Xấp tiền 10.000 NDT bỗng dưng biến mất
Cô Dương ở Hàng Châu, Chiết Giang Trung Quốc vốn là giám đốc tài chính của một công ty lớn ở trong vùng. Theo thông lệ, cuối năm sẽ là lúc công ty này tổ chức tiệc tất niên rất hoành tráng. Đây cũng là thời điểm để các lãnh đạo của công ty phát thưởng cho những nhân viên xuất sắc của mình. Chính vì vậy trước khi buổi tiệc này diễn ra, cô Dương đã đến ngân hàng địa phương để đổi 57.500 NDT( hơn 197 triệu đồng) tiền mặt thành tiền mới với các mệnh giá khác nhau để tiện cho việc khen thưởng.
Sau giao dịch, cô Dương nhận được 5 tờ mệnh giá 50 NDT, 10 tờ mệnh giá 20 NDT, 10 tờ mệnh giá 10 NDT và 5 tờ mệnh giá 5 NDT tiền mới. Tuy nhiên vì có việc gấp nên nữ giám đốc này cũng vội rời đi ngay mà không kiểm tra kỹ số tiền mình nhận về.
Không ngờ chỉ trong vòng ba tiếng đồng hồ sau đó, phía ngân hàng đã liên lạc lại với cô Dương và cho biết trong quá trình giao dịch, nhân viên của họ đã đưa nhầm cho cô thêm một xấp tiền mệnh giá 100 NDT. Tổng số tiền bị đưa nhầm này ước tính là 10.000 NDT và yêu cầu nữ giám đốc này trả lại.
Nhận được tin, cô Dương lập tức kiểm tra số tiền mình mang về nhưng không phát hiện thấy xấp tiền mệnh giá 100 NDT nói trên nên đã báo lại ngân hàng. Tuy nhiên, nhân viên ngân hàng lại một mực khẳng định nữ giám đốc này đã lấy tiền, đồng thời yêu cầu cô trả lại ngay nếu không sẽ báo sự việc với cảnh sát. Phía cảnh sát cho biết đây là tranh chấp dân sự, vì hòa giải không thành công nên họ chỉ có thể gửi giấy triệu tập và đề nghị hai bên ra tòa để giải quyết tranh chấp.
Ai đúng ai sai?
Tại phiên tòa xét xử vụ việc, phía ngân hàng khẳng định cô Dương đã nhận thêm 10.000 NDT (hơn 34 triệu đồng) so với 57.500 NDT tiền đổi ban đầu, do đó, yêu cầu nữ giám đốc này phải hoàn trả số tiền phát sinh đó.
Không đồng tình với lý lẽ của phía ngân hàng, cô Dương cũng đã trình lên tòa video trích từ camera giám sát của công ty và lời khai của đồng nghiệp nhằm chứng minh rằng sau khi lấy 57.500 NDT tiền mặt từ công ty, cô đã đi thẳng đến ngân hàng. Đồng thời sau khi từ ngân hàng về công ty, số tiền nữ giám đốc này lấy ra vừa đủ 57.500 NDT, không có xấp tiền mệnh giá 100 NDT mà ngân hàng đề cập đến. Cũng từ những bằng chứng này, cô Dương một lần nữa khẳng định cô không lấy thêm tiền từ ngân hàng cũng như không có nghĩa vụ phải hoàn trả số tiền không được hưởng lợi.
Để phản bác lại lập luận của cô Dương, phía ngân hàng đã trích video từ camera giám sát cho thấy vào ngày xảy ra vụ việc, khoảng thời gian từ ngân hàng về công ty của cô Dương mất gần 1 tiếng thay vì nửa tiếng như thường lệ. Do đó, họ cho rằng bằng chứng là video trích từ camera giám sát của công ty mà cô Dương dùng để chứng minh mình trong sạch là không thuyết phục. Cũng từ đây, họ khẳng định ngân hàng có lý do chính đáng để nghi ngờ cô Dương đã chuyển tiền hay tiêu tiền trước khi quay lại công ty.
Tuy nhiên sau đó, luật sư của ngân hàng cũng cho biết 10.000 NDT bị mất không nhất thiết là những tờ tiền có mệnh giá 100 NDT mà mang những mệnh giá khác.
Tòa án cho biết theo Điều 8 của Hệ thống thu ngân ngân hàng Trung Quốc quy định: Các khoản thanh toán bằng tiền mặt phải được giao trực tiếp và có con dấu hợp lệ của ngân hàng. Tức là trước khi giao dịch viên đưa tiền cho người đổi tiền, số tiền đó đã phải thông qua máy đếm tiền. Thứ hai, camera giám sát của ngân hàng cũng không thể xác định rõ việc cô Dương thực sự đã lấy 10.000 NDT. Do đó, dựa theo Điều 90 Luật tố tụng dân sự Trung Quốc, tòa án cho rằng phía ngân hàng không cung cấp đủ bằng chứng chứng minh cô Dương là người đã lấy nhầm 10.000 NDT nên đã ra phán quyết đơn vị này thua kiện.
Sau vụ xét xử, ngân hàng tỏ thái độ không đồng tình với phát quyết này của tòa án nên đã kháng cáo. Tuy nhiên, tòa án Trung Quốc vẫn giữ nguyên phát quyết ban đầu, bác bỏ đơn kháng cáo của phía ngân hàng.
(Theo Zhihu)