Năm 2009, một vụ trộm lúc 5h sáng đã làm bàng hoàng toàn bộ người dân Thụy Điển. Nguyên nhân là nhóm trộm đã sử dụng máy bay trực thăng để đột nhập kho chứa tiền lấy đi 5 triệu USD một cách dễ dàng và đơn giản ngay tại thủ đô Stockholm.
Chưa dừng lại ở đó, hàng loạt những vụ cướp xe buýt gia tăng kể từ năm 2006 cũng đã buộc chính phủ nước này thắt chặt lại hệ thống an ninh. Các tài xế lái xe buýt được khuyến cáo không nên nhận tiền mặt mà đề nghị thanh toán qua hệ thống thẻ quẹt trên xe.
Thế rồi vụ bê bối lớn nhất năm 2012 diễn ra khi hãng chuyển tiền lớn nhất Thụy Điển là Panaxia phá sản, hàng triệu đồng Kronor đã mất tích bí ẩn khi cảnh sát vào cuộc điều tra.
Tất cả những câu chuyện trên khiến chính phủ Thụy Điển nhận ra rằng tiền mặt ngày càng khiến xã hội mất an toàn, dù chúng là một loại tài sản đảm bảo cũng như phương tiện thanh toán quen thuộc của người dân.
Như một hệ quả tất yếu, trong 5 năm trở lại đây Thụy Điển trở thành một điểm sáng ở Châu Âu khi từ bỏ tiền mặt nhanh nhất khu vực. Từ luật pháp, công nghệ, văn hóa cho đến kinh doanh của nước này đều đang loại bỏ dần phương thức thanh toán truyền thống.
Tổng số tiền mặt đưa vào lưu thông tại Thụy Điển năm 2017 đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 1990 và hiện thấp hơn 40% so với mức đỉnh năm 2007. Mức suy giảm tiền mặt trong lưu thông năm 2017 cũng là mức giảm kỷ lục của Thụy Điển.
Quốc gia chán tiền mặt
Trên thực tế, định hướng một xã hội không tiền mặt đã được Thụy Điển hướng tới từ nhắm năm 1960 khi các ngân hàng nơi đây tích cực đầu tư cơ sở hạ tầng cho dịch vụ gửi tiền lương trực tuyến vào tài khoản. Những nhân viên sử dụng dịch vụ này sẽ được miễn phí khi rút tiền cũng như nhiều lợi ích khác.
Chính sự đầu tư từ sớm này đã làm giảm lượng tiêu thụ tiền mặt trong nền kinh tế cũng như giảm dần loại hình ký séc thanh toán kể từ thập niên 1980.
Xu thế này lại trực tiếp khiến chi phí duy trì hoạt động hệ thống cung cấp tiền mặt như ATM trở thành gánh nặng cho các ngân hàng, khiến họ càng giảm dịch vụ trong mảng này, qua đó càng khiến lượng sử dụng tiền mặt trong xã hội đi xuống.
Tiền mặt đưa vào lưu thông tại Thụy Điển ở mức thấp nhất kể từ năm 1990 (tỷ krona)
Tiền mặt đưa vào lưu thông tại Thụy Điển ở mức thấp nhất kể từ năm 1990 (tỷ krona)
Theo nghiên cứu của ngân hàng Riksbank, chi ví quản lý tiền mặt tại Thụy Điển khiến nước này tốn khoảng 1,3 tỷ USD hàng năm. Bởi vậy kể từ năm 2010 đến nay, tỷ lệ chi nhánh ngân hàng từ chối giao dịch tiền mặt với khách hàng tại Thụy Điển đã tăng từ 16% lên 58%. Trong khi đó CEO Nina Wening của ngân hàng Bankomat cho biết số máy ATM tại Thụy Điện đã giảm mạnh trong những năm gần đây.
Hơn nữa, số tiền mặt mà người dân được rút ở ATM cũng bị giới hạn. Năm 2007, mỗi khách hàng có thể rút tối đa 1.200 USD/ngày và không quá 3.000 USD trong 4 ngày liên tiếp. Đến năm 2016, người dân chỉ có thể rút tối đa 240 USD/ngày và không quá 2.400 USD/tuần.
Bên cạnh đó, chính phủ Thụy Điển cũng đi tiên phong trong việc xây dựng hàng lang pháp lý cho một xã hội không tiền mặt.
Trong khi nhiều quốc gia quy định bất kỳ cửa hàng nào cũng phải chấp nhận thanh toán bằng đồng nội tệ thì Thụy Điển cho phép các cửa hiệu từ chối thanh toán bằng tiền mặt và chỉ nhận thanh toán trực tuyến. Giờ đây, rất nhiều cửa hàng tại Thụy Điển dán biển "Không chấp nhận tiền mặt" ngoài cửa.
Từ năm 2012, Thụy Điển đã cho phát triển nhiều ứng dụng tài chính điện tử, kết nối tài khoản ngân hàng với các dịch vụ và cửa hiệu, cho phép người dân thanh toán trực tuyến nhanh, an toàn và hiệu quả. Hiện 70% số người trên 15 tuổi ở Thụy Điển đang sử dụng hình thức thanh toán trực tuyến như vậy.
Với những cố gắng và thành công trên, Thụy Điển đang hướng đến mục tiêu xã hội không tiền mặt vào năm 2023.
Câu chuyện của Thụy Điển khiến nhiều chuyên gia thế giới quan tâm bởi nghiên cứu của Smithers Pira cho thấy lượng tiền mặt đưa vào lưu thông trên toàn cầu vẫn tăng trưởng 5% mỗi năm. Vô hình chung, Thụy Điển trở thành một nền kinh tế phát triển thí điểm mô hình không tiền mặt.
Gần đây, ngân hàng trung ương của nước này còn xem xét phát hành tiền ảo quốc gia E-Krona, một loại hình thanh toán khá tương tự Bitcoin.
Những động thái giảm tiềm mặt trong nền kinh tế đã giúp Thụy Điển hạn chế số vụ cướp ngân hàng từ 110 vụ năm 2008 xuống 20 vụ năm 2013. Trớ trêu thay, tỷ lệ lừa đảo thẻ ngân hàng lại tăng 15% lên 148.000 vụ vào năm 2013.
Báo cáo của Hội đồng phòng chống tội phạm quốc gia Thụy Điển (BRA) cho thấy số vụ tội phạm công nghệ khiến nước này hàng năm thiệt hại 0,4-11,4% GDP tùy thời kỳ, tương đương 1,7-6 tỷ USD.