Vậy thì cớ gì chúng ta không giành giật lại thị trường bằng công nghệ, bằng sự tháo vát của kinh doanh trong nền kinh tế thị trường đối với tất cả các mặt hàng điện gia dụng và dân dụng?.
Đó là trăn trở của GS-TS. Hoàng Văn Phong, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, trước các nhà khoa học, các nhà quản lý, các doanh nghiệp trong lĩnh vực KHCN tại một Hội nghị do Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) tổ chức ngày 16/5/2019.
Phải làm được những thứ đơn giản nhất cho dân
Với quy mô thị trường xấp xỉ 10 tỷ USD mỗi năm, thị trường đồ điện gia dụng chính là đất sống của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Nhưng để có những sản phẩm gia dụng “Make in Việt Nam”, không chỉ đòi hỏi vai trò của các doanh nhân mà trước hết phải cần đến tâm huyết của đội ngũ các nhà khoa học.
Bếp từ, máy hút mùi đang được bày bán tại Việt Nam với đủ loại mức giá khác nhau, nhưng hầu hết đều là hàng nhập khẩu
Muốn vậy, GS-TS. Hoàng Văn Phong gợi ý các trường Đại học, các Viện Nghiên cứu cần lập ra những nhóm nghiên cứu, làm đến nơi đến chốn xem “những cái công nghệ làm ra bao nhiêu chi tiết của cái ấm điện”.
Cần phải biết cái gì có thể làm được, cái gì có thể dùng công nghệ mới để làm ra một cái ấm điện chất lượng ngang bằng sản phẩm của Thái Lan, rồi đến Hàn Quốc, Nhật Bản.
Thẳng thắn với những người đang hoạt động trong lĩnh vực KH&CN, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN giai đoạn từ năm 2000-2011 cho rằng đổi mới sáng tạo là phải đổi mới ở cái mà chúng ta đang mất thị trường, đó mới là thứ người dân Việt Nam đang cần, và bản thân các nhà khoa học cũng đang cần.
“Cần phải đổi mới tư duy, đừng coi thường những thứ chúng ta hay coi thường. Chúng ta không quá giàu để có thể làm ra được máy bay, tàu vũ trụ, nhưng phải làm được những thứ đơn giản nhất cho người dân”, GS-TS. Hoàng Văn Phong nói.
“Tôi rất muốn và hy vọng những nghiên cứu của chúng ta phải trả lời được câu hỏi tại sao sản phẩm của Hàn Quốc, Nhật Bản lại có thể chiếm lĩnh được thị trường Việt Nam, trong khi Việt Nam không thể chiếm lĩnh được thị trường trong nước.
Bản thân chúng ta phải giúp người nông dân có tiền mà không cần phải những thứ cao siêu. Toàn là những thứ quá bình thường, nhưng công nghệ nào, mức độ nào thì chúng ta phải xác định.
“Tôi nghĩ nếu các bạn là những nhà khoa học trăn trở và tìm kiếm công nghệ đó, cũng không phải dễ dàng tìm ra được công nghệ mặt trong của ấm nước đâu. Độ phủ của nó như thế nào để không độc hại, thành phần hóa học ra sao, có biết không?
Thế thì sao mà giúp được doanh nghiệp? Tôi xin lỗi, nhưng tôi rất muốn các nhà khoa học hãy nghiên cứu, giành giật lại thị trường để đồng tiền chảy vào túi người dân Việt Nam”.
GS-TS. Hoàng Văn Phong, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN.
13.000 công nhân Đài Loan làm việc bằng nửa triệu nông dân Việt
GS-TS. Hoàng Văn Phong lấy ví dụ về câu chuyện những chiếc xe đạp được sản xuất tại Đài Loan, qua đó để thấy chúng ta đang bị tụt hậu về KH&CN ra sao.
Cuối những năm 1980, người Đài Loan bắt đầu tập trung phát triển thị trường xe đạp nhằm khuyến khích người dân sử dụng loại hình phương tiện thân thiện với môi trường.
Thời điểm đó, xe đạp Đài Loan được xuất khẩu sang một số thành phố của Mỹ, nhưng tại các cửa hàng bán và sửa chữa xe đạp tại đây được treo tấm biển “Ở đây không nhận sửa chữa xe đạp Đài Loan”. Lý do là xe đạp “Made in Taiwan” quá kém chất lượng, không đáng để sửa chữa.
Chứng kiến cảnh đó, một trung tâm công nghệ của Đài Loan tập trung tìm hiểu những yếu kém của chiếc xe đạp Đài Loan, và họ đi đến kết luận nguyên nhân do kiểu dáng không bắt mắt; chất lượng kém từ đủ mọi bộ phận như xích, líp, đĩa, may-ơ, trục giữa,…, những bộ phận này khiến người dùng phải thường xuyên tra dầu mỡ.
Họ đã tập trung giải mã công nghệ từng chi tiết, từng linh kiện, nhỏ nhất như cái nan hoa, cho đến các bộ phận như xích, líp, trục, phanh,… và tất nhiên cả kiểu dáng cũng được cải cách. Họ nghiên cứu một cách bài bản, chẳng hạn như làm thế nào để bộ phân may-ơ có bề mặt nhẵn nhưng chịu được ma sát cao, chịu được nhiệt,…
Sau 20 năm, trung tâm nghiên cứu đó đã phát triển thành một doanh nghiệp sản xuất xe đạp có doanh thu 750 triệu USD/năm. Thậm chí, ở Đài Loan có tới 3 doanh nghiệp lớn chuyên sản xuất xe đạp với doanh thu tổng cộng 3,75 tỷ USD/năm. Con số này đến từ việc bán xe đạp cho người Đài Loàn và xuất khẩu xe đạp ra thế giới.
Để nhấn mạnh ý nghĩa của con số 3,75 tỷ USD doanh thu từ bán xe đạp của 3 công ty Đài Loan, GS-TS. Hoàng Văn Phong so sánh tương đương với số tiền thu được từ sản xuất lúa gạo ở Việt Nam thông qua canh tác trên 500.000ha, với điều kiện mỗi ha cho thu hoạch 15 tấn lúa/năm, giá bán giá mỗi tấn lúa ở mức 500 USD (tính theo mức giá cao nhất).
“Nếu thu hoạch lúa gạo trên 500.000ha, mỗi ha cho thu hoạch 15 tấn/năm, giá mỗi tấn lúa bán được 500 USD thì chúng ta mới thu về được 3,75 tỷ USD.
Giả sử mỗi ha như thế do một người nông dân phụ trách canh tác, như vậy chúng ta cần tới nửa triệu người nông dân cùng nửa triệu ha đất để làm ra 3,75 tỷ USD, trong khi 3 công ty sản xuất xe đạp của Đài Loan chỉ có 13.000 công nhân”, ông Phong nói.
Như vậy, nếu chúng ta cứ loanh quanh với câu hỏi đầu tư vào những thứ nhỏ nhặt liệu có đáng hay không, thì người nông dân vẫn phải cam chịu.
Nhưng nếu dám nhìn lại những sản phẩm của chúng ta và tự hỏi công nghệ nào có thể biến đổi về tính năng, kiểu dáng, và chất lượng, chắc chắn có thể áp dụng được. Đó chính là hành động thiết thực nhất để phát triển thị trường Khoa học và Công nghệ của Việt Nam.