Cựu Bộ trưởng TQ: Bắc Kinh dùng đàm phán thương mại để ngăn quan hệ Mỹ-Trung mất kiểm soát

An An |

"TQ sử dụng các cuộc đàm phán thương mại để giữ quan hệ với Mỹ không bị mất kiểm soát trong bối cảnh bầu không khí song phương ngày càng trở nên thù địch", ông Trần Đức Minh nói.

Quan chức TQ: Bắc Kinh ngăn quan hệ Mỹ-Trung mất kiểm soát

Bắc Kinh đang dùng các cuộc đàm phán chiến tranh thương mại để ngăn chặn mối quan hệ song phương Trung-Mỹ vượt ngoài tầm kiểm soát sau khi Washington thông qua hai dự luật liên quan đến vấn đề Tân Cương và Hồng Kông, cựu Bộ trưởng thương mại Trung Quốc Trần Đức Minh cho biết.

Theo ông này, căng thẳng từ các dự luật được Mỹ thông qua gần đã gây lo ngại về tương lai của một thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa hai nước, trong khi Trung Quốc đang tách biệt các vấn đề.

"[Các dự luật] làm tổn thương cảm xúc của người dân Trung Quốc, điều này chắc chắn không có lợi cho các cuộc đàm phán thương mại", cựu Bộ trưởng thương mại Trung Quốc nói trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP - Hồng Kông) tại một sự kiện ở New York vào tuần này.

"Tuy nhiên, về cơ bản [thương mại và dự luật] là hai vấn đề khác nhau. Nếu chúng ta liên kết chúng với nhau thì sẽ không có cuộc đàm phán thương mại nào cả", ông nhấn mạnh.

Ông tiết lộ, mặc dù sẽ ban hành các biện pháp đối phó để trả đũa hai dự luật của Mỹ nhưng Bắc Kinh không có kế hoạch ngừng đàm phán thương mại hoặc một thỏa thuận thương mại đầy triển vọng.

Cựu Bộ trưởng TQ: Bắc Kinh dùng đàm phán thương mại để ngăn quan hệ Mỹ-Trung mất kiểm soát - Ảnh 1.

Đại diện thương mại Lưu Hạc vẫn đang làm việc với Washington, ông Trần Đức Minh cho biết. Ảnh: SCMP

"Theo như tôi biết, đoàn đại diện thương mại do [Phó Thủ tướng] Lưu Hạc đứng đầu vẫn điện đàm với phía Mỹ", cựu Bộ trưởng Trần Đức Minh nói. "Thực tế là các cuộc đàm phán đang tiếp tục".

Bình luận của ông được đưa ra trước khi thông tin Tổng thống Donald Trump phê duyệt một thỏa thuận thương mại tạm thời với Trung Quốc vào hôm thứ Năm 12/12.

Theo ông Trần, mặc dù Tổng thống Donald Trump trước đây đã tuyên bố các cuộc đàm phán thương mại sẽ chịu ảnh hưởng từ phản ứng của Bắc Kinh đối với các cuộc biểu tình ở Hồng Kông nhưng với Bắc Kinh, chúng luôn là hai vấn đề khác nhau.

"Chúng tôi có lập trường và nguyên tắc riêng. Vấn đề thương mại Trung-Mỹ không chỉ liên quan đến tình hình hai nước, mà còn liên quan đến tương lai của nền kinh tế toàn cầu trong năm tới", ông nói. "Liên quan đến việc nền kinh tế thế giới sẽ rơi vào suy thoái hay trở nên thịnh vượng. Tôi hy vọng Mỹ sẽ ngừng liên kết hai vấn đề với nhau".

Nền kinh tế Mỹ và TQ không thể tách rời

Theo SCMP, mặc dù bày tỏ sự tin tưởng Bắc Kinh và Washington sẽ đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn một nhưng cựu Bộ trưởng Trần Đức Minh cũng đưa ra cảnh báo rằng, mối quan hệ song phương có thể trở nên tồi tệ.

"Một phần của thỏa thuận giai đoạn một không thể giải quyết được những khác biệt cơ bản giữa Trung Quốc và Mỹ", bởi theo ông, Washington hiện coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược.

"Tuy nhiên, tại thời điểm cả hai nền kinh tế đang gặp khó khăn, một thỏa thuận [thương mại] ít nhất có thể tạo ra một chút ánh sáng, một chút tin tức tốt lành, một chút thoải mái... nhưng điều đó không thể giải quyết mọi vấn đề", ông nói thêm.

SCMP cho biết, theo ông Trần Đức Minh, việc Mỹ coi Trung Quốc là kẻ thù là quan niệm tệ hại.

"Một số phương tiện truyền thông và tổ chức của Mỹ đang mô tả Trung Quốc là mối quan ngại, hoặc thậm chí là mối đe dọa đối với Mỹ và coi Trung Quốc là kẻ thù. Nhưng nếu bạn quyết định làm kẻ thù với một đất nước 1,4 tỷ dân, điều đó thực sự không khôn ngoan", Cựu bộ trưởng Trung Quốc nói. "Trên thực tế, Trung Quốc không phải là kẻ thù của Mỹ. Chúng tôi ở rất xa phía bên kia trái đất và chúng tôi không triển khai hải quân đến bờ biển Mỹ, không giống như hải quân Mỹ thường đưa tàu chiến đi qua Eo biển Đài Loan".

Ông này tuyên bố, Trung Quốc sẽ nỗ lực mở cửa thị trường nhằm giúp các nền kinh tế khác không phải lựa chọn giữa hai cường quốc.

"Nếu nền kinh tế Trung Quốc và Mỹ tách rời nhau, các quốc gia khác trên thế giới sẽ buộc phải chọn bên và đó là một lựa chọn nguy hiểm đối với họ", ông Trần nói. "Đối với Trung Quốc, chúng tôi sẽ mở rộng thị trường, bao gồm Châu Âu và Nhật Bản. Cách duy nhất mà chúng ta có thể ngăn chặn sự tách rời là mở cửa thị trường Trung Quốc hơn nữa".

Đồng thời nhận định về việc Washington liên tiếp ngăn WTO bổ nhiệm các thành viên mới vào hội đồng để nghe các kháng cáo trong tranh chấp thương mại, cựu Bộ trưởng Trung Quốc khẳng định, WTO vẫn là một cơ chế đa phương quan trọng cần phải được cải tổ.

Ông này cảnh báo: "Nếu mất đi cơ chế đa phương này và không có sự thay thế nào khác, nền kinh tế toàn cầu sẽ suy thoái trầm trọng, bao gồm cả Mỹ".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại