Như đã đưa tin thì ngay trong ngày đầu tiên của năm mới, "Siêu trăng sói" - hiện tượng thiên văn tương đối hiếm gặp đã xuất hiện và tỏa sáng khắp bầu trời nước Mỹ.
Tên gọi "trăng sói" xuất phát từ thổ dân Mỹ xưa kia, họ gọi trăng tròn đầu tiên của tháng 1 như vậy vì đó là lúc loài sói thường tru lên giữa đêm. Và tình cờ, hiện tượng "trăng sói" của năm 2018 lại là siêu trăng, nên chúng ta có hiện tượng "Siêu trăng sói".
Thời điểm ấy, Việt Nam chúng ta không thể xem được. Tuy nhiên, người hâm mộ thiên văn không cần phải tiếc nuối lâu, vì ngay cuối tháng 1 này - cụ thể là ngày 31/1/2018 - chúng ta sẽ được chứng kiến một màn tụ hội của 3 hiện tượng thiên văn liên quan đến trăng: trăng xanh (blue moon), trăng máu (blood moon), và siêu trăng (super moon).
Cụ thể, cuối tháng 1 này, chúng ta sẽ có thêm một lần trăng tròn nữa. Thông thường, mỗi năm có 12 kỳ trăng tròn tương ứng với 12 tháng.
Nhưng do Mặt trăng quay quanh Trái đất trong 29,5 ngày, còn các tháng trong dương lịch có 30 hoặc 31 ngày, nên mỗi năm dương lịch có nhiều hơn 11 ngày so với năm âm lịch.
Trăng xanh chụp tại Thanh Hóa vào năm 2015
Vì thế sau khoảng 2-3 năm sẽ có một năm âm lịch với 13 tháng, tương ứng với 13 lần trăng tròn, với 2 lần mọc trong cùng một tháng. Dân gian gọi hiện tượng ấy là trăng xanh.
Nhưng lần trăng xanh này không hề đơn giản. Đây là lần đầu tiên trong 150 năm, trăng xanh xuất hiện cùng với nguyệt thực toàn phần - hiện tượng trăng bị bóng Trái đất che khuất. Nguyệt thực sẽ khiến trăng đổi sang màu đỏ hoặc cam, nên còn được gọi là "trăng máu".
Chưa hết, đây cũng là thời điểm Mặt trăng ở rất gần với Trái đất, khiến nó trở thành một siêu trăng. Vậy là ngay trong ngày 31/1/2018, chúng ta sẽ được chứng kiến trăng xanh, trăng máu và siêu trăng cùng hội tụ. Có người còn gọi tắt nó là... "Siêu trăng xanh máu".
Nhưng lần này, sự khác biệt là chúng ta có đến 3 hiện tượng cùng hội tụ
Được biết, những địa điểm lý tưởng để quan sát bộ ba hiện tượng thiên văn lần này nằm về phía Tây Mỹ, và một số khu vực tại Đông Á, Trung Á. Theo dự kiến, nó sẽ xảy ra vào lúc 6h48 tối ngày 31/1 theo giờ Việt Nam, nghĩa là chúng ta hoàn toàn có thể quan sát từ đầu đến cuối.
Bản đồ Mặt trăng bị bóng Trái đất che khuất: có thể thấy Việt Nam nằm trong khu vực hoàn toàn quan sát được
Còn chờ gì nữa, hãy lên lịch ngay thôi. Mọi thông tin mới nhất sẽ được chúng tôi cập nhật trong thời gian tới.
Nguồn tham khảo: Space, Daily Mail