Bệnh nhi được đưa vào Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP. Hồ Chí Minh) trong tình trạng khò khè, quấy khóc và hoảng loạn.
Qua khai thác bệnh sử và thăm khám, các bác sĩ chỉ định nội soi để lấy dị vật cho bệnh nhi. Ê-kíp phẫu thuật tiến hành gắp dị vật là 1 hạt dưa bằng ống nội soi vào lòng phế quản phổi phải của bệnh nhi.
Hiện tại, bệnh nhi ít đau, không bị sẹo đường thở và ít cần dùng thuốc và có thể xuất viện sớm.
TS.BS Trịnh Hồng Nhiên, Trưởng Khoa Hô hấp chia sẻ: Không chỉ hạt dưa, còn có các dị vật nguy hiểm với trẻ là hạt hồng xiêm, hạt mãng cầu. Những hạt này trơn tuột rất khó gắp, nhiều hạt to chèn ép gây xẹp và ứ khí một phổi, chỉ còn một phổi thông khí nên rất khó kiểm soát. Nhiều biến chứng viêm xẹp, tràn khí màng phổi, áp xe phổi kéo dài và dễ nguy kịch nếu để lâu không phát hiện.
Điều cha mẹ cần biết là tai nạn nuốt dị vật ở trẻ em nói riêng hết sức phổ biến. Lý do là trẻ đang ở giai đoạn lớn và phát triển, bắt đầu biết bò và biết cầm nắm. Khi đó, trẻ chỉ có ba bộ phận để cảm nhận và tương tác với môi trường xung quanh là tay, mắt và miệng, các cháu chưa có tri giác nhận thức và ý thức về sự nguy hiểm.
Qua đây, các bác sĩ khuyến cáo: Phụ huynh không nên cho trẻ đùa nghịch, cười đùa, khóc to, sợ hãi khi ăn, hay chơi các đồ chơi nhỏ, vì trẻ nhỏ hay ngậm, mút đồ chơi, khiến chúng dễ rơi vào đường thở. Cũng nên thận trọng với những thức ăn có thể làm cho trẻ mắc dị vật như: hạt đậu lạc, hạt trái cây to, ngô bắp, vỏ tôm, cua... để hạn chế những tai biến đáng tiếc xảy ra.