Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Từ dính líu tới Trịnh Xuân Thanh đến khởi tố, điều tra hình sự

Hoàng Đan |

Việc Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can thì những sai phạm của cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng không dừng ở kỷ luật Đảng, chính quyền mà sang xử lý trách nhiệm hình sự.

Từ đề nghị cảnh cáo đến xóa tư cách nguyên Bộ trưởng

Ngày 10/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiến hành khởi tố bị can đối với cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa và bắt tạm giam cựu Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ Phan Chí Dũng.

Cả 3 bị can bị khởi tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", quy định tại khoản 3 Điều 219 Bộ luật hình sự năm 2015 do có những vi phạm liên quan đến vụ án tại Tổng công ty Bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

Cách đây gần 4 năm, vào tháng 10/2016, tại kỳ họp thứ 7 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận, ông Vũ Huy Hoàng phải chịu trách nhiệm chính về các vi phạm, khuyết điểm của BCSĐ Bộ Công thương nhiệm kỳ 2011-2016.

Đồng thời, Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định cá nhân ông Vũ Huy Hoàng có những vi phạm, khuyết điểm, cụ thể:

Thiếu gương mẫu, có biểu hiện vụ lợi trong việc tiếp nhận, bổ nhiệm và điều động con trai (Vũ Quang Hải) làm kiểm soát viên Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam; tham gia HĐQT và giữ chức Phó Tổng giám đốc Sabeco, vi phạm quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, quy định của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng, gây bức xúc trong xã hội.

Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Từ dính líu tới Trịnh Xuân Thanh đến khởi tố, điều tra hình sự - Ảnh 1.

Ông Vũ Huy Hoàng.

Thực hiện không đúng các quy định của Đảng và Nhà nước trong việc cho chủ trương tiếp nhận, bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh giữ chức Phó Chánh Văn phòng, Trưởng Văn phòng Bộ tại Đà Nẵng; Chánh Văn phòng BCSĐ, Vụ trưởng, Thường trực Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp.

Mặc dù biết Trịnh Xuân Thanh có sai phạm, không đủ tiêu chuẩn, nhưng vẫn đồng ý với đề nghị của Tỉnh ủy Hậu Giang trong việc thuyên chuyển Trịnh Xuân Thanh về công tác tại tỉnh Hậu Giang để bổ nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016; thực hiện không đúng thẩm quyền khi đề nghị Tỉnh ủy Hậu Giang tạo điều kiện cho Trịnh Xuân Thanh tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang.

Báo cáo không trung thực về tình hình hoạt động của PVC và cá nhân Trịnh Xuân Thanh trước khi cấp có thẩm quyền phê chuẩn chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đối với Trịnh Xuân Thanh.

Chỉ đạo đánh giá, quy hoạch, đề nghị phê duyệt quy hoạch Thứ trưởng đối với Trịnh Xuân Thanh và một số cá nhân không đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục và tiêu chuẩn.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đề nghị Ban Bí thư thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo ông Vũ Huy Hoàng.

Ban Bí thư sau đó thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Công thương trong thời gian 2011 - 2016 đối với ông Vũ Huy Hoàng. Ban Bí thư kết luận ông Hoàng chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự Đảng Bộ Công thương.

Ông Vũ Huy Hoàng cũng đã chỉ đạo và thực hiện không đúng quy chế làm việc của Ban cán sự Đảng, quy định của pháp luật trong việc thẩm định, đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) và khen thưởng Huân chương Lao động hạng ba cho ông Đặng Vũ Ngoạn, Hiệu trưởng Trường đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM.

Ngoài ra, ông Vũ Huy Hoàng còn buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra dẫn đến một số đơn vị trực thuộc Bộ Công thương thực hiện không đúng các quy định về tuyển dụng, tiếp nhận, đánh giá, bổ nhiệm, quy hoạch cán bộ theo phân cấp quản lý cán bộ, để một số cán bộ vi phạm kỷ luật, bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra.

Các vi phạm, khuyết điểm của ông Vũ Huy Hoàng đã gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của Ban cán sự Đảng Bộ Công thương và cá nhân ông.

Tháng 12/2016, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc công bố Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2, QH khóa 14, trong đó nêu rõ:

"Quốc hội phê phán nghiêm khắc ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011-2016 trước Quốc hội, cử tri cả nước do đã có những vi phạm về công tác cán bộ trong thời gian đảm nhiệm chức vụ, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, Bộ Công thương, gây bức xúc trong xã hội, được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn".

Đến tháng 1/2017, ông Vũ Huy Hoàng bị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương nhiệm kỳ 2011 - 2016. Thủ tướng quyết định thi hành kỷ luật xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Công thương.

Đến cuối năm 2019, tại kỳ họp 41 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tiếp tục xem xét, kỷ luật ông Vũ Huy Hoàng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng (giai đoạn 2007 – 2016).

Lý do, đã để xảy ra những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng Bộ Công thương trong việc thực hiện Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II – Công ty Gang thép Thái Nguyên (Dự án TISCO II), gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thiệt hại lớn tiền và tài sản của Nhà nước, nhiều cán bộ, đảng viên liên quan bị xử lý hình sự, gây bức xúc trong xã hội.

Cựu Bộ trưởng từng ở nước ngoài 163 ngày trong một năm

Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ năm 2018 cho thấy có thời điểm ông Vũ Huy Hoàng, ở nước ngoài tổng cộng tới 163 ngày trong một năm.

Cụ thể, năm 2014 ông Hoàng tham gia 23 đoàn đi nước ngoài; con số này vào năm 2015 là 22 đoàn. Tổng số thời gian cựu bộ trưởng Bộ Công Thương ở nước ngoài lên tới 163 ngày, chiếm hơn nửa thời gian làm việc trong năm.

Ngoài ông Vũ Huy Hoàng, nhiều thứ trưởng khác cũng tham gia đi nước ngoài nhiều hơn 2 lần/năm.

Trước đó, vào năm 2017, ông Vũ Huy Hoàng cũng gây ồn ào về việc xin cấp thẻ kiểm soát an ninh vào khu vực cách ly của sân bay để tiễn người thân đi công tác nước ngoài.

Đề nghị của ông Hoàng đã được Bộ Công Thương hỗ trợ bằng một công văn gửi tới các cơ quan đề nghị giải quyết.

Sau đó, ông Vũ Huy Hoàng được Cảng Vụ hàng không miền Bắc cấp thẻ vào khu vực cách ly 2A, đồng thời, có một cán bộ của Văn phòng Bộ đi cùng.

Bộ Công thương sau đó nêu rõ, việc ký công văn là không phù hợp với các quy định của pháp luật và yêu cầu các cá nhân liên quan giải trình sự việc, đồng thời, xem xét hình thức xử lý phù hợp.

Ông Hoàng từng nhận số phiếu “tín nhiệm thấp” trong nhóm cao nhất

Tháng 6/2013, trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công thương khi đó thuộc nhóm 4 bộ trưởng có số phiếu “Tín nhiệm thấp” cao nhất.

Cụ thể, ông Hoàng nhận được 112 (22,49%) phiếu “Tín nhiệm cao”, 251 (50,4%) phiếu “Tín nhiệm” và 128 (25,7%) phiếu “Tín nhiệm thấp”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại