1. 500.000 người Philippines sơ tán vì bão Kammuri
Sau 24 giờ tăng cấp sức mạnh lên trạng thái 'siêu bão', tính đến 13 giờ ngày 3/12, trận bão cuồng phong Kammuri đã dần hạ cấp. Tuy nhiên, ảnh hưởng của bão Kammuri gây cho Philippines - nước chủ nhà SEA Games 30 - rất nặng nề.
Tính đến 13 giờ ngày 3/12, bão Kammuri có sức gió mạnh nhất đạt 157 km/giờ, gió giật mạnh 194 km/giờ. Bão di chuyển khá nhanh theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 30 km, Trung tâm dịch vụ thời tiết quốc gia Mỹ (AccuWeather) thông tin.
Tin tức mới nhất của tờ New York Times (Mỹ) cho hay, trận cuồng phong Kammuri đã càn quét miền Trung Philippines ngày thứ Ba 3/12 khiến 500.000 người phải sơ tán khẩn cấp đến nơi an toàn hơn để chờ bão tan.
Do ảnh hưởng của bão Kammuri, 500.000 người Philippines phải sơ tán. Ảnh: AP
Bão Kammuri tấn công chủ yếu từ tỉnh Sorsogon đến phía nam đảo Luzon, gây sóng lớn, lở đất, gió mạnh và mưa như trút.
Gió giật mạnh, mưa xối xả đã thổi bay mái của hàng nghìn ngôi nhà, gây mất điện trên diện rộng. Riêng hãng hàng không Manila đã buộc phải đóng cửa trong 12 giờ đồng hồ, bão khiến gần 500 chuyến bay bị hủy.
Cục quản lý Thiên văn, Địa vật lý và Khí quyển Philippines (PAGASA) đặt tên cho Kammuri là bão Tisoy. Đây là trận bão thứ 20 trong mùa bão 2019 của nước này. PAGASA cảnh báo, bão Kammuri vẫn có thể gây mưa lớn cho Manila trong vài ngày tới.
2. Bão Kammuri (bão số 7) vào Biển Đông, đường đi dự kiến của bão ra sao?
Đường đi dự kiến của bão số 7. Nguồn: Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia
Theo tin tức dự báo thời tiết của Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia:
Hồi 04 giờ ngày 04/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 14,0 độ Vĩ Bắc; 118,3 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 540km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-115km/giờ), giật cấp 14. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 280km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 110km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km. Đến 04 giờ ngày 05/12, vị trí tâm bão ở khoảng 15,1 độ Vĩ Bắc; 114,8 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 430km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 13. Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Đông khu vực Bắc và giữa Biển Đông có gió mạnh cấp 9-10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11, giật cấp 14; biển động dữ dội. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên) do ảnh hưởng của bão: từ vĩ tuyến 12,0 độ Vĩ Bắc đến vĩ tuyến 16,5 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 112,0 độ Kinh Đông.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10km và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 04 giờ ngày 06/12, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 13,2 độ Vĩ Bắc; 113,8 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 220km về phía Bắc Tây Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 10. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Nam, mỗi giờ đi được 20-25km và suy yếu thành một vùng áp thấp.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của không khí lạnh được tăng cường nên từ chiều nay đến ngày 06/12 ở Vịnh Bắc Bộ có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8. Khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa), khu vực phía Tây của Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) gió đông bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; biển động mạnh. Vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến đến Cà Mau có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7; biển động.
Bài viết sử dụng các nguồn: Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, New York Times, Straitstimes, Accuweather
* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.