Tối 9/1, các bị cáo vụ án Việt Á nói lời sau cùng trước khi toà nghỉ nghị án.
Ông Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Y tế) với ánh mắt rưng rưng, gửi lời cám ơn các giáo sư, học trò và đồng nghiệp vì họ đã có đơn xin giảm nhẹ cho bị cáo gửi đến hội đồng xét xử.
"Bị cáo rất ân hận, xót xa, đau khổ", ông Long bày tỏ. Cựu Bộ trưởng Y tế giãi bày, suốt hơn 30 năm học tập, rèn luyện và giữ gìn nhưng vướng vòng lao lý trong vụ án. Nhắc đến gia đình, giọng nói của cựu Bộ trưởng Y tế chùng xuống. Ông rớm nước mắt, nhận bản thân có lỗi với người thân, bạn bè, có lỗi với đồng nghiệp.
"Bị cáo thành thật xin lỗi", ông Nguyễn Thanh Long nhắn nhủ khi nói lời sau cùng và giãi bày, trong khoảng thời gian khó khăn, cam go nhất lịch sử khi đất nước bùng phát dịch COVID-19, bị cáo chỉ biết luôn cố gắng nỗ lực chống dịch, cứu người.
"Bị cáo chưa có phút nào được nghỉ ngơi", ông Long nói. Đồng thời bị cáo mong hội đồng xét xử tỏ sự khoan hồng đối với các bác sĩ, nhân viên ngành y tế vướng lao lý trong đại án Việt Á.
Với bản thân, ông Nguyễn Thanh Long cũng mong muốn cấp sơ thẩm cho bị cáo được hưởng khoan hồng để sớm trở về bên gia đình dù nếu chỉ còn "những ngày tháng ít ỏi do bệnh tật".
Đến lượt mình, cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cũng gửi lời xin lỗi Đảng, Nhà nước và các thế hệ lãnh đạo, cán bộ của Bộ này.
"Bị cáo thật sự đau xót khi để xảy ra sai phạm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng và không có gì để biện minh", ông Chu Ngọc Anh nhìn nhận.
Lấy tư cách từng là người đứng đầu Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Chu Ngọc Anh kiến nghị hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ cho cựu Thứ trưởng Phạm Công Tạc, cựu Vụ phó Trịnh Thanh Hùng và các bị cáo khác.
"Bị cáo đã bị trả giá trong ân hận, đau xót, day dứt suốt 581 ngày bị tạm giam" và sẽ phải trả giá những ngày sắp tới", cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ giãi bày và mong tòa sơ thẩm áp dụng các tình tiết giảm nhẹ cho mình.
Trong lời nói sau cùng, cựu Bí thư Hải Dương Phạm Xuân Thăng nói bản thân rất đau xót, hối hận về những hành vi sai phạm. Bị cáo nói rằng qua hơn 34 năm công tác, ông trải qua nhiều vị trí và luôn nỗ lực rèn luyện, chưa từng bị kỷ luật.
"Đến hôm nay, vì sai lầm bị cáo đã mất đi tất cả, phải chịu hình phạt đau xót nhất là bị khai trừ ra khỏi Đảng”, ông Thăng trình bày. Trước tòa sơ thẩm, bị cáo nhận trách nhiệm của người từng đứng đầu Tỉnh ủy Hải Dương, đồng thời gửi lời xin lỗi Đảng bộ và Nhân dân trong tỉnh. Ông Phạm Xuân Thăng cũng mong hội đồng xét xử giảm nhẹ cho bị cáo và những người từng là cấp dưới trong vụ án.
Còn Tổng giám đốc Việt Á Phan Quốc Việt khi nói lời sau cùng cũng thừa nhận sai phạm với vai trò là người quyết định mọi công việc tại Việt Á. Theo bị cáo Việt, các nhân viên công ty này đều thực hiện theo chỉ đạo của bị cáo. Do đó, Phan Quốc Việt mong muốn được nhận toàn bộ trách nhiệm về mình.
Ngoài ra, Phan Quốc Việt nhắc lại đề nghị về việc mong cấp sơ thẩm xem xét bối cảnh, thời điểm xảy ra vụ án để đánh giá khi lượng hình. Với những bị cáo còn lại, họ mong muốn hội đồng xét xử áp dụng các tình tiết giảm nhẹ, tuyên mức án thấp hơn mức mà viện kiểm sát đề nghị để họ có cơ hội sớm trở về bên gia đình.