Cuốn hộ chiếu đặc biệt do Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn “đặt tên”

Trần Duy Hiển |

Trong số những người cận vệ của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, có ông Nông Văn Hưởng sinh năm 1932, quê Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Ông Hưởng có tố chất thông minh, tính tình nhu mì và luôn chỉn chu trong công việc, lại là người dân tộc Tày nên rất được đồng chí bộ trưởng tin dùng. Chính Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn là người đã đặt tên mới cho ông Hưởng trong cuốn hộ chiếu để lên đường đi châu Âu hoạt động trong bộ phận “phái khiển” thời kì kháng chiến chống Mỹ.

Ấm trà mạn giữa đêm bão lửa

Buổi trưa một ngày tháng 7 năm 2020, nắng như thiêu đốt, chúng tôi đến thăm gia đình anh Nông Quốc Tuấn, con trai liệt sỹ CAND Nông Văn Hưởng. Anh Tuấn nguyên là cán bộ Công an Hà Nội, đã nghỉ hưu vài năm trước. Công việc chính của anh bây giờ là hằng ngày cùng người vợ hiền chăm sóc mẹ, từ việc cho ăn qua đường xông đến vệ sinh cá nhân. Bà Lê Thị Lọn (tức Vân, vợ liệt sĩ Hưởng) cũng là một cựu cán bộ Công an nghỉ hưu, năm nay ngoài tuổi 80.

Cuốn hộ chiếu đặc biệt do Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn “đặt tên” - Ảnh 1.

Ông Nông Văn Hưởng trong thời gian hoạt động ở châu Âu.

Tôi gặp bà Lọn từ hơn 10 năm trước, trong dịp Ban liên lạc cựu sĩ quan Trại Davis tổ chức kỉ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong buổi gặp mặt, Đại tá Vũ Nam Bình (tên thật là Nguyễn Văn Khả, nguyên Trưởng Ban bảo vệ an ninh của phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Trại Davis – Tân Sơn Nhất, Sài Gòn, thời kì 1973-1975), kể lại: “Sau khi Hiệp định Paris về kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được kí kết năm 1973, Ban Liên hợp quân sự Trung ương 4 bên hình thành, có nhiệm vụ phối hợp hành động bảo đảm thi hành những điều khoản về quân sự của Hiệp định Paris. Hai phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đóng trụ sở tại Trại Davis trong Sân bay Tân Sơn Nhất”.

Cuốn hộ chiếu đặc biệt do Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn “đặt tên” - Ảnh 2.

Bìa cuốn hộ chiếu do Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đặt tên cho ông Hưởng là Nguyễn Xuân Cảnh.

Trải qua 823 ngày đêm hoạt động công khai, kiên cường giữa trung tâm đầu não của địch, phái đoàn ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm thi hành Hiệp định Paris, trong đó có sự đóng góp rất quan trọng của công tác an ninh... Ban bảo vệ an ninh của hai phái đoàn gồm chủ yếu các sĩ quan Quân đội, Công an, đều là những người dày dạn nghiệp vụ và bản lĩnh. Hơn 2 năm kiên trì, mưu trí bảo vệ an ninh phái đoàn, họ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ… Nhưng chỉ một ngày trước khi Sài Gòn hoàn toàn được giải phóng, hai cán bộ của Trại Davis đã anh dũng hi sinh.

Tôi đã nhiều đến thăm gia đình bà Lọn (tại khu tập thể Trung Tự, quận Đống Đa, Hà Nội). Hồi đó, bà còn khỏe và hoạt bát. Bồi hồi nhớ về người chồng đã hi sinh ngay trước giờ toàn thắng, bà kể: “Tôi và nhà tôi cùng là người dân tộc Tày, được giác ngộ cách mạng rồi vào Công an.

 Sinh được hai mặt con nhưng thời gian sống bên nhau không được nhiều; đúng ngày đất nước thống nhất thì nhà tôi hy sinh... Chúng tôi nên vợ nên chồng là nhờ sự giới thiệu của anh Hoàng Mai (Thiếu tướng Hoàng Mai, nguyên Hiệu trưởng Trường C500, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND - PV)... Nhà tôi hiện an nghỉ tại Nghĩa trang liệt sỹ quê nhà ở Bắc Kạn”.

Trong một lần tôi đến thăm cách đây vài năm, bà Lọn lấy ra một tập tài liệu, gồm ảnh tư liệu hoạt động và một cuốn hộ chiếu của người chồng đã khuất, tặng tôi. Bà tần ngần nói: “Tôi thấy anh quan tâm đến những việc này, nên tặng anh!”. Tôi xúc động đón nhận món quà rất quý và “độc” với một người làm báo như tôi…

Trong những tài liệu bà Lọn tặng tôi, có bức thư của ông Hoàng Văn Duyến (một sĩ quan của phái đoàn ta trong Trại Davis) gửi bà Lọn, kể lại những kỉ niệm với ông Hưởng đêm 28/4/1975. Dòng kí ức của ông Duyến khiến người đọc gai người vì những dự cảm: Ngày 28/4/1975, đại quân ta đã áp sát Sài Gòn. Tiếng đạn pháo mỗi lúc một gần và dồn dập... Đêm hôm ấy, anh Hưởng sang phòng tôi. Anh nói: “Có trà không, pha một ấm anh em ta uống với nhau”.

Cuốn hộ chiếu đặc biệt do Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn “đặt tên” - Ảnh 3.

Trang ruột cuốn hộ chiếu, với chân dung ông Nông Văn Hưởng và chữ ký Nguyễn Xuân Cảnh.


Cuốn hộ chiếu đặc biệt do Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn “đặt tên” - Ảnh 4.

Tôi pha trà xong, hai anh em cùng ngồi tư lự, anh Hưởng chỉ lặng lẽ nhấp từng ngụm trà. Tôi đoán anh đang nhớ về chị Lọn - vợ anh và hai cháu Tuấn, Thủy đang tuổi ăn học. Trong lòng chúng tôi ngổn ngang bao ý nghĩ, nỗi niềm… Một lúc sau, anh tần ngần đứng dậy nắm chặt tay tôi và nói: “Duyến cố gắng giữ lấy cái “gáo” (cái đầu - PV) để về với vợ con”. Tôi nói lại với anh Hưởng: “Tùy vào số phận thôi anh. Đạn bom nó có biết tránh ai!.

Ai ngờ, đến 9h sáng 29/4/1975, khi anh Hưởng đang làm nhiệm vụ quan sát và chụp ảnh biến động của các đơn vị quân đội Sài Gòn ở phía đối diện trại, thì một quả đạn pháo nổ rất gần, anh bị một mảnh đạn pháo găm trúng cổ và gục xuống, trên người vẫn đeo chiếc máy ảnh và tay cầm một khẩu súng K59”…

Ký ức ngôi nhà số 1 và cuốn hộ chiếu ngoại giao đặc biệt

Tròn 45 năm sau ngày Đại úy Nông Văn Hưởng hi sinh, đúng dịp kỉ niệm Ngày Thương binh - Liệt sỹ, sáng 25/7/2020, chúng tôi cùng các cựu sĩ quan Trại Davis và thân nhân liệt sĩ Hưởng, hành trình từ Hà Nội lên Bắc Kạn thắp hương, tri ân người liệt sĩ CAND đang an nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Chợ Đồn.

Trong đoàn, có anh Nông Quốc Tuấn và ba đồng đội của ông Hưởng là Đinh Quốc Kỳ, Phạm Văn Lãi và ông Phạm Văn Hồng. Họ là những người bạn chiến đấu thân thiết của liệt sĩ Nông Văn Hưởng; trong đó, ông Lãi và ông Hồng là người trực tiếp khâm liệm, chôn cất Đại úy Nông Văn Hưởng vào sáng 30/4/1975...

Cuốn hộ chiếu đặc biệt do Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn “đặt tên” - Ảnh 5.

Đồng đội và người thân bên mộ LS Nông Văn Hưởng tại Nghĩa trang Liệt sĩ Chợ Đồn (Bắc Kạn).

Chúng tôi ghé qua thăm nhà và đón ông Nông Văn Thừa (SN 1930), anh ruột của Liệt sĩ Nông Văn Hưởng, hiện trú tại xã Phương Viên, huyện Chợ Đồn.

Thay mặt lãnh đạo Công an tỉnh Bắc Kạn, Đại tá Nguyễn Thanh Tuân, Phó Giám đốc cùng đại diện một số đơn vị và Công an huyện Chợ Đồn đã tiếp đoàn và cùng thắp hương tri ân tại Nghĩa trang liệt sỹ Chợ Đồn.

Trong bảng lảng khói hương giữa trưa hè nắng gắt, chúng tôi và những người bạn chiến đấu của liệt sỹ Nông Văn Hưởng đều bùi ngùi, tiếc thương và biết ơn những người con ưu tú đã ngã xuống vì độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc.

Cuốn hộ chiếu đặc biệt do Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn “đặt tên” - Ảnh 6.

Anh Nông Quốc Tuấn và bác ruột là Nông Văn Thừa trước mộ LS Nông Văn Hưởng.

Ngay tại nghĩa trang, đồng đội của ông Hưởng xúc động nhớ lại hơn 2 năm làm nhiệm vụ trinh sát kĩ thuật trong Ban Bảo vệ an ninh Trại Davis, họ đã phát hiện, ngăn chặn nhiều hoạt động gián điệp của đối phương. Ngoài âm mưu móc nối, lôi kéo, đặt máy nghe trộm, li gián gây mất đoàn kết nội bộ của ta; địch còn tính tới những thủ đoạn hèn hạ như đầu độc nguồn nước, thực phẩm, bắt cóc lãnh đạo phái đoàn...

Ông Lãi nhớ lại: Từ rạng sáng 29/4/1975, hỏa tiễn của quân ta dồn dập giội xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Các thành viên phái đoàn vẫn người nào việc nấy. Đồng chí Hưởng được giao nhiệm vụ chụp ảnh các đơn vị chiến đấu của quân đội Sài Gòn đang tan vỡ... Một số anh em cảnh vệ kiên quyết bám sát mục tiêu. Bất ngờ, có một quả đạn pháo nổ rất gần. Hai cán bộ ta đang làm nhiệm vụ bị trúng mảnh pháo là đồng chí Hưởng và đồng chí Hòa, bị thương nặng. Anh Hưởng bị mảnh pháo găm vào cổ, máu trào ra rất nhanh; các anh đã dũng cảm hi sinh.

Giữa cảnh bom rơi đạn lạc, anh Hoàng Văn Duyến, tôi và anh Phạm Văn Hồng cùng một số anh em cảnh vệ đã tiến hành khâm liệm các liệt sĩ. Chúng tôi mặc quần áo mới, đi tất, giày cho hai anh. Lúc đó cũng chưa biết chính xác bao lâu nữa thì Sài Gòn được giải phóng nên chúng tôi kiếm được hai túi nilon loại lớn và đào hố dưới một căn hầm dã chiến để các anh nằm tạm.

Hôm sau, khi quân Giải phóng đã làm chủ Sài Gòn, chúng tôi tìm được gỗ đóng hai áo quan, rồi đưa các anh ra an nghỉ tại phía sân bóng rổ của Trại Davis. Sau giải phóng vài năm thì cơ quan và gia đình anh Hưởng đưa hài cốt về quê.

Nhớ về người cha, anh Nông Quốc Tuấn xúc động: “Thú thực, tôi không có nhiều kỉ niệm với bố. Tôi sinh năm 1961. Em gái tôi là Nông Thị Bích Thủy, sinh năm 1963. Bố tôi biền biệt những chuyến công tác, chỉ về nhà một vài ngày rồi lại đi. Mẹ tôi cũng có thời gian du học ở CHDC Đức. 

Vì thế, chúng tôi được bác Hoàn coi như con cháu trong nhà. Có thời gian bố mẹ tôi đi công tác, học tập ở nước ngoài, hai anh em tôi được sống cùng gia đình bác Hoàn trong căn nhà số 1 Trần Bình Trọng (nay là khu vực Bảo tàng CAND, số 1 Trần Bình Trọng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội - PV). Đó là căn biệt thự rộng, có vườn nhiều cây, có cả hầm trú ẩn… Chúng tôi cùng các anh chị con bác Hoàn và con cái một số cán bộ được bác Hoàn nuôi nấng, dạy dỗ, đã sống cùng nhau nhiều năm tháng êm đềm, vui nhộn ở căn nhà lịch sử đó”.

Cuốn hộ chiếu đặc biệt do Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn “đặt tên” - Ảnh 7.

Đại úy Nông Văn Hưởng (thứ 2 từ phải qua) thời kì ở trại Davis.

Một kỉ niệm mà đến giờ nhắc lại, anh Tuấn vẫn thấy thẹn: “Hôm đó, bố tôi từ Paris về Hà Nội. Bố đến nhà bác Hoàn đón hai anh em tôi. Bố mang biếu gia đình bác Hoàn một túi kẹo mang về từ nước Pháp. Bác Hoàn bảo bóc ra mời mọi người cùng ăn. Mấy đứa trẻ được ăn kẹo Tây, đều suýt soa vì ngon. Bất ngờ, em gái tôi nói: “Kẹo của bố ăn ngon hơn kẹo bác Hoàn hay cho chúng con!”. Câu nói ngây thơ ấy khiến mọi người phì cười. Bác Hoàn quay sang bảo bố tôi: “Chú thấy chưa. Kẹo của bộ trưởng còn thua kẹo của anh em đấy nhé!”.

Do ông Hưởng được chính Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn tuyển chọn làm cận vệ từ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, nên gia đình anh Tuấn rất được bộ trưởng quý mến. Thấy ông Hưởng là người thông minh, luôn chỉn chu trong mọi công việc, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn quyết định đưa ông Hưởng đi đào tạo kĩ thuật tình báo, rồi chuyển sang bộ phận “phái khiển” hoạt động tại các nước châu Âu.

Tiếp đó, từ năm 1968-1973, ông Hưởng làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh phái đoàn ta tại cuộc hòa đàm Paris. Sau khi Hiệp định Paris kí kết ngày 27/1/1973, ông Hưởng được Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn cử vào Trại Davis làm nhiệm vụ kĩ thuật tình báo, bảo đảm an ninh, an toàn cho phái đoàn ta.

Về cuốn hộ chiếu đặc biệt của bố mình, anh Tuấn kể: “Tôi đến gặp các bác, các chú từng công tác với bố tôi, để tìm những kỉ vật và kỉ niệm của bố. Tôi được các bác trong Văn phòng Bộ trưởng kể lại, trước khi bố tôi đi “phái khiển” ở châu Âu, bác Hoàn gọi bố tôi lên trực tiếp giao nhiệm vụ. Rồi bác nói với bố: “Chú cần có một cái tên trong hộ chiếu để bảo đảm bí mật khi hoạt động ở nước ngoài. Tôi đặt cho chú tên mới là Nguyễn Xuân Cảnh; Cảnh là tên thật của tôi (Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn tên thật là Nguyễn Trọng Cảnh – PV). Chúc chú lên đường may mắn, bình an và luôn hoàn thành nhiệm vụ!”.

Tôi cùng anh Tuấn lần giở cuốn hộ chiếu đã nhuốm màu thời gian; bìa màu đỏ, mang số D 4222. Phần trên cùng trang bìa, là dòng chữ tiếng Việt “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, tiếp đó là Quốc huy và dòng chữ tiếng Việt “Hộ chiếu ngoại giao”, ngay phía dưới là dòng chữ nhỏ bằng tiếng Pháp “Passeport Diplomatique”.

Người đứng tên hộ chiếu là Nguyễn Xuân Cảnh (sinh ngày 3/2/1932 tại Hải Phòng). Người ký, cấp hộ chiếu ngày 5/4/1971 là ông Vũ Hoàng, Vụ trưởng Vụ Lãnh sự Bộ Ngoại giao…

Ở trang trong, là chân dung người chủ cuốn hộ chiếu, có vẻ đẹp tươi tắn và lịch lãm của một nhà ngoại giao, một chiến sĩ An ninh trên trận tuyến thầm lặng.

Dưới ảnh chân dung hộ chiếu, là chữ kí màu xanh bay bổng, có thể luận ra ngay “Nguyễn Xuân Cảnh”.

Anh Tuấn xúc động kể: “Ngay sau ngày thống nhất đất nước, bác Hoàn rất thương hoàn cảnh gia đình tôi, nên đã tạo điều kiện đưa cả nhà tôi vào Nam. Khoảng giữa tháng 5-1975, mẹ và hai anh em tôi có mặt ở Sài Gòn và được đưa vào thăm nơi bố tôi đang an nghỉ trong Trại Davis, đích thân bác Hoàn cũng đến thăm và thắp hương cho bố tôi… Mẹ tôi giữ gìn những kỉ vật của bố tôi rất kĩ. Vậy mà cụ tặng anh cuốn hộ chiếu của bố tôi được mang tên thật của bác Hoàn, là cụ quý và tin anh lắm đấy!”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại