Ký ức thời thơ ấu
Gia đình Mkhitaryan có truyền thống thể thao. Cha anh, Hamlet từng là cầu thủ chuyên nghiệp. Mẹ là một Giám đốc của Liên đoàn bóng đá Armenia. Chị gái làm việc ở Liên đoàn bóng đá Châu Âu và từng là trợ lý của cựu chủ tịch UEFA Michel Platini.
Cha anh đã qua đời cách đây 20 năm do căn bệnh u não. Từ lúc mất cha, cầu thủ 27 tuổi nung nấu ý định nối nghiệp quần đùi áo số của ông. Anh mong muốn trở thành cầu thủ xuất sắc và chơi trong những CLB tên tuổi.
Mkhitaryan yêu cha, trong The Players’ Tribune (một diễn đàn cầu thủ), Micki có bài viết nói về người cha đáng kính, cái chết của ông và cách anh vươn lên trở thành một cầu thủ như ngày hôm nay.
Mkhitaryan và cha, ông Hamlet.
"Một trong những kỷ niệm vẫn còn nhớ về cha là những lúc tôi đòi đưa đến sân tập. Ông chơi cho CLB hạng 2 Pháp, Valence. Khi đó tôi tầm 5 tuổi và luôn khóc làm nũng, đòi được đi theo:
"Cha cho con đi cùng với cha đi mà".
Chẳng phải tôi sớm quan tâm đến bóng đá, đơn giản, tôi chỉ muốn theo chân ông đến khắp mọi nơi" - Mkhitaryan bắt đầu kể câu chuyện hiếm hoi anh còn nhớ về cha.
Cũng giống như nhiều ông bố khác sợ mải mê với công việc mà lạc mất cậu con trai bé bỏng, ông Hamlet lần nào cũng kiên quyết nói không. Đã thế, Micki càng khóc to hơn. Có lần, ông nghĩ ra biện pháp để ra khỏi nhà êm đẹp.
"Một buổi sáng đẹp trời, tôi lại bắt đầu đòi được đi đến sân tập. Bằng một nụ cười ấm áp, cha nói:
"Henrikh à, chẳng có buổi tập nào hôm nay con trai ạ. Cha sẽ đi siêu thị và về nhà ngay bây giờ đây".
Cha đã đến sân tập một mình, còn tôi thì chờ, chờ mãi. Ông quay về sau vài tiếng và đương nhiên, chẳng có túi đồ siêu thị nào hết. Tôi nhận ra mình bị bỏ rơi và bắt đầu khóc ầm ĩ: "Cha lừa con, cha không đến siêu thị, cha đã đi chơi bóng, cha lừa con rồi".
Cha con ở đâu rồi!
Những lần đòi hỏi được đi cùng đến sân tập chẳng được lâu. Năm Mkhitaryan lên 6, cả gia đình chuyển về Armenia bởi ông Hamlet đang phải chống chọi với căn bệnh u não. Lúc đó còn quá bé, anh chẳng ý thức được mọi sự thay đổi đang diễn ra, Micki vẫn vô tư, cười đùa cho đến ngày cha rời xa mãi mãi.
"Thời gian ở cạnh cha thật ý nghĩa nhưng ngắn quá. Tôi không hiểu mọi chuyện xảy ra. Chỉ biết rằng đến một ngày cả nhà từ Pháp về Armenia, cha chẳng chơi bóng đá nữa. Ông lúc nào cũng ở nhà. Tôi đâu biết về khối u não. Rất nhanh, chưa đến 1 năm, ông rời xa thế gian mãi mãi trước khi tôi hiểu thế nào là cái chết.
Tôi ngơ ngác đứng đấy, nhìn thấy mẹ và chị gái khóc. Tôi nhớ cha rồi nằng nặc đòi được gặp: "Cha con đâu rồi ạ?". Đó là câu hỏi được lặp đi lặp lại nhiều lần mà chẳng ai buông nổi lời giải thích. Thời gian dần trôi qua, mẹ bắt đầu kể về sự mất mát to lớn:
'Henrikh à, cha không bao giờ ở cùng chúng ta được nữa'. 'Không bao giờ' trong khái niệm của tôi nó rất dài, thật là dài".
Mkhitaryan(ngồi) cùng mẹ và chị gái.
Mkhitaryan tìm lại những cuốn băng lúc ông Hamlet còn thi đấu để xem cho vơi nỗi nhớ.
Anh nhập tâm từng khoảnh khắc, chạy, đi bóng của ông. "Trên những cuốn băng, cha tôi như vẫn còn sống". Đặc biệt, cũng từ đó, anh quyết tâm trở thành một cầu thủ giỏi và bắt đầu tập chơi bóng: "Tôi phải chạy giống cha, phải sút giống cha".
Đến 10 tuổi, thế giới với Mkhitaryan bao xung quanh trái bóng tròn, sân cỏ. Tập luyện, đọc sách đến cả chơi game cũng là những thứ liên quan đến bóng đá.
"Tôi tập trung tối đa vào nó và đặc biệt thích những cầu thủ giàu sức sáng tạo như Zidane, Kaka, Hamlet".
Cầu thủ lễ độ và phong cách Brazil đầy mê hoặc
Sau cái chết của bố, mẹ Mkhitaryan "gánh" cả gia đình trên vai. Bà vào làm việc trong Liên đoàn bóng đá Armenia. Thật trùng hợp, tiền vệ này được gọi vào tuyển trẻ Armenia. Cũng chính thời gian này, Micki học được cách cư xử, kiềm chế trên sân cỏ.
"Nếu tôi tức giận và có hành động gì đó trên sân, mẹ sẽ nói chuyện ngay: "Henrikh, con đang làm cái gì vậy? Con phải học cách cư xử lễ độ nếu không mẹ sẽ gặp rắc rối ở đây".
"Mẹ, họ đá con..." - Tôi vội vàng
"Không, không, không, con lúc nào cũng cần phải lịch sự".
Đó là quãng thời gian dài đầy khó khăn. Nhờ mẹ và chị gái, tôi luôn được sống cùng với đam mê của mình. Năm 13 tuổi, tôi sang Sao Paulo để tập luyện trong 4 tháng.
Chuyến đi đó rất thú vị nhưng đầy khó khăn với đứa trẻ nhút nhát người Armenia và không biết nói tiếng Bồ Đào Nha. Không sao cả, tôi làm hết, chịu đựng hết để đến với thiên đường bóng đá
Tôi thích Kaka, mê mẩn thứ bóng đá theo phong cách Brazil đầy mê hoặc mà ở đây người ta gọi là Ginga. Hai tháng trước khi đến Brazil, tôi học tiếng Bồ Đào Nha và có thể trao đổi qua lại với mọi người".
Mkhitaryan ở Man United.
Man United và sân khấu trong mơ
"Mùa Hè năm ngoái, người đại diện gọi và nói rằng Man United muốn có sự phục vụ của tôi. "Có thật không hay anh chỉ đoán thế?" tôi phản ứng ngay lập tức. Bạn biết đấy, khi ước mơ sắp thành hiện thực, nó luôn mang đến cảm giác không chân thực lắm.
Vài ngày sau đó, Ed Woodward gọi cho tôi và bày tỏ nguyện vọng. Ôi, thật sự bùng nổ, tôi không đủ ngôn từ để diễn tả cảm giác lúc đó.
Tôi làm sao quên được những khoảnh khắc đầu tiên, khoảnh khắc chạm tay vào chiếc áo Man United, khoảnh khắc có buổi tập. Nó là cả sự tự hào to lớn.
Tôi không dám nói sự khởi đầu với Quỷ đỏ là hoàn hảo, nhưng có đủ niềm tin. Tôi đi lên từ nhiều thất bại và không có khái niệm bỏ cuộc. Tôi sẽ tiếp tục chăm chỉ mỗi ngày để cống hiến nhiều hơn cho CLB.
Nếu bạn hỏi mẹ và chị gái, họ sẽ nói rằng tôi khá cứng rắn. Tôi có thể trở nên cực kỳ đáng gờm. Tuy nhiên, tôi rất hài lòng với những thay đổi trong cuộc sống và luôn mơ ước được chơi cho những CLB hàng đầu thế giới.
Khi đi bộ ở Old Trafford, tôi luôn nghĩ rằng đây không chỉ là sân bóng, đây là cả một giai đoạn đầy trang trọng của cuộc đời. Nếu cha có thể nhìn thấy hình ảnh đó, ông hẳn sẽ tự hào biết bao nhiêu.
Tôi đã làm theo cha gần như suốt thời thơ ấu và tuổi trẻ. Mặc dù không còn ở bên cạnh nhưng ông đã giúp tôi đến được với thành quả hôm nay. Nếu cha tôi còn sống, biết đâu đấy, lại có một Henrikh Mkhitaryan là bác sĩ, luật sư, nhưng tôi lại trở thành cầu thủ bóng đá.
Có một bí mật nho nhỏ thế này, tôi chẳng bao giờ dám xem lại băng video sau một trận mình ra sân, điều đã làm hàng trăm, hàng nghìn lần với những cuốn băng của cha. Tôi ghét xem hình ảnh bản thân bởi những lúc đó chỉ nhìn ra các sai lầm thôi.
Tôi với cha có phong cách khác nhau hoàn toàn. Ông ấy là tiền đạo sở hữu tốc độ và các cú sút mạnh mẽ. Tôi thiên nhiều về kỹ thuật. Tuy nhiên, lúc về Armenia, nhiều người nói "Henrikh à, cháu giống y xì cha cháu. Lúc cháu chạy, chúng ta lại nhớ đến Hamlet".
Tôi không biết điều ấy vì không xem lại chính mình bao giờ. Nhưng lời nhận xét đó mang ý nghĩa lớn lao.
Tôi bắt đầu mơ về việc được chơi bóng, chạy một cách thoải mái, tự do trên sân kể từ lúc ngồi xem những băng hình của cha sau khi ông rời xa thế giới này mãi mãi."
Mkhitaryan trong trận gặp West Ham.