đã nhận thức sâu sắc hơn về nguy hại của việc dùng thực phẩm bẩn. Có điều họ không biết đâu là thưc phẩm sạch thật.

Bỏ tiền nhiều hơn để mua thực phẩm sạch nhưng vẫn mua phải thực phẩm bẩn thì lại lấy tiêu chí rẻ để lựa chon, nhất là những người nghèo, người có thu nhập thấp...

Điều cần nhấn mạnh là phải đề cao trách nhiệm của các nhà sản xuất, chế biến. đối với người tiêu dùng. Chúng ta không thể chấp nhận tình trạng nhà sản xuất rau dành riêng một khoảnh đất để trồng rau ăn cho gia đình mình còn lại là sản xuất để bán cho người khác.

Trên mảnh đất đó, họ sử dụng đủ loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nhiều thành phần độc hại... Đây không chỉ đơn thuần là văn hóa kinh doanh. Đây là vấn đề đạo đức, xã hội phải lên án và xử lý mạnh tay.

Tôi nghĩ cần bổ sung vào chuẩn "Nông thôn mới" là nông dân ở xã đó không sản xuất thực phẩm bẩn".

Nhân đây, tôi cũng muốn nêu một băn khoăn là khi xem các phóng sự phản ánh, điều tra về thực phẩm bẩn, không hiểu vì lý do gì mà khi chiếu về những người sản xuất, buôn bán thực phẩm bẩn, đài VTV lại chỉ đưa loáng thoáng, che mặt của những người sản xuất, chế biến sản phẩm bẩn này lại?

Lẽ ra, theo quan điểm của tôi thì nên để cho người tiêu dùng nhận diện được các ông sản xuất, buôn bán thực phẩm bẩn để người ta không mua. Mình nêu về sản xuất, buôn bán thực phẩm bẩn mà lại che mặt những người làm việc đó đi thì tôi không hiểu.

Cựu BT Trương Đình Tuyển: Sao VTV che mặt những người sản xuất, chế biến sản phẩm bẩn? - Ảnh 1.

Cựu Bộ trưởng Trương Đình Tuyển (thứ 2, từ phải sang) cùng các đại biểu tham dự Diễn đàn.

PV: Vâng thưa ông, dù các cơ quan Nhà nước đã vào cuộc nhưng dường như vấn đề thực phẩm bẩn vẫn còn đau đáu nỗi lo và có ý kiến cho rằng, chính các cơ quan Nhà nước cũng đã thấy sự khó quản và "dồn" trách nhiệm trong việc lựa chọn, tự tìm nguồn thực phẩm cho người dân?

Ông Trương Đình Tuyển: Nói dồn trách nhiệm là không không thật chính xác mà ở đây là dồn sự may rủi cho người dân, chính xác là vậy. May ra thì vớ được "ông sạch", không may ra thì vớ được "ông bẩn".

Hiện nay, đã bắt đầu có một số cửa hàng rau sạch rồi nhưng sạch đến đâu thì chưa biết, tuy vậy, độ tin tưởng cũng cao hơn. Một vấn đề nữa là chúng ta có cửa hàng rau sạch nhưng các cửa hàng thực phẩm sạch như thịt thì chưa có, chủ yếu vẫn là ở chợ, trong siêu thị.

Song, siêu thị chủ yếu là nhập khẩu mà không cẩn thận thì thời gian tới đây khi thuế giảm đối với các loại thực phẩm như thịt bò, đùi gà Mỹ… thì giá cả rẻ hơn các loại thực phẩm trong nước. Việc kiểm soát chất lượng của thực phẩm của các nước này cũng tốt hơn, chặt chẽ hơn của ta...

Lúc đó, người dân sẽ chuyển sang mua sản phẩm ngoại nhập của các nước EU, TPP vì dù sao, độ an toàn cũng cao hơn và giá cũng thấp hơn do thuế nhập khẩu bị loại bỏ. Tôi không nói đến rau quả, thực phẩm của Trung Quốc do buôn lậu và buôn bán biên mậu.

Khi đó chẳng những ta sẽ không tận dụng được cơ hội xuất khẩu nông sản thực phẩm của ta mà còn bị sản phẩm ngoại nhập chiếm lĩnh thị trường nội địa, đẩy nông dân vào tình thế khó khăn hơn.

Do vậy, Nhà nước phải có trách nhiệm trong việc phải làm thế nào để hỗ trợ hình thành các mạng sản xuất và chuỗi cung ứng như tôi đã đề cập ở trên.

Nhà cựu Bộ trưởng chọn thực phẩm như thế nào?

PV: Với gia đình ông thì hiện nay ông thường chọn các loại sản phẩm thực phẩm như thế nào?

Ông Trương Đình Tuyển: Bây giờ, xu hướng của bà nhà tôi cũng là đành phải vào các chỗ mà người ta gọi là thực phẩm sạch.

Người ta có cửa hàng nhưng có sạch thực hay không thì tôi cũng không thể biết được. Tuy vậy, độ tin tưởng dù sao vẫn tốt hơn mua ngoài chợ.

Khi việc sản xuất, cung ứng thực phẩm sạch được phát triển, tăng lên, nhiều lên thì người dân sẽ tin tưởng hơn và có thêm các sự lựa chọn tốt hơn.

PV: GS Nguyễn Lân Dũng cũng đưa ra là các nhà khoa học đã có nghiên cứu và đang giữ tới 5.000 chủng vi sinh vật; chúng ta có tất cả các đề tài nghiên cứu về thuốc trừ sâu vi sinh học nhưng lại không có nhà máy sản xuất. Trong khi đó, chúng ta lại phải đi nhập cả trăm ngàn tấn thuốc trừ sâu hóa học.

Ông Trương Đình Tuyển: Tình trạng chung của các đề tài nghiên cứu khoa học của ta rất ít được thương mại hóa. Bây giờ không nên chờ Nhà nước. Hiện nay, khi nhu cầu về thực phẩm sạch của người tiêu dùng tăng lên như làn sóng thì bên cung phải có những người đầu tư vào đó.

Đầu tư bây giờ không phải muốn xin dự án thì đến cơ quan Nhà nước mà quan trọng là anh có dự án, không có vốn thì phải sử dụng các quỹ đầu tư.

Khi người ta thấy việc sử dụng các chế phẩm sinh học đảm bảo, phân bón đảm bảo, thực phẩm sạch sẽ có lợi, mang lại lợi nhuận cho người sản xuất thì người ta sẽ dùng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại