Chân dung cướp biển Edward Teach (1680 – 1718).
Hải tặc kỳ tài
Teach khai sinh tại Bristol (Anh) và bắt đầu nổi tiếng vào thập niên 1700, nhờ tài chèo thuyền và kỹ năng chiến đấu trên biển. Y tham gia Chiến tranh Kế vị Tây Ban Nha (1701 – 1714), đầu quân cho Anh, chiến đấu với các tàu địch ở vùng Tây Ấn.
Sau chiến tranh, Teach lọt vào mắt cướp biển lừng danh Benjamin Hornigold (1680 – 1719, Anh), được chiêu mộ vào băng. Năm 1716, Hornigold giao cho Teach quyền chỉ huy chiếc thuyền buồm mới cướp. Sau gần 1 năm, bộ đôi hải tặc quyết định rời vùng biển ẩn náu là New Providence (Bahamas), cướp tàu thuyền thương mại.
Chỉ vài tháng ra quân, Hornigold và Teach đã cướp được một số thuyền buôn bột mỳ và rượu. Giới hải tặc cho rằng, mọi công cán đều thuộc về Teach và thèm muốn có y trên thuyền.
Cùng thời gian, Hornigold và Teach gặp hải tặc mới vào nghề, Stede Bonnet (1688 – 1718). Bonnet than thở, đoàn cướp 70 thành viên dưới tay mình chê chỉ huy, mời Teach tiếp quản với tư cách thuyền trưởng. Teach đồng ý, cùng Hornigold lèo lái 3 thuyền cướp biển. Sau ít tháng, họ lại cướp thêm được 1 thuyền.
Hiền hơn lời đồn
Không có bất cứ ghi chép nào cho thấy Teach hay Hornigold dùng bạo lực để cướp tàu. Hornigold chỉ tấn công người ra tay với hắn trước, còn Teach thì chẳng đánh đấm lần nào.
Sự hiền lành của y khiến đoàn cướp biển của Hornigold ngao ngán. Năm 1717, Hornigold quyết định đường ai nấy đi. Hắn lấy tàu ban đầu của mình và 1 chiếc khác, để cho Teach 2 chiếc còn lại. Từ lúc này, họ không bao giờ gặp lại nhau.
Vừa tách đôi, Teach đã tấn công và cướp được tàu Concord (Pháp) đang neo gần Saint Vincent. Y đổi tên nó thành Queen Anne’s Revenge, trang bị 40 khẩu súng và đưa 300 cướp biển lên. Trong vòng 1 năm, Queen Anne’s Revenge là tàu hải tặc chủ lực, giúp Teach đánh hạ không ít thuyền.
Cũng chính trong năm này, các nhà văn chú ý đến bề ngoài với bộ râu đáng kinh ngạc của Teach. Họ mô tả nó dài, rậm và đen nhánh, phủ kín khuôn mặt. Teach phải tết bớt râu lại rồi buộc dây cho gọn. Cũng vì bộ râu này, y mới có biệt danh Râu Đen.
Nhiều nhà sử học cho rằng, Teach chỉ dùng ngoại hình để dọa nạt người khác chứ không hề có hành vi hung ác. Y thành công chiếm nhiều thuyền buôn nhờ tàu lớn, hỏa lực mạnh, lực lượng hải tặc đông. Ít nhất, cho đến nay, chưa có bằng chứng nào chỉ ra Teach từng giết người.
Kết cục tàn bạo
Cuối năm 1718, Teach bao vây bờ biển Nam Carolina (Mỹ), cướp bóc và gây hoảng loạn. Sau khi dỗ ngọt người dân ven bờ, y tới Bắc Carolina, xin Thống đốc Charles Eden (1673 – 1722) ân xá. Không rõ y miệng lưỡi hay đút lót, nhưng Eden bằng lòng.
Trong lúc ai nấy đều tưởng thời đại của Râu Đen đã chấm dứt, Teach cướp 2 tàu Pháp ở ngoài khơi bờ biển Bermuda. Hai tàu này chở đầy 2 mặt hàng quý giá là ca cao và đường.
Teach đưa chúng về Bắc Carolina, nói dối rằng "nhặt được trên biển". Eden cho phép Teach đem hàng hóa đi bán, nên bị các chỉ huy dưới quyền nghi ngờ thông đồng với cướp biển và âm thầm tính cách lật mặt rồi giết Teach.
Người tiên phong diệt trừ Teach là Alexander Spotswood (1676 – 1740). Ông đích thân tài trợ và giao quyền đột kích cho Robert Maynard (1684 – 1751).
Sáng ngày 22/11, Maynard tấn công Teach. Vì chỉ có 57 lính, ông sớm bị áp đảo. Biết không thể thắng bằng thế đơn lực mỏng, Maynard mạo hiểm đánh lừa. Ông lợi dụng khói, giấu tàn quân dưới đuôi tàu, khiến Teach lầm tưởng đã thành công mà nhảy sang thuyền của mình.
Khi khói tan, Teach thật sự mắc câu. Y đem một toán nhỏ, sục sạo thuyền của Maynard. Ngay khi Teach tới đuôi tàu, Maynard và các hải quân còn lại lao ra thét vang. Hai bên cận chiến dữ dội.
Nhờ đông người hơn, Teach đẩy lùi Maynard. Tuy nhiên, đang lúc thượng phong, y bị trúng một dao vào cổ. Vết thương nặng khiến Teach sụp xuống và dính loạn đao, loạn đạn.
Mất thuyền trưởng, các tên cướp biển lập tức đầu hàng. Maynard kiểm tra thi thể Teach, thấy trúng 5 viên đạn và bị chém 20 nhát. Ông chặt đầu Teach, xỏ dây treo lên mũi tàu.
Hộp sọ lưu lạc
Lên bờ, Maynard cắm cọc thủ cấp của Teach ngay cửa vịnh Chesapeake, cảnh cáo những tên cướp biển khác. Nhiều năm tiếp theo, hộp sọ này nằm yên tại chỗ.
Lời đồn đại hồn ma không đầu của Râu Đen lởn vởn Chesapeake xuất hiện khắp nơi. Dân gian Mỹ còn kể, khi thi thể không đầu của Râu Đen bị ném xuống biển, nó bơi quanh con tàu 7 vòng rồi mới chìm.
Xung quanh vịnh Chesapeake, cứ mỗi khi thấy đốm sáng lạ, người ta lại cho đó là "đèn ma Teach". Một ngày, hộp sọ của Teach biến mất khỏi đầu cọc. Suốt gần 200 năm, Mỹ tin rằng nó được chuyền tay từ người này sang người khác.
Truyền thuyết Mỹ còn khẳng định, hộp sọ của Teach đã được tráng bạc làm bát uống. Mỗi khi có cuộc họp quan trọng về cướp biển, người ta lại đem bát hộp sọ này ra uống nước hoặc uống rượu. Ở khu vực New England, nó còn được dùng như bát nghi lễ trong nghi thức kết giao bằng hữu…
Thế kỷ XX, hộp sọ của Râu Đen có khả năng nằm trong bộ sưu tập của nhà văn Edward Rowe Snow (1902 – 1982). Khi Snow qua đời, nó được tặng cho Bảo tàng Peabody-Essex, Massachusetts.
Peabody-Essex không dám trưng bày hộp sọ Râu Đen, sợ "không chính chủ". Vài bảo tàng khác từng mượn hộp sọ này trưng bày, nhưng đều ghi chú rõ "không chắc chắn là của Râu Đen".